Tây Sơn từ phát tích đến phát triển
Trên những vùng đất tôi qua, dấu di chỉ, chứng tích xa xưa, hồn cốt khí chất con người luôn để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Nhưng nói về sự hào sảng, phóng khoáng và nét trượng phu, có lẽ khó nơi nào hơn Tây Sơn. Nếu nói rằng nó được hun đúc từ truyền thống yêu nước, can trường, đồng lòng để vượt qua bao khó khăn thì dễ quá. Nhưng để những đắp bồi ngày càng tươi sắc, hực lên mỗi khi năm tháng chuyển ngày chắc không đơn giản vậy. Tôi nghĩ vậy và ngược đường lên Tây Sơn.
Cây me cổ thụ nhà Tây Sơn.
DẤU XƯA CÒN GIỮ
Tây Sơn là vùng đất mà ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ làm nên đại nghiệp, phát tích một vương triều mà đến nay, dấu xưa còn giữ. Tham quan Bảo tàng Quang Trung, nhìn cây me cổ thụ một lần nữa thay lá non, tôi chợt vẩn vơ nghĩ về tiền nhân. Bỗng nhớ câu ca: “Cây me, giếng nước sân đình/ Ơn sâu nghĩa nặng dân mình còn ghi”. “Cây me” là cây me ở vườn nhà cụ Hồ Phi Phúc - thân sinh ba anh em nhà Tây Sơn. Cây me ngày ấy vẫn còn, dọc dài trầm tích thời gian nó như một gợi dẫn để nhớ về tuổi niên thiếu của Tây Sơn tam kiệt đến khi làm nên đại nghiệp.
Cạnh đó, giếng nước cổ bằng đá ong nằm trầm mặc rêu phong, mà tôi nghe nhiều người thuật lại giai thoại về giếng cổ này với bao huyền mị linh thiêng. Khua gàu múc nước, tiếng gàu va vào thành giếng như vọng lại thanh âm tuổi thơ tôi. Tôi chợt nghĩ, ba anh em nhà Tây Sơn chắc cũng có tuổi thơ như mình, bên giếng làng mát ngọt chắt chiu mạch ngầm sông Côn với bữa cơm gia đình ấm cúng. Ấy vậy, mà sau này họ đã làm nên cơ nghiệp. Cây me cùng với giếng nước là 2 di tích còn sót lại sau khi bị quân của chúa Nguyễn Ánh tàn phá. Còn nhà Tây Sơn thì lặng lẽ nén vào từng trang sách sử và những tác phẩm tiểu thuyết nổi tiếng như Sông Côn mùa lũ, Tây Sơn bi hùng truyện hay trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn tam kiệt…
Ở Tây Sơn, đến giờ người dân nơi đây vẫn truyền nhau câu ca: “Cây me cũ bến trầu xưa/Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm”. Theo lời anh Nguyễn Văn Lon, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Sơn, bến trầu xưa chính là bến Trường Trầu thuở nào, nơi người anh cả Nguyễn Nhạc dừng thuyền đậu bến buôn bán trầu. Theo tháng năm, dòng sông xưa bồi lở qua bao mùa nước xuống lên, bến Trường Trầu nay không còn mấy dấu tích. Tôi hỏi một người phụ nữ đang tản bộ bên triền sông, bà tên Phan Thị Đông (77 tuổi, ở thị trấn Phú Phong) lớn lên và gắn bó với mảnh đất này từ thuở bé thơ. Mắt bà hun hút dõi về xa xăm: “Những mùa bão lũ đã làm hư hại nhiều bến Trường Trầu. Nhưng ký ức về bến xưa, về ba vị anh hùng làm nên đại nghiệp còn mãi trong lòng bà con Tây Sơn”. Tôi nhận ra sự yêu mến, kính ngưỡng chân thành của người dân nơi đây với ba ngài. Phải vậy thì năm xưa khi nhà Tây Sơn quá vãng, người dân làng Kiên Mỹ không ngại hiểm nguy đóng góp xây miếu Thành Hoàng, nhưng thực ra, là họ kín đáo thờ ba anh em Tây Sơn trước sự trả thù ráo riết của nhà Nguyễn. Hằng năm, người dân lấy ngày mất của Nguyễn Nhạc, rằm tháng 11 làm ngày giỗ chung ba anh em, tổ chức cúng tế tưởng nhớ ba vị anh hùng.
Giếng cổ nhà Tây Sơn. Ảnh: HOA KHÁ
SỨC SỐNG HÔM NAY
Tháng năm qua đi, vùng đất anh kiệt Tây Sơn nay đã đổi khác rất nhiều. Từ những cú hích về kinh tế, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, sự lồng ghép giữa trầm tích văn hóa với phát triển dịch vụ du lịch… đã tạo nhiều khởi sắc cho vùng đất này. Tây Sơn sở hữu 20 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận, trong đó có 2 di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia là Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt và cụm Tháp Chăm Dương Long. Ở đây có lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa tổ chức mùng 5 Tết hàng năm thu hút hàng ngàn người về tham gia. Với những thế mạnh ấy, theo thống kê của huyện Tây Sơn, mỗi năm ngành Du lịch huyện đón khoảng 220 ngàn lượt khách tới tham quan.
Bằng niềm tự hào về vùng đất địa linh nhân kiệt và tinh thần vươn lên, ngày qua ngày, người Tây Sơn vẫn đang chung sức chung lòng đồng hành trên con đường phát triển. Một lần về Vĩnh An, xã được xem là khó khăn nhất huyện Tây Sơn, tôi có cuộc trò chuyện cùng anh Đinh Hoàng Bình, Chủ tịch xã. Anh hướng tay chỉ về phía cánh đồi già, ngược dòng những nhánh suối nhỏ đang hợp lưu trên bờ tràn nước Gộp, kể lại câu chuyện gần chục năm trước về người mẹ Đinh Thị Hờ Hve cùng hai đứa con nhỏ đi rẫy về bị cơn lũ nghịch mùa cuốn đi, cướp mất sinh mạng… Rồi anh chỉ tôi cây cầu treo khang trang vững chãi được xây dựng từ dự án dân sinh của Bộ GTVT bắc ngang qua triền suối sâu được đưa vào sử dụng từ năm 2016 đã thỏa nguyện mong mỏi bấy lâu của người dân chất phác. Ở từng địa phương, sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng nỗ lực của từng con người chắt chiu chịu khó như hòa vào dòng chảy chung đưa đất và người Tây Sơn ổn định đời sống, phát triển kinh tế.
Có một điều đặc biệt, là dường như trong từng bước phát triển của địa phương, “vốn văn hóa” nội tại luôn được trân quý, gìn giữ khi huyện Tây Sơn đã và đang phối hợp nỗ lực đi lên từ nội lực trầm tích thời gian - lịch sử - văn hóa bằng con người đầy hào khí, luôn muốn vươn lên, bật dậy, từng ngày dựng xây quê hương giàu đẹp.
VÂN PHI