Nâng cao "sức khỏe” cho tổ chức cơ sở đảng
“Sinh động hóa” từng buổi sinh hoạt, mở rộng kết nối giữa các đảng viên, tăng cường giám sát, đưa đảng viên gắn chặt với cơ sở… Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai nhằm nâng cao “sức khỏe” cho các tổ chức cơ sở đảng.
GẮN KẾT, CHIA SẺ
Chất lượng sinh hoạt chi bộ đóng vai trò quan trọng đối với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
“Dân tin đảng viên, tin chi bộ tức là tin Đảng”
Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Định đầu tháng 7.2018, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng (ảnh) nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của chi bộ ở cơ sở. “Các cấp ủy Đảng cần chú trọng phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế. Vai trò của các chi bộ ở cơ sở phải được phát huy hơn nữa; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm của từng đảng viên. Vai trò của chi bộ ở cơ sở rất quan trọng và mang tính sống còn; dân tin đảng viên, tin chi bộ tức là tin Đảng”, ông nói.
Đối với chi bộ sinh viên, nơi có nhiều đảng viên thuộc các chuyên ngành, trình độ, lứa tuổi khác nhau, bảo đảm sinh hoạt với chất lượng tốt là vấn đề không hề đơn giản. Chúng tôi có dịp tham dự một buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ Sinh viên khối Xã hội (Đảng bộ Trường ĐH Quy Nhơn) - chi bộ có 100% đảng viên là sinh viên. Bí thư Chi bộ điều hành buổi sinh hoạt với các nội dung: thông tin tình hình thời sự trong nước, quốc tế; công tác xây dựng Đảng; nhiệm vụ chuyên môn... Đặc biệt, giữa buổi sinh hoạt có phần thi tìm hiểu kiến thức cơ bản về Đảng, Bác Hồ, về hoạt động của Đảng bộ Trường ĐH Quy Nhơn bằng hình thức trắc nghiệm, có phương tiện hiện đại hỗ trợ.
“Vui vẻ và bổ ích, hình thức này giúp các đảng viên hiểu và ghi nhớ nội dung sinh hoạt cũng như nhiều kiến thức khác. Nhờ đó mà buổi sinh hoạt phong phú, hấp dẫn hơn, giúp các đảng viên thêm gần gũi, gắn bó với nhau”, đảng viên trẻ Lê Quốc Vương - sinh viên năm 4 của khoa Ngữ văn, tâm sự.
Theo Bí thư Chi bộ Phan Thị Thành, nhờ gắn kết tốt mà các đảng viên thuộc các ngành học khác nhau mở rộng mối quan hệ, tăng cường đoàn kết, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ và giới thiệu nhiều quần chúng ưu tú vào Đảng. Như năm 2017, Chi bộ đã kết nạp 32 đảng viên mới - một con số rất ấn tượng.
Tăng cường gắn kết đảng viên cũng là vấn đề được Đảng ủy Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên (trụ sở ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) rất quan tâm. Trong 5 chi bộ trực thuộc, có 2 chi bộ đóng ở Pleiku (Gia Lai) và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); các đảng viên thường xuyên “cắm” địa bàn ở núi rừng. Để đảm bảo sinh hoạt đều đặn và chất lượng, hình thức họp trực tuyến được áp dụng đã lâu, bằng ứng dụng phần mềm Skype.
Theo Phó Bí thư Đảng ủy Vũ Văn Thành, họp trực tuyến giúp Đảng bộ duy trì được nền nếp sinh hoạt trong điều kiện cách trở địa lý, đặc biệt là vào mùa mưa bão. “Các đảng viên làm việc trong điều kiện khó khăn, nên mình phải sâu sát để động viên, chia sẻ kịp thời. Càng khó khăn thì càng phải đoàn kết, có được đoàn kết mới phát huy sức mạnh tập thể”, ông Thành nói.
Mỗi buổi sinh hoạt của Chi bộ Sinh viên khối Xã hội (Đảng bộ Trường ĐH Quy Nhơn) là một cuộc gặp gỡ vui vẻ, bổ ích.
SÂU SÁT CƠ SỞ
Bên cạnh đảm bảo nền nếp, chất lượng sinh hoạt, công tác giám sát trực tiếp cũng góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở đảng. Tại An Nhơn, từ cuối năm 2016, vào ngày 10 hằng tháng, tất cả các cơ quan, đơn vị từ thị xã đến xã, phường không bố trí lịch họp (trừ trường hợp đột xuất). Tất cả các Thị ủy viên sắp xếp công việc về dự sinh hoạt chi bộ thôn, khu vực của đảng bộ xã, phường được phân công theo dõi. Sau mỗi lần dự họp, mỗi người có trách nhiệm báo cáo kết quả cụ thể bằng văn bản.
“Từ khi triển khai đến nay, hoạt động này đã trở thành kênh thông tin quan trọng để Ban Thường vụ Thị ủy chỉ đạo, giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”, Bí thư Thị ủy An Nhơn Đoàn Văn Phi khẳng định.
Ở một phương diện khác, để tăng thêm sự gắn kết với địa bàn, cấp ủy ở một số nơi đã phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình. Để thống nhất thực hiện chủ trương này trong toàn tỉnh, tháng 8.2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn, yêu cầu các huyện, thị, thành ủy chỉ đạo chuyển tất cả đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã về sinh hoạt đảng tại chi bộ khu dân cư; giải thể chi bộ cơ quan xã. Đồng thời, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình trên địa bàn dân cư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đảng bộ cơ sở xã, phường, thị trấn.
“Đây là bước “chuyển hướng” đúng đắn và kịp thời, giúp đảng viên tiếp nhận, phản ánh tâm tư nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân đến cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để giải quyết kịp thời. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn nhận định.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức xây dựng Ðảng cũng đã có nhiều quy định mới, hướng mạnh về cơ sở. Cụ thể, phân công cán bộ, chuyên viên các ban của Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tham dự sinh hoạt chi bộ trong tất cả các loại hình tổ chức cơ sở đảng.
NGUYỄN VĂN TRANG