“Tất niên”
Một trong những tục lệ gắn liền với ngày tết của người Việt không ai không biết là lễ tất niên, tiệc tất niên. Tuy nhiên, nguồn gốc và ý nghĩa của từ “tất niên” có lẽ không phải ai cũng rõ.
“Tất niên” là một từ Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, chữ “tất” (trong “tất niên”) thuộc bộ điền, có nghĩa là “xong, hết, hết cả”. Còn chữ “niên” thuộc bộ can, có nghĩa là “năm, tuổi, thời kỳ”. Chẳng hạn, “thanh niên” nghĩa là “tuổi xanh”, “tráng niên” là “thời trai tráng khỏe mạnh”. Như vậy, “tất niên” có thể hiểu là “hết năm, xong một năm, hoàn tất một năm”. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “tất niên” là “vào lúc sắp hết năm, có ý nghĩa đưa năm cũ đi, chuẩn bị đón năm mới” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.886).
Là thời khắc năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang, tất niên là một trong những tục lệ quan trọng, không thể thiếu trong ngày tết của người Việt. Đây là lúc mỗi gia đình quây quần bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa, cúng trời đất tổ tiên để cảm tạ về một năm đã qua và cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới, sau đó ngồi cùng nhau bên bữa cơm tất niên, cùng nhìn lại một năm đã qua, tận hưởng không khí ấm cúng trong thời khắc tiễn năm cũ đi, chuẩn bị đón năm mới. Tất niên là một trong những nét đẹp văn hóa trong ngày tết từ bao đời của người Việt ta.
Có một điều thú vị là, “tất niên” là lúc năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang, do đó, thường được tổ chức vào chiều hoặc tối ngày 30 tháng chạp. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, vì những lý do khác nhau, nhiều gia đình lại tổ chức tất niên khá sớm, thậm chí có nhà còn làm tất niên trong tháng 11 âm lịch, khi mà năm còn cả tháng nữa mới… “tất”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ