Có Bác, lòng ta trong sáng hơn
Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những điển hình tiêu biểu, những cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác.
Báo Bình Định Xuân Kỷ Hợi - 2019 xin giới thiệu 3 mô hình tiêu biểu làm theo Bác có sức lan tỏa trong cuộc sống.
Nâng bước em tới trường
Chúng tôi đến nhà em Dương Thị Liền (tổ 54, KV 7, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), học lớp 6A7 Trường THCS Nhơn Bình, khi em vừa ở trường về. Chưa kịp thay đồng phục, Liền đã ngồi bệt xuống nền nhà, phụ mẹ đan ghế mây cho kịp giao hàng, thao tác thuần thục.
Cán bộ Đồn Biên phòng Đề Gi và phụ huynh thường xuyên quan tâm, theo dõi việc học của em Phan Nguyễn Thị Ngân Thương.
Bố Liền mất trong một vụ TNGT khi em mới 7 tuổi, mẹ không có việc làm ổn định, thường xuyên ốm đau lại phải chăm lo cho 4 con còn nhỏ. Do hoàn cảnh khó khăn nên Liền nhiều lần có ý định bỏ học ở nhà phụ giúp mẹ để anh trai đang học lớp 8 và 2 em nhỏ tiếp tục được đến trường. Chị Võ Thị Mỹ Lệ (37 tuổi), mẹ của Liền, tâm sự: “Thấy con ham học nhưng phải nghỉ, tôi xót xa lắm. Đúng lúc đó, tháng 3.2016, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Quy Nhơn phối hợp với địa phương và nhà trường đến nhà động viên và nhận đỡ đầu cháu Liền, với mức 500 ngàn đồng/tháng. Mức hỗ trợ thường xuyên này giúp gia đình có thể lo cho cháu học đến hết lớp 12. Ngoài giờ học, cháu còn phụ tôi đan ghế mây, cũng kiếm được 500 - 700 ngàn đồng/tháng”.
Hải đoàn Biên phòng 48 nhận đỡ đầu 3 trường hợp
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ năm 2016 đến nay, Hải đoàn Biên phòng 48 (thuộc Bộ Tư lệnh Biên phòng, đóng quân ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), đã nhận đỡ đầu 3 trường hợp. Ðó là các em: Huỳnh Ngọc Quang (KV 2, phường Hải Cảng) học lớp 7, Trường THCS Trần Hưng Ðạo, mồ côi cha, thuộc hộ nghèo; Nguyễn Hoài Nam (KV 3, phường Ghềnh Ráng) học lớp 7, Trường THCS Ghềnh Ráng, mồ côi mẹ, hoàn cảnh khó khăn; Trần Thị Nhật Hiếu (KV 9, phường Hải Cảng) học lớp 5, Trường Tiểu học Hải Cảng, thuộc hộ nghèo, không có cha, mẹ bị tai nạn mất khả năng lao động.
“Biết hoàn cảnh em khó khăn, thầy cô và bạn bè đều động viên, chia sẻ, mọi khoản đóng góp ở trường đều được miễn. Không những vậy, cô giáo chủ nhiệm và các bạn còn thường xuyên đến nhà thăm và hỗ trợ em. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người nên em không còn phải lo nghỉ học nữa”, Dương Thị Liền chia sẻ.
Em Phan Nguyễn Thị Ngân Thương (ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), học sinh lớp 7A8 Trường THCS Cát Khánh, cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Bố của Thương mất trong một tai nạn khi đang đánh cá trên biển, để lại mẹ Thương với 3 đứa con. Thương một buổi đi học, một buổi phụ mẹ chăn bò, nhổ đậu. Thế rồi, khi nghe tin Thương chuẩn bị nghỉ học, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đề Gi đã có mặt kịp thời và động viên, nhận đỡ đầu.
Đó là 2 trong tổng số 56 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu trong khuôn khổ chương trình Nâng bước em tới trường (mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng), giúp các em được tiếp tục đi học đến hết lớp 12. Trong số đó, nhiều em có thành tích học tập tốt, đã thi đỗ vào các trường đại học. Tiêu biểu như em Phạm Thị Minh Hậu (thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) mẹ mất sớm, cha đi lấy vợ khác, Hậu sống với bà ngoại già yếu. Được Đồn Biên phòng Nhơn Lý nhận đỡ đầu từ năm lớp 10, nay Hậu đã thi đậu và đang học Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Thượng tá Mai Văn Tin, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đề Gi, cho hay: “Quá trình nhận đỡ đầu, đơn vị lập sổ liên lạc giữa gia đình, nhà trường và đơn vị để thường xuyên nắm bắt, kèm cặp, hướng dẫn các em trong học tập, rèn luyện; đồng thời từng bước làm tốt việc định hướng nghề nghiệp cho các em. Ngoài việc hỗ trợ hàng tháng, đơn vị còn giúp đỡ các em về sách vở, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường...”.
Đại tá Phan Trường Sơn, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, khẳng định: “Chương trình Nâng bước em tới trường đã làm lan tỏa những giá trị nhân văn cao cả, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với cán bộ, nhân dân tuyến biên giới biển, đảo của tỉnh, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc. Đồng thời, đây là việc làm nhằm tri ân bà con khu vực biên giới biển đã luôn dành tình cảm và giúp đỡ BBĐP hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
NGUYỄN PHÚC
“Ai cũng có áo mặc”
1.
Khoa Cấp cứu của TTYT huyện Hoài Ân vẫn thường tiếp nhận những bệnh nhân bị TNGT, tai nạn lao động nên quần áo rách, dính đầy máu. Mỗi lần như vậy, điều dưỡng, y tá lại chạy qua phòng Công tác xã hội gặp anh Nguyễn Thành Vỹ (Trưởng Khoa điều dưỡng), lựa bộ đồ phù hợp từ Tủ quần áo miễn phí thay tạm cho bệnh nhân trong khi chờ người nhà đến.
Khai trương tủ quần áo miễn phí tại thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân.
Anh Vỹ kể: “Tủ quần áo được CLB Tình thương thuộc Hội LHTN Việt Nam huyện Hoài Ân thành lập 1 năm nay. Ngoài quần áo nhận ở CLB Tình thương, bác sĩ, nhân viên ở TTYT huyện còn huy động người thân, gia đình ủng hộ. Cứ Chủ nhật hàng tuần, bệnh nhân thoải mái tới lựa quần áo”.
Bà Nguyễn Thị Bảy (74 tuổi, ở xã Ân Hữu) sống một mình, nhà nghèo, lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật phải nhập viện. Nhiều bữa đi vội, bà Bảy chỉ đem 2 - 3 bộ quần áo cũ, không kịp giặt phơi. Từ khi có tủ quần áo miễn phí ở TTYT huyện, bà và một số bệnh nhân khác ở phòng rủ nhau xuống lựa đồ về mặc. Bà Bảy kể: “Quần áo ở đây đẹp, vải tốt, dù rộng một chút nhưng tôi ưng ý lắm”.
Tủ quần áo miễn phí ở TTYT huyện Hoài Ân là 1 trong 18 tủ quần áo mà CLB Tình thương thành lập ở khắp các xã, thị trấn trong toàn huyện. Hơn
15 năm gắn bó với các hoạt động thiện nguyện, anh Lưu Quốc Trí (Phó Chủ nhiệm CLB), đã kết nối với hàng trăm bạn bè, nhà hảo tâm, các nhóm và CLB thiện nguyện trong và ngoài tỉnh nên thường xuyên nhận được sự ủng hộ quần áo cũ và mới. Một số tình nguyện viên còn đề nghị được tự đóng tủ đựng quần áo miễn phí đặt ngay tại nhà của mình. “Sau 1 năm hoạt động, các tình nguyện viên giữ tủ quần áo đã kết nối với nhau và vận động người thân ủng hộ quần áo, giày dép, sách vở, cặp… nên CLB đỡ vất vả hơn trước nhiều”, anh Trí cho hay.
2.
Mô hình tủ quần áo miễn phí xuất hiện đầu tiên tại địa chỉ 02/39 Phạm Ngọc Thạch, TP Quy Nhơn. Sau đó, Đoàn phường, Hội LHTN Việt Nam phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) phối hợp với CLB Thiện nguyện Cầu Vồng gầy dựng tủ thứ hai. Một số cửa hàng quần áo, shop bán đồ ký gởi ở Quy Nhơn cũng thành lập tủ quần áo từ thiện. Rồi Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa thành lập tủ quần áo miễn phí cho bệnh nhân. Phong trào này tiếp tục nở rộ khắp nơi nhờ sự tiếp sức của hội LHPN các huyện, thị xã. Một số tủ quần áo ngừng hoạt động, nhất là ở TP Quy Nhơn, do nhu cầu không còn hoặc không có người quản lý. Tuy nhiên, ở các xã, nhất là miền núi tủ quần áo miễn phí vẫn được duy trì hiệu quả.
Hội LHPN huyện Tây Sơn đã thành lập và duy trì được 5 tủ quần áo miễn phí. Riêng tủ quần áo ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) trở thành gian hàng di động miễn phí của người dân vốn còn nhiều khó khăn ở đây. Chị Đinh Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An, cho biết: “Bà con một số làng ở gần Nhà văn hóa xã Vĩnh An thì tới lựa và lấy đồ. Còn những làng xa thì khi chúng tôi tổ chức các hoạt động kết hợp mang đồ xuống cho họ luôn”.
Cụ bà Đinh Thị Ngọc (83 tuổi, ở xã Vĩnh An) đau bệnh, sống cùng con trai bị câm và bệnh thần kinh, lại còn nuôi đứa cháu nội 10 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng, kể: “Già yếu chẳng làm được gì. Thằng con trai thì chỉ biết uống rượu, đập phá đồ đạc, xé đốt quần áo của bất cứ ai trong nhà. Trước đây, cả nhà tôi không có đồ để mặc. Giờ thì, các chị ở Hội LHPN xã đem đồ đến tặng thường xuyên”.
HẢI YẾN
Nhân lên lòng nhân ái
Cách đây 3 năm, họa lớn ập xuống gia đình chị Lê Thị Tuyết Hồng (KV 8, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn). Khi đang nằm dưới gầm để sửa xe, chồng chị bị xe ngã đè chết. Từ đó, cảnh nghèo thêm ngặt, gánh bánh xèo ở chợ Khu Sáu của chị không đủ trang trải cho 2 đứa con. Càng bi kịch hơn, khi đứa con gái nhỏ bị chậm phát triển trí tuệ; năm nay, bạn bè cùng lứa đã học lớp 9, nhưng em mới học lớp 7. Con trai lớn vừa vào năm nhất đại học ở TP Hồ Chí Minh, cũng tự bươn chải để mẹ bớt vất vả.
Chị Võ Thị Thanh Hương (ở KV 11, bên trái) nhận quà của Hội LHPN phường Ngô Mây nhân Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT.
Chúng tôi cùng Hội LHPN phường Ngô Mây đến thăm gia đình chị Hồng nhân Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT. Trong ngôi nhà xập xệ trống hoác ở lưng chừng núi, chị Hồng đưa tay nhận chiếc phong bì đựng tấm lòng của những người phụ nữ sống quanh đây, rưng rưng xúc động. Chủ tịch Hội LHPN phường Ngô Mây Hoàng Thị Thành còn hứa sẽ tìm người hỗ trợ vật liệu để sửa lại căn nhà nhỏ cho hộ nghèo này.
Chúng tôi còn đến thăm nhiều gia đình khác, nơi những người vợ, người mẹ bỗng chốc đơn chiếc sau thảm họa mang tên TNGT. Đó chỉ là một trong rất nhiều hoạt động nằm trong khuôn khổ mô hình “Chia sẻ nỗi đau” mà Hội LHPN phường Ngô Mây triển khai từ đầu năm 2016 để hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phường Ngô Mây hiện có 41 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo. Mỗi khi đến các khu phố để vận động, tổ chức các hoạt động, các thành viên trong Ban Chấp hành Hội LHPN phường được nghe, được biết nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, gia đình, bản thân mắc các bệnh hiểm nghèo. “Từ đó, chúng tôi luôn trăn trở, nung nấu suy nghĩ Hội phải làm một việc gì đó để giúp những chị em đang phải chịu khó khăn hoạn nạn từng ngày, từng giờ. Sau một thời gian tham khảo nhiều ý kiến và mô hình của các đơn vị bạn, Hội Phụ nữ phường quyết định xây dựng mô hình “Chia sẻ nỗi đau””, chị Hoàng Thị Thành kể lại.
Thực hiện mô hình, các chi hội phải tìm hiểu, báo cáo các trường hợp hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cấp ủy và chính quyền xác nhận; phân loại theo từng nhóm, lập danh sách cụ thể với thông tin cá nhân, hoàn cảnh gia đình. Sau đó, Hội LHPN phường liên hệ các nhà hảo tâm đề nghị giúp đỡ; hoặc cung cấp danh sách hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để người ủng hộ tự lựa chọn số lượng, đối tượng để hỗ trợ.
Tính đến hết tháng 9.2018, mô hình đã trao 839 suất quà với tổng trị giá 248,9 triệu đồng bằng tiền mặt và hiện vật. Chưa hết, mô hình đã và đang được nhân rộng xuống 12 chi hội, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Hằng năm, vào dịp 20.10, 8.3, ngoài phần hỗ trợ của Hội LHPN phường, các chi hội cũng đã trao 167 suất quà trị giá 31,4 triệu đồng cho các phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn khu phố.
Bên cạnh mô hình “Chia sẻ nỗi đau”, trong năm 2018, Hội LHPN phường Ngô Mây còn xây dựng mô hình “Trao học bổng - Thắp sáng ước mơ”, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Tại buổi ra mắt, mô hình đã trao 3 suất học bổng, 2 chiếc xe đạp, tổng trị giá 7,5 triệu đồng. Cùng với đó là mô hình “Giúp đỡ phụ nữ gia đình chính sách neo đơn” (thí điểm tại khu phố 8 với 17 thành viên nòng cốt); đến nay đã trao 11 suất hỗ trợ, trị giá 2,7 triệu đồng.
Theo chị Hoàng Thị Thành, để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội LHPN phường Ngô Mây sẽ nhân rộng, hoàn chỉnh mô hình “Chia sẻ nỗi đau”, đưa vào nhiệm vụ công tác của Hội để đánh giá hoạt động phong trào của các chi hội. “Chúng tôi sẽ tổ chức tôn vinh, ghi nhận tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng mô hình. Đồng thời, chú trọng thực hiện công khai, công bằng trong hỗ trợ, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng”, chị Thành chia sẻ.
MAI LÂM