Họ đã nói gì lúc biệt ly?
Tháng 3.1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến “dịch xá” (là nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh) của tỉnh thành Bình Ðịnh để gặp gỡ trước khi cha và anh trai về Huế. Lần chia tay này, khi cha và anh về lại Huế thì Nguyễn Tất Thành ở lại Quy Nhơn một thời gian, rồi tháng 8.1910 đã cùng ông Phạm Ngọc Thọ vào Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận) dạy học. Cha con Bác Hồ đã nói gì lúc biệt ly?
Tái hiện cảnh cha con Bác Hồ chia tay nhau tại Bình Định năm 1910, trong chương trình nghệ thuật "Cha, Con và Tổ quốc", do UBND tỉnh tổ chức ngày 19.5.2015 nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác, 106 năm Nguyễn Tất Thành và cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc đến Bình Định. Ảnh: HOA KHÁ
CUỘC GẶP GỠ CUỐI CÙNG GIỮA HAI CHA CON
Tôi đọc phần tài liệu rất ngắn gọn này, và nghĩ mãi. Như thế, vào tháng 3.1910, hai cha con cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành có thể đã gặp nhau lần cuối cùng tại Quy Nhơn. Đường đời phân ly hai ngả, dù sau này cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Nam Bộ làm nghề bốc thuốc kiếm sống, còn Nguyễn Tất Thành sau thời gian ngắn dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) cũng đã vào Sài Gòn. Và sau đó, đã lên đường đi Pháp trên con tàu “Đô đốc La Treville” nổi tiếng. Vậy thì ở lần gặp nhau ngắn ngủi sau cùng tại Quy Nhơn, hai cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành đã nói gì với nhau? Người cha đã dặn dò con điều gì? Và người con đã hứa với cha mình những gì? Sách sử không có điều kiện để ghi lại. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán. Nhưng nên phỏng đoán theo hướng nào?
Con đường của Nguyễn Ái Quốc cứu nước cũng bắt đầu và tiếp tục bằng con đường lao động. Có thể nói, Bác Hồ của chúng ta đã “khởi nghiệp” cứu nước bằng lao động cần cù và sáng tạo mãnh liệt. Tấm gương lao động của Người xứng đáng cho những thế hệ thanh niên khởi nghiệp hiện nay học tập. Khởi đầu, không từ chối bất cứ công việc lao động nặng nhọc và thu nhập thấp nào, miễn là từ đó mình có điều kiện để đi xa hơn trong sự nghiệp.
Con đường của hai cha con, kẻ trước người sau, đều là con đường “Nam tiến”, vào Sài Gòn, vào Nam Bộ, theo đúng con đường lưu dân miền Trung đã đi từ hai trăm năm trước. Như thế, có thể gọi hai cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành là hai lưu dân, hai người lao động vào Nam tìm đất sống. Nhưng, có thể ngay từ lúc gặp nhau ở Quy Nhơn, trước khi chia tay, họ đã nói với nhau về con đường Nguyễn Tất Thành sẽ đi xa hơn. Có thể, họ đã nói về nước Pháp. Một nước Pháp của những tay thực dân tàn độc, thâm hiểm, và một nước Pháp của slogan “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, một nước Pháp của cuộc cách mạng 1789, một nước Pháp của Thế kỷ Ánh sáng, một nước Pháp của văn minh. Dù chủ nghĩa thực dân Pháp là vô cùng dã man.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng cùng khoa thi 1901 với cụ Phan Châu Trinh, và hai cụ là hai người bạn tâm giao. Đó là những chí sĩ yêu nước “hậu Cần Vương”, họ nuôi lý tưởng đưa Việt Nam thoát ách thống trị của thực dân Pháp, nhưng không phải để xây dựng một thể chế quân chủ, để phò tá một ông Vua, dù là Vua tốt. Họ muốn đưa Việt Nam tới ánh sáng văn minh, dân chủ, độc lập.
Nhưng trước hết, phải thức tỉnh chính nước Pháp, khi quốc gia này vẫn duy trì chủ nghĩa thực dân tàn ác trên nhiều vùng đất thuộc địa, đặc biệt là Việt Nam. Cụ Phan Châu Trinh và cụ Nguyễn Sinh Sắc “học tài thi phận”, cũng lao đao lận đận nhiều. Tới khoa thi hội Tân Sửu (1901), nếu không có cụ Cao Xuân Dục tọa vị chánh chủ khảo để phúc khảo thì cả cụ Phan và cụ Nguyễn lại bị đánh hỏng vì phạm húy lần nữa. Cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Trần Quý Cáp và cụ Nguyễn Sinh Sắc đều là học trò của giáo huyện ứng thí quan Đốc học Trần Đình Phong.
Đã đỗ đạt thì phải làm quan. Nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc không hề muốn làm quan trong một đất nước nô lệ. Với thực dân Pháp thì cụ Nguyễn có “tư tưởng phản loạn”, còn với những người yêu nước thì cụ Nguyễn là người “đồng hội đồng thuyền lại đồng môn”.
Không phải ngẫu nhiên mà chàng trai Nguyễn Tất Thành khi vừa lớn lên đã có tư tưởng yêu nước. Anh được thừa hưởng tư tưởng yêu nước từ cha mình, từ những người bạn, những học trò của cha mình. Vì thế, cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai cha con ở Quy Nhơn không đơn thuần chỉ là chuyện tình cảm giữa hai cha con, chuyện con thăm cha cho tròn đạo hiếu. Đó còn là cuộc gặp gỡ giữa hai người yêu nước, người cha đã chịu nhiều đau khổ, và người con đang tìm con đường cho cuộc đời mình.
HỌ ĐÃ NÓI GÌ?
Vào thời điểm năm 1910 ấy, nếu Nguyễn Tất Thành chỉ đơn giản tham vấn quan điểm của cha mình về con đường “Nam tiến” thì thực ra, cũng không giải quyết được chuyện gì. Với cụ Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Huy), con trai Tất Thành (Cung) của mình là một thanh niên có chí. Cái chí ấy không chỉ bó tròn trong chuyện xin đi học bên Pháp hay dạy học ở phương Nam. Cụ Huy biết con mình đang trăn trở vì những câu hỏi lớn hơn, nhưng nhất thời chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng cái hướng thì chính Cụ cũng đã nghĩ tới. Có thể đoán mà không sợ sai lắm, rằng cụ Huy đã khuyên con trai nên tìm đường xuất dương sang Pháp, và coi nó như một cửa ngõ để từ đó đến với thế giới rộng lớn. Những câu trả lời cho câu hỏi của cuộc đời có thể ở chính con đường mình đi ấy.
“Con hãy tìm đường sang Pháp!”. Có thể, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã nói với con trai mình như vậy.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc không phải không hiểu người Pháp thực dân, nhưng cụ vẫn có linh cảm, muốn làm nên nghiệp lớn, không thể không học tập ở thế giới văn minh, bắt đầu từ nước Pháp. Và chính chàng trai Nguyễn Tất Thành cũng hoàn toàn nhất trí với cha mình về lựa chọn này. Vào thời điểm ấy, lựa chọn sang nước Pháp không phải của riêng cha con Nguyễn Tất Thành, nhưng Tất Thành là người rất sớm chọn sang Pháp mà không chờ học bổng du học. Ai cũng biết, Tất Thành đã có đơn xin học bổng, xin du học, nhưng đã không được thực dân Pháp chấp nhận. Vậy thì chỉ có một con đường, vẫn sang Pháp, và đi xa hơn nữa, nhưng bằng chính hai bàn tay lao động của mình. Có thể, Nguyễn Tất Thành đã thổ lộ với cha mình về cách lựa chọn này, và thân sinh của Người đã đồng thuận. Thời gian dừng ở Phan Thiết và dạy thể dục ở trường Dục Thanh chỉ là một đoạn dừng ngắn trong cả một hành trình rất dài.
Có thể hai cha con đã trao đổi với nhau câu chuyện này trong lần gặp gỡ cuối cùng. Vì con đường của người con quả là diệu vợi, và người cha cũng linh cảm một điều, rằng có thể đây là lần gặp gỡ sau cùng của hai cha con. Đoạn dừng của Nguyễn Tất Thành ở Sài Gòn cũng khá ngắn ngủi, khi Người tìm cách để sang Pháp. Nhưng là người đã từng biết tự lao động để kiếm sống, Nguyễn Tất Thành tự tin vào khả năng hội nhập của mình. Bằng lao động, và với những người lao động.
Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Tất Thành trở thành “anh Ba” làm phụ bếp dưới tàu thủy “Đô đốc La Treville”. Anh Ba đã tìm hiểu cặn kẽ, qua những người Việt lao động dưới tàu mà anh làm quen, và bước đầu đã biết công việc mình sẽ làm. Xin làm phụ bếp dưới tàu, biết đâu, cũng phải nhờ người giới thiệu, nhưng đó là những thủ tục phải làm thôi. Hồi đó, cũng đã có những người sang Pháp, trong đó có những người yêu nước muốn tìm đường cứu nước. Nhưng đi sang Pháp bằng con đường lao động cực nhọc như Nguyễn Tất Thành thì chỉ có một. Đó là cuộc xuất dương của một người lao động.
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi” (Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên). Vâng, đất nước đẹp vô cùng. Và đau khổ vô cùng. Vì thế, Nguyễn Tất Thành phải ra đi để thành Nguyễn Ái Quốc. Một cái tên soi sáng một con đường. Và phía sau bước chân lang thang khắp thế giới của người con, luôn có ánh mắt trìu mến thương yêu của người cha dõi theo.
THANH THẢO