Bình Định trong trái tim Bác Hồ
Từ lúc chào đời đến khi xuống tàu xuất dương tìm đường cứu nước, bước chân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lần lượt đi qua: Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Bình Ðịnh, Phan Thiết và Sài Gòn. Trong đó, nếu xứ Nghệ là nơi Người sinh ra, xứ Huế là nơi Người lớn lên, Sài Gòn là nơi Người bắt đầu hành trình cứu nước, thì Bình Ðịnh là nơi đã góp một phần không nhỏ vào hành trang tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
NHEN NHÓM TƯ TƯỞNG XUẤT DƯƠNG SANG CHÂU ÂU
Nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định đã đưa đề tài nghiên cứu khoa học “Bác Hồ với Bình Định, Bình Định với Bác Hồ” vào chương trình nghiên cứu khoa học năm 1990. Theo tác phẩm “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” (Đỗ Quyên chủ biên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Khoa học - Kỹ thuật Bình Định xuất bản, 1991), cha con ông Nguyễn Sinh Sắc đã gặp nhau ở Bình Định và Nguyễn Tất Thành đã lưu lại đây khá lâu, khoảng từ 18.5.1909 đến 30.6.1910 (cũng có giả thuyết cho rằng đến ngày 28.2.1910), tức là khoảng 9 đến 13 tháng.
Tại đây, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đã nói với Nguyễn Tất Thành: “Nước mất không đi tìm đường cứu nước mà đến tìm cha làm gì!”. Lời dặn rất ngắn ngủi nhưng đầy nỗi niềm, là lời nhắc về trách nhiệm với Dân tộc - Tổ quốc. Hơn nữa có thể thấy đó là sự bàn giao trách nhiệm thế hệ - đi tìm câu trả lời khác để giải phóng dân tộc - cứu nước, cứu dân!
Nên nhớ rằng Nguyễn Sinh Sắc có mối quan hệ rất rộng, quen thân với nhiều chí sĩ yêu nước, trong đó có nhiều người đã tham gia phong trào Đông Du. Nhưng theo những tài liệu đã làm rõ, ông không hề gởi gắm, chỉ bảo hay gợi ý con trai kết nối với bạn bè của mình. Rất có thể vào thời điểm ấy, Nguyễn Sinh Sắc bắt đầu nghĩ rằng, con đường cứu nước không thể tìm thấy ở các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc.
Suy nghĩ của cụ Phó Bảng có thể đã được người con trai chia sẻ mạnh mẽ, thậm chí có thể Nguyễn Tất Thành đã phát triển thành tư tưởng, vì lẽ trong thời gian lưu lại Bình Định, anh đã trau dồi tiếng Pháp chứ không phải ngoại ngữ nào khác. Học tiếng Pháp có lẽ không phải để đi Nhật, đi Trung như các nhà cách mạng tiền bối đã làm.
Cũng theo nhà nghiên cứu Đỗ Quyên, trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã học thêm tiếng Pháp và văn hóa tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ tại Quy Nhơn (Quy Nhơn cũng là nơi Người cư trú lâu nhất). Lưu lại ở Bình Định không nhiều, nhưng đây là quãng thời gian quan trọng giúp Nguyễn Tất Thành hoàn chỉnh vốn liếng tiếng Pháp. Rất có thể ý định xuất dương sang châu Âu đã được Người nhen nhóm lên trong những tháng ngày ở đây.
BÌNH ÐỊNH TRONG TRÁI TIM BÁC HỒ
Có một điểm khá thú vị là trong thời gian lưu lại Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã bổ sung vào hành trang văn hóa nhiều kiến thức quan trọng. Đầu tiên là văn hóa dân gian.Theo nhiều tài liệu sau này đã ghi nhận cũng như qua lời kể trực tiếp của Người, đặc biệt trong những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu khá nhiều câu hò, vè, nhiều bài hát ru, tục ngữ, ca dao, điệu lý trong lao động sản xuất, sinh hoạt, giao tiếp cuộc sống hàng ngày ở Bình Định; một số lễ hội dân gian đất Võ cũng được người ghi nhớ.
Có thể khẳng định như vậy bởi theo ông Đinh Tôn (ở huyện Vĩnh Thạnh), tại Hội diễn toàn quốc nhân Quốc khánh 2.9.1959, Đoàn Khu V diễn tiết mục Hội mừng chiến thắng. Sau khi xem tiết mục, Bác đánh giá cao nghệ thuật trình diễn, nhưng riêng về trang phục Người nhận xét, không đúng với trang phục dân tộc Bana. Điểm đáng chú ý là khoảng 1 tuần sau, Bác gởi đến một bộ đồ đầy đủ họa tiết Bana mà ngay chính những người Bana cũng rất quý. Chiếc áo này nay được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định.
Nhiều nghệ sĩ tuồng, bài chòi của Bình Định như Võ Sĩ Thừa, Phan Ngạn, Nguyễn Kiểm có dịp biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Không những đã được Bác khen, động viên mà nhiều lần còn được Bác phân tích, gợi ý phát triển nâng cao nghệ thuật trình diễn. Điển hình như năm 1956, khi nghệ sĩ Nguyễn Kiểm độc tấu bài chòi “Bế Văn Đàn”. Nghệ sĩ Nguyễn Kiểm kể lại: Tan buổi diễn, Bác gọi: Này cháu Kiểm “chòi”, tại sao đoạn cuối anh Đàn lại lắc nhiều thế? “Thưa Bác, cháu diễn tả anh Đàn tránh đạn giặc đấy ạ!”. Bác cười: “Đã tránh sao Đàn lại hy sinh? Tránh như vậy là tránh dở. Lúc ấy Đàn quyết tử. Lần sau diễn, đừng tránh nữa nhé”.
Thời gian lưu lại Bình Định cũng là thời gian Nguyễn Tất Thành tiếp cận bài bản với tuồng. Bình Định là cái nôi của tuồng cổ. Khởi sinh từ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ và được tiếp biến nhờ một tên tuổi khác là cụ Đào Tấn - người mà ngày nay ta vẫn tôn vinh là hậu tổ của nghệ thuật tuồng. Cũng cần phải nhắc lại rằng, Đào Tấn với cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc có mối quan hệ qua lại rất thân thiết…Vì thế, khi đến Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã nhiều lần ra Tuy Phước thăm gia đình cụ Đào Tấn. Thời gian lưu lại Bình Định cũng là giai đoạn nghệ thuật tuồng phát triển mạnh mẽ, cho nên sẽ không có gì khó hiểu nếu Nguyễn Tất Thành nhiều lần xem diễn tuồng, mở rộng kiến văn về bộ môn nghệ thuật này.
Một điểm đáng ghi nhớ nữa là Nguyễn Tất Thành đã có dịp tìm hiểu nhiều về đất Tây Sơn, hào khí của phong trào nông dân Tây Sơn và đặc biệt về anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ. Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc khi ấy đang trị nhậm ở đất Tây Sơn, quê hương người anh hùng áo vải. Là một nhà Nho yêu nước, chắc chắn cụ Phó Bảng đã nhắc nhở con trai yêu quý của ông về tinh thần quật cường, về lý tưởng giải phóng nhân dân của những thủ lĩnh Tây Sơn! Như vậy việc Nguyễn Tất Thành cảm nhận và tiếp thu tinh thần nghĩa hiệp, hào sảng, thượng võ… từ mảnh đất địa linh nhân kiệt oai hùng là một hệ quả đương nhiên.
Có thể nói, Quy Nhơn - Bình Định chiếm một vị trí quan trọng trong tâm hồn của Hồ Chí Minh. Như đã nói ở trên, liệu người ta có thể quên nơi mình đã sống với cha những năm tháng cuối cùng, có thể quên nơi đã chia tay cha mình không? Chắc chắn là không! Liên tục trong nhiều năm liền, đặc biệt từ khi đất nước bị chia thành hai miền đến ngày qua đời, miền Nam luôn ở trong trái tim Người, và hiển nhiên trong đó có Bình Định.
Theo lời kể của cố nghệ sĩ Phan Ngạn, tháng 2.1955 khi đến tiễn Đoàn Văn công Quân khu 5, Đoàn Tuồng Khu 5 trở lại miền Nam, thay vì hoa, Bác tặng cho các nghệ sĩ một hũ mắm cái thật ngon để thưởng thức mùi vị quê hương. Khi trò chuyện với các nghệ sĩ Khu 5, Bác lại nhắc nhớ đến Quy Nhơn - Bình Định.
Năm chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến Bình Định, anh mới 19 tuổi; anh chia tay cha lên đường vào Nam năm 20 tuổi. Vậy mà 45 - 50 năm sau, ký ức về Bình Định trong Người vẫn vẹn nguyên như vừa mới hôm qua. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ biết quê hương Bình Định giữ vị trí nào trong ký ức của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
BÁ PHÙNG - VĂN MINH