Chuyện về người anh hùng áo vải ở Thủ đô
Ðến mùa xuân năm Kỷ Hợi 2019 là tròn 230 năm Hoàng đế Quang Trung cùng đoàn quân áo vải làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða in đậm trong trang vàng lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Từ năm Kỷ Dậu 1789, hào khí Quang Trung - Tây Sơn xưa luôn hiện diện trang trọng trong tâm thức người Thăng Long.
Lễ hội kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Công viên Văn hóa Đống Đa (Hà Nội) đầu năm 2018.
CÂU CHUYỆN NHỎ TRÊN GÒ ÐỐNG ÐA
Một ngày mùa đông năm 2018, tôi đến thăm quan khu Công viên Văn hóa Đống Đa - Di tích Gò Đống Đa ở đường Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Vừa qua cổng, lập tức tôi bị hút bởi ánh nhìn của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tượng đài được tạo tác trong dáng đứng uy nghi, gương mặt đầy thần thái. Phía sau tượng đài là hai bức phù điêu hoành tráng minh họa chiến thắng lẫy lừng mùa xuân năm xưa. Phù điêu có khắc những dòng chữ được nhũ vàng trang trọng những lời tuyên ngôn bất hủ của Hoàng đế Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Tôi nhờ một người khách lạ cầm điện thoại chụp giùm cho tấm hình lưu niệm trước tượng đài Quang Trung. Chụp xong người khách hỏi thăm tôi đến từ đâu và bộc lộ sự thú vị khi biết “bác là người Bình Định à!”. Anh tên Lê Văn Mạnh, là giáo viên dạy Toán ở Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, dẫn học trò đến thăm quan di tích, tìm hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thầy Mạnh chia sẻ: “Tôi đã đọc được giai thoại tương truyền rằng khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, Ngài đã lập kế cho đúc 200 đồng tiền đều có hai mặt giống nhau, rồi tập trung quân sĩ tuyên bố nếu ông tung 200 đồng tiền này lên trời mà rơi xuống đất đều nằm cùng một mặt thì lần ra Thăng Long đánh đuổi giặc Thanh nhất định sẽ đại thắng. Mục đích nhằm động viên tinh thần quân sĩ thêm khí thế đánh giặc. Sáng nay khi đến thăm quan khu di tích, nghe tôi kể câu chuyện giai thoại trên, suy nghĩ một hồi cuối cùng các em ồ lên nói với tôi rằng, nhất định Hoàng đế Quang Trung không làm vậy... Hoàng đế là thiên tài quân sự...”. Nhớ lại câu chuyện ấy, đến giờ tôi vẫn mỉm cười, có những chuyện đã chạm đến thiêng liêng, ta không thể và cũng không nên tìm cách cắt nghĩa làm gì.
Cổng vào Công viên Văn hóa Đống Đa (TP Hà Nội).
BÁI VỌNG TỪ CHÙA KIM SƠN
Cách khu di tích Gò Đống Đa khoảng 3 km là một di tích lịch sử quốc gia khác cũng có liên quan đến nghĩa quân Tây Sơn - đó là chùa Kim Sơn (73 Kim Mã, quận Ba Đình). Nơi đây, 230 năm trước là điểm quyết chiến trong trận thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Hàng ngàn liệt sĩ Tây Sơn được an táng ở đây, dân làng lập am Vạn Lịch thờ cúng những nghĩa sĩ hy sinh vì dân tộc.
Nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða, Công viên Văn hóa Ðống Ða đã được xây dựng năm 1989 trên khu vực Gò Ðống Ða ngày xưa, nơi tương truyền sau đại thắng thì Vua Quang Trung đã cho thu gom xác giặc xếp vào chôn trong 12 cái hố rộng, đắp đất cao lên thành gò. Mùa xuân năm Giáp Ngọ (2014), UBND TP Hà Nội đã quyết định cho khởi công thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo Công viên Văn hóa Ðống Ða - Di tích Gò Ðống Ða từ nguồn vận động xã hội hóa. Ðây cũng là nơi UBND TP Hà Nội tổ chức trang trọng, quy mô lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða hằng năm.
“Chùa Kim Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1985, riêng tấm bia đá được Bộ VH&TT dựng lên năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Bên trong chùa còn có khám thờ Vua Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn…”, chủ trì chùa Thích Nữ Đàm Tiến cho biết.
UBND tỉnh Bình Định đã vận động nguồn xã hội hóa xây dựng nhà bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn tại chùa Kim Sơn, khánh thành vào tháng 9.2011. Công trình có kết cấu gỗ với hình dáng nhà chồng diêm 8 mái, 2 tầng đao. Các sống đao được đắp tượng rồng và lân. Càng thêm phần trang trọng, ý nghĩa khi toàn bộ bia đá, chân bia hình chữ nhật do các nghệ nhân tỉnh Bình Định thực hiện trên khối đá đỏ granite lấy từ huyện Tây Sơn. Nội dung văn bia mang ý nghĩa bày tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ, tôn vinh liệt sĩ Tây Sơn...
Lần trở lại thăm chùa mới đây, khi ngồi uống trà với người dân địa phương ở trước cổng chùa, nghe họ kể về truyền thống tưởng nhớ nghĩa quân Tây Sơn, thấy lòng mình ấm lại giữa tiết trời lạnh. Ông Nguyễn Quốc Sử (55 tuổi, người dân ở phường Kim Mã) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây từ tấm bé đến giờ, năm nào cũng thấy người dân tự nguyện tổ chức trang trọng lễ tế chiến sĩ trận vong ở chùa vào mùng 5 tháng Giêng hằng năm. Từ khi có nhà bia tưởng niệm nghĩa sĩ Tây Sơn, tôi cùng nhiều người dân thường xuyên vào chùa hơn để dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính. Nhiều người bái vọng về Bình Định để tỏ lòng thành kính Nhà Vua và đoàn quân áo vải của Ngài!”.
HOÀI THU