Một Hoàng đế đi trước thời đại
Lịch sử không có chữ “nếu”. “Nếu Vua Quang Trung không mất sớm?” Nhưng lịch sử vẫn bằng nhiều cách thức khác nhau lưu giữ những ký ức, từ ký ức cộng đồng tới ký ức cá nhân, và tạo nên một “ký ức lịch sử”.
Thiên tài Nguyễn Huệ - Quang Trung đã như một thỏi nam châm cực mạnh thu hút vào nó không chỉ những nhân tài, vật lực, lực lượng quân sự dù là chính quy hay dân binh, thậm chí cả những đội quân giang hồ, mà còn tỏa sáng bằng những quyết định, quyết sách, những dự tưởng và những kế hoạch ngay từ khi chiến tranh chưa kết thúc.
Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
1.
Hãy nhớ, trong khi lực lượng Nguyễn Ánh còn rất mạnh ở phía Nam, “Nguyễn Huệ khi ra Bắc lần thứ hai đã công khai đưa ra một đạo dụ hỏi ý kiến toàn thể dân chúng Bắc Hà (không phân biệt giai cấp, phẩm tước và địa vị) xem họ thích sống dưới chế độ nào: bị một ông hoàng huyết thống nhà Lê cai trị (ông giả vờ không nhắc đến tên Chiêu Thống) hay khẩn cầu ông ở lại điều khiển quốc gia để được hưởng một sự thái bình hoàn toàn và vĩnh cửu, dưới sự bảo hộ giúp đỡ của ông” (Theo Nguyễn Duy Chính trong “Hoàng đế Quang Trung ra Bắc”).
“Dựng nước lấy học làm đầu, lấy nhân tài làm gốc. Trước đây bốn phương nhiều việc phải phòng bị, việc học không được sửa sang, khoa cử bỏ dần, nhân tài ngày càng thiếu thốn... Trẫm khi vừa mới bình định đã có nhã ý hậu đãi nhà nho, lưu tâm, mến kẻ sĩ, muốn có người thực tài để dùng cho quốc gia”.
HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG
Như thế, ngay vào lúc cần một “chế độ quân quản” chặt chẽ và tập quyền nhất, thì Quang Trung đã tổ chức một hình thức “trưng cầu dân ý” mang tính dân chủ để hỏi ý kiến nhân dân về một điều hệ trọng: ai sẽ là Vua đất Bắc? Điều đó chứng tỏ, Vua Quang Trung không những chỉ nhún nhường, mà luôn đánh giá rất cao ý kiến của nhân dân. Một khi lòng dân ủng hộ, thì chuyện chính thức lên ngôi Hoàng đế của Quang Trung sẽ “Trên thuận ý trời, dưới hợp lòng dân”. Đó chính là một trong những yếu tố chủ chốt đưa tới thắng lợi trong trận chiến lừng lẫy mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Năm Kỷ Dậu mà ta vừa nhắc cũng là năm 1789 của cuộc đại cách mạng Pháp. Đó là điều ngẫu nhiên hoàn toàn, nhưng cũng là một gợi ý cho những người nghiên cứu lịch sử: Nếu (vâng, chỉ có thể dùng chữ “nếu” trong trường hợp này) Vua Quang Trung còn sống lâu hơn, có thể là 10 năm sau chiến thắng Kỷ Dậu, nước ta sẽ có những bước tiến mạnh mẽ về hướng hội nhập với thế giới, về sự tăng trưởng kinh tế, về mục tiêu “dân giàu nước mạnh”, về cả sự cởi mở trong dân chủ, điều mà cuộc cách mạng Pháp năm 1789 cố gắng thực hiện. Bởi, khi tổ chức trưng cầu ý dân, là Vua Quang Trung đã hiểu sâu sắc sức mạnh “đẩy thuyền, lật thuyền cũng là dân” như Nguyễn Trãi từng hiểu.
Những quyết sách đầu tiên của Vua Quang Trung không chỉ là về tập trung tài lực cho chiến tranh, mà còn mở cửa cho giao thương về kinh tế giữa các cửa khẩu Việt - Lào. Đó là một tiến bộ rất lớn so với thời Lê - Trịnh trước đó. Không những thế, Quang Trung còn có quyết sách biến một vùng thuận lợi giao thương Việt - Lào thành một “vùng tự do mậu dịch” nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước Việt - Lào, cho cả những đối tác mậu dịch thuộc châu Á như Ấn Độ và Trung Hoa. Một quyết sách vô cùng mới mẻ so với thời ấy, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm thế giới. Trong một thời đại rất thiếu thông tin như thời ấy, lại ở một đất nước còn lạc hậu như Việt Nam, mà nghĩ ra được những ý tưởng lớn lao như vậy về kinh tế, thì thiên tài Nguyễn Huệ không chỉ là thiên tài quân sự.
Quang Trung cũng là vị vua đầu tiên ở Việt Nam cho tới bấy giờ chủ trương một nền giáo dục cho toàn dân. Đó là nền giáo dục phổ thông dành cho tất cả mọi người dân, không phân biệt giai tầng. Chữ Nôm được dùng trong tất cả những chiếu biểu, văn thư. Đình chùa cũng biến thành trường học cho con em dân quê. Quyền bình đẳng và tự do tôn giáo cũng được thiết lập dưới thời Vua Quang Trung -
một điều đi trước thời đại rất rõ ràng. Vì ai cũng biết, sau này triều Nguyễn (sau Nguyễn Phúc Ánh) đã có chính sách cấm đạo (Thiên Chúa) và “tả đạo” rất hung dữ, khiến nó trở thành cái cớ cho cuộc xâm lược đất nước ta của thực dân Pháp.
2.
Địch thủ lớn nhất của Hoàng đế Quang Trung không phải là giặc phương Bắc, Nguyễn Ánh ở phương Nam, hay Xiêm La rình rập phía Tây, kể cả những tàu chiến núp sau tàu buôn của phương Tây, mà chính là… thời gian. Đó là địch thủ lớn nhất của Ngài. Có bao nhiêu việc có thể làm, phải làm và đã nằm trong bộ nhớ của một vị vua suy nghĩ và làm việc không biết mệt mỏi như Quang Trung. Việc Ngài qua đời quá sớm không chỉ làm Tây Sơn suy yếu hẳn để dẫn tới thảm bại, mà còn là sự tiếc nuối vô cùng cho một đất nước Việt Nam cần sự thống nhất và cường thịnh. Vì rõ ràng, nếu không kịp cường thịnh thì nguy cơ mất nước đã ở phía trước mặt. Cường thịnh ở đây không còn là cường thịnh theo kiểu phong kiến tập quyền ngày xưa, mà cường thịnh theo hướng hội nhập và mở cửa ra thế giới để Việt Nam nhanh chóng giàu mạnh, tạo những cơ sở vững chắc cho đất nước không bị ngoại bang xâm lược.
Làm chiến tranh là để có hòa bình. Huy động nhân tài vật lực trong nhân dân để chiến đấu là mong có một ngày nhân dân được hưởng thái bình, có một đời sống vật chất ngày càng được cải thiện, có một đời sống tinh thần và tâm linh thoải mái hạnh phúc. Quang Trung đã thực sự nghĩ như vậy, Ngài đã dốc sức kiến quốc trong điều kiện đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh dữ dội với đội quân xâm lược nhà Thanh Trung Quốc.
Cái cách mà Quang Trung chủ trương xây dựng nền kinh tế hậu chiến giống như cách mà chúng ta hay nói bây giờ, là “tái cấu trúc nền kinh tế”. Đó là một việc cực lớn, trong thời đại ấy chưa thể có những “chuyên gia kinh tế” như bây giờ để tư vấn cho Quang Trung, nhưng Ngài đã tự nghĩ ra nhiều việc lớn, và sau khi bàn bạc rất nhanh chóng với quần thần, đã lập tức đưa ra quyết sách. Nhiều quyết sách của Quang Trung, nhiều ý tưởng về xây dựng đất nước của Ngài chưa thể thực hiện vì Ngài đã đột ngột qua đời, nhưng đó vẫn là những ý tưởng chói sáng trong điều kiện Việt Nam còn lạc hậu ở thời ấy.
Ngay như cách chiến đấu và chiến thắng thần tốc mà Quang Trung đã trực tiếp chỉ huy trong chiến dịch đại thắng mùa xuân 1789, cũng đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của các thế hệ nghiên cứu quân sự và chính trị các đời sau, cho tới tận bây giờ. Có một điều ít người nhắc khi nghiên cứu về chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu, đó là Vua Quang Trung không chỉ là một Hoàng đế, Ngài còn là một Thủ lĩnh. Ngài vốn xuất thân là một thủ lĩnh. Vì thế, cách thu hút vào đoàn quân Bắc phạt của Ngài nhiều lực lượng chiến đấu khác nhau là có thể hiểu được.
Không phải Hoàng đế, mà chính Thủ lĩnh mới tập hợp được vào quân đội của mình nhiều thành phần khác nhau như vậy, từ quân binh tới dân binh, từ những người “nông dân ra lính” tới “một bộ phận không nhỏ” là “anh em ngoài xã hội”. Chỉ có một Thủ lĩnh văn võ song toàn, sống vị nghĩa bao dung hào hiệp, hết mình vì quân sĩ mới có thể tập hợp một đội quân khác nhau như vậy, chỉ huy một đội quân phức hợp mà làm nên chiến thắng.
Quân đội nhà Thanh có thể chính quy hơn, bài bản hơn, nhưng không bao giờ có được nhiệt huyết, sự hy sinh quên mình vì Thủ lĩnh như đội quân Tây Sơn. Chính khí chất trọng nghĩa khinh tài của người Bình Định đã hun đúc nên một vị Vua - Thủ lĩnh như Quang Trung. Không hề dễ dàng để hội quân ở Thăng Long đúng giờ đúng ngày, khi rất nhiều cánh quân Tây Sơn đi từ nhiều hướng khác nhau ập tới Thăng Long. Chỉ có một Hoàng đế - Thủ lĩnh mới làm nên được cuộc hội quân bất ngờ và kỳ diệu đó. Quân Thanh tan rã là chuyện hiển nhiên, vì trong điều kiện hành quân hồi ấy, họ không bao giờ tưởng tượng lại có cuộc hội quân của một đối phương như thế này. Họ thua là phải.
Quang Trung là một thiên tài nhiều mặt, trong đó nổi lên thiên tài tổ chức và hoạch định kế hoạch, như người xưa nói, là “như thần”.
THANH THẢO