Ðừng “ăn non” rừng trồng!
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 100 ngàn ha rừng trồng, trong đó có hơn 80.000 ha do các DN và người dân sở hữu. Nhờ trồng rừng bán cho các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu, phần lớn các hộ dân có thu nhập khá.
Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, cách trồng và khai thác rừng kiểu “ăn non” như hiện nay là sự lãng phí tài nguyên rất lớn. Với cách trồng và khai thác rừng nguyên liệu từ 4 - 6 năm/chu kỳ hiện nay, mỗi hécta rừng trồng chỉ mang lại năng suất bình quân khoảng 100 tấn, cho lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha. Nhưng nếu tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc rừng theo chương trình trồng rừng gỗ lớn, thời gian khai thác từ 12 - 14 năm, có thể mang lại thu nhập cho người trồng rừng từ 250 - 300 triệu đồng/ha.
Không những thế, trồng rừng gỗ lớn được các chuyên gia lâm nghiệp đánh giá còn tăng khả năng hấp thụ khí các bon, giảm xói mòn, rửa trôi đất, tăng tính phòng hộ, chống biến đổi khí hậu… Còn kiểu trồng, khai thác rừng ăn non như hiện nay không những hiệu quả kinh tế thấp mà còn ảnh hưởng tới môi trường; việc mở đường khai thác rừng tại các vùng đồi núi còn làm tăng nguy cơ xói mòn, sạt lở đất khi có mưa lũ lớn… Nói chung là nhiều lợi ích xã hội bị ảnh hưởng.
Hiệu quả từ trồng rừng gỗ lớn khá rõ rệt như vậy thì tại sao nông dân và ngay cả các DN vẫn còn khá e dè? Có nông dân nói do trồng rừng gỗ lớn thì thời gian khai thác kéo dài trong khi nguồn lực đầu tư có hạn. Cũng có lý do rằng, hầu hết người trồng rừng đều vay vốn của ngân hàng để trồng nên nếu để kéo dài thì rất khó trả nợ. Một lý do khác nữa là nếu để thời gian chăm sóc kéo dài sẽ gặp nhiều rủi ro như cháy rừng, bị kẻ gian khai thác trộm.
Trong định hướng quy hoạch phát triển ngành Lâm nghiệp đến năm 2025, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu có 10.000 ha rừng trồng gỗ lớn, nhằm cung ứng gỗ cho chế biến xuất khẩu. Do vậy, để kế hoạch này khả thi, thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương phải có các giải pháp căn cơ để đồng hành cùng người trồng rừng, tháo gỡ các khó khăn, lo lắng từ phía người trồng rừng. Có như vậy, chương trình trồng rừng gỗ lớn mới mang lại hiệu quả thực sự. Còn không, tình trạng “ăn non” rừng trồng vẫn cứ tiếp tục!
GIA NGUYỄN