Thêm động lực tăng trưởng
Theo Sở Công Thương, trong năm 2019 sẽ có nhiều dự án đầu tư sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh ta.
Sản xuất sản phẩm tôn thép tại Nhà máy tôn thép Hoa Sen - Nhơn Hội.
Trong năm 2019, sẽ có thêm 17 dự án (DA) có vốn đầu tư lớn tại Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội và các khu công nghiệp (KCN) đi vào sản xuất. Điểm chung là các DA này đều thuộc sở hữu của các DN có năng lực sản xuất lớn, tiềm lực tài chính vững vàng. Vì vậy, với tốc độ tăng trưởng năm 2018 ở mức 8,71%, Bình Định có cơ sở để đặt niềm tin vào sự bứt phá của ngành công nghiệp trong năm 2019 này.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: Năm nay, sẽ có 4 nhà máy điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 150 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 3.570 tỉ đồng đi vào hoạt động. Trong đó, DA Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định có công suất 50 MWp; DA Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, công suất 49,5 MWp; DA Nhà máy Phong điện Phương Mai 1, công suất 30 MW; DA Nhà máy Phong điện Phương Mai 3, công suất 21 MW. Đặc biệt, Nhà máy thép Hoa Sen - Nhơn Hội giai đoạn 2 (công suất 200 ngàn tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng) đã cơ bản lắp đặt xong 5 dây chuyền sản xuất, chuẩn bị đi vào hoạt động đầu tháng 4 tới.
Ông Văn Thành Trung, Phó Giám đốc Nhà máy thép Hoa Sen - Nhơn Hội, cho biết: “Thị trường đầu ra của sản phẩm tôn thép đang “ấm” dần lên nên chúng tôi quyết tâm để đưa nhà máy đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất”.
Hòa trong khí thế phấn khởi ấy, ông Võ Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Sài Gòn - Nhơn Hội (chủ đầu tư hạ tầng KCN A Nhơn Hội), thông tin: Trong năm nay, tại KCN A Nhơn Hội sẽ có 7 nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị lớn cho sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong đó, giàu ý nghĩa và đặc biệt nhất là nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR).
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc BIDIPHAR, cho biết thêm: “BIDIPHAR đang khẩn trương xây dựng nhà xưởng và lắp đặt dây chuyền sản xuất để đi vào hoạt động trong quý IV/2019. Đây là nhà máy sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư với quy mô công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, đạt tiêu chuẩn GMP-PICs và thuốc uống dạng rắn Non Betalactam đạt tiêu chuẩn GMP-EU. Đây là kết quả từ Dự án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, được Bộ KH&CN hỗ trợ. Khi đi vào hoạt động, riêng thuốc điều trị ung thư, mỗi năm nhà máy sản xuất khoảng 3,5 triệu sản phẩm (tương đương 10 tấn/năm); nhóm sản phẩm thuốc uống dạng rắn Non Betalactam là 1,3 tỉ sản phẩm/năm (tương đương 1.300 tấn/năm)”.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, đánh giá: “Các DA công nghiệp sắp đi vào hoạt động đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp, đặc biệt trên các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh, hay các sản phẩm thế mạnh của DN; đồng thời, với tính lan tỏa, môi trường đầu tư của tỉnh cũng sẽ “nóng” lên và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư có tiềm lực. Để các DA hoàn thành đúng tiến độ, ngành Công Thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng và các chủ đầu tư kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả”.
NGUYỄN HÂN