Nghĩ về ngày giỗ Vua
Không phải đợi đến mùng 5 tháng Giêng, nhân kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða, người ta mới bồi hồi nhớ vị anh hùng áo vải cờ đào. Ðể tưởng nhớ vị anh hùng của mình, vào ngày húy kỵ vua Quang Trung (29.7 âm lịch) và ngày hiệp kỵ Tây Sơn (15.11 âm lịch) người dân địa phương lại góp công góp của cùng nhau sum vầy làm lễ giỗ Vua rất ấm cúng.
Trong tâm thức người Việt cúng giỗ là hình thức tưởng nhớ những người đã khuất, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Do vậy, dù thời thế đổi dời, người Tây Sơn nói chung và người làng Kiên Mỹ (thị trấn Phú Phong) nói riêng vẫn một lòng hướng về những vị anh hùng của họ.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại lễ giỗ Vua. Ảnh: VĂN LƯU
GIỖ VUA
Để tránh sự chú ý của triều đình nhà Nguyễn, ngày 15.11 hàng năm người dân tổ chức cúng giỗ ba anh em Nhà Tây Sơn vào dịp lễ thường tân (Tết cơm mới). Đến năm 1946, trên nền xưa đất cũ, dân làng lập một miếu nhỏ thờ cúng ba anh em Nhà Tây Sơn. Năm 1958, nhân dân Bình Khê góp công góp của xây dựng lại ngôi miếu khang trang lấy tên là Điện Tây Sơn.
Điện Tây Sơn (nay nằm trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung) được xây dựng tại nơi tương truyền là nền nhà cũ của ba anh em Tây Sơn, nơi họ cất tiếng khóc chào đời. Hẳn nhiều người đến đây, sẽ vừa tham quan vừa mường tượng về tuổi thơ của những vị anh hùng với hình ảnh cây me, giếng nước gần gũi, thân thương.
Ngày trước, giỗ Vua do người dân làng Kiên Mỹ cùng nhau tổ chức, dần sau đó Bảo tàng Quang Trung góp một tay với bà con. Mấy năm gần đây, Sở VH&TT chung vai vào. Năm tròn, lễ trọng như năm 2017, vào dịp kỷ niệm 225 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung, giỗ Vua do tỉnh chu toàn mọi việc trong nghiêm cẩn, chân thành. Năm rồi, giỗ Vua dù không phải năm chẵn, nhưng với sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo tỉnh vẫn chỉ đạo Sở VH&TT và UBND huyện Tây Sơn phối hợp tổ chức. Dù là cấp nào đứng ra tổ chức thì sự nổi bật vẫn là người dân thể hiện tấm lòng với “vua của mình”…
Hàng ngàn du khách thập phương về tham quan Bảo tàng Quang Trung và tham gia làm giỗ Vua. Ảnh: VĂN LƯU
HÀNH HƯƠNG TRÊN ĐẤT VUA
Ngày nay, đường đến thăm đất vua rất dễ dàng. Đường bộ từ TP Quy Nhơn đi theo quốc lộ 19, hoặc theo đường hàng không đến sân bay Phù Cát rồi di chuyển theo xe buýt, xe khách, taxi lên Tây Sơn. Đến đây, du khách không chỉ được viếng thăm Bảo tàng Quang Trung mà còn rất nhiều di tích, danh thắng mang trong mình hình ảnh, ý nghĩa của một triều đại oai hùng. Hơn nữa, du khách còn được đắm mình trong không gian văn hóa đa dạng như: biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Quang Trung, khiến người xem háo hức như được hòa mình vào hào khí thuở nào. Vào dịp lễ hội Tây Sơn, du khách còn được trải nghiệm nhiều loại hình văn hóa dân gian như bài chòi, hát tuồng, trò chơi dân gian… đậm đà bản sắc.
Về với miền đất võ, chúng ta không thể không viếng thăm đền thờ những vị anh hùng một thời như: Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân… hồi tưởng những trận chiến oanh liệt, vang dội núi sông. Về đây, du khách còn được dịp hòa mình vào thế giới huyền ảo của thiên nhiên ở Hầm Hô, nơi mà danh tướng Võ Văn Dũng đã từng rèn quân luyện võ dưới trướng các thủ lĩnh Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Rồi đến với bến Trường Trầu thắm thiết ân tình kết nối 2 miền Tây Sơn thượng đạo, Tây Sơn hạ đạo, nơi Nguyễn Nhạc thường chở trầu xuôi dòng sông Côn xuống Bến Trầu (thôn Phú Thiện, xã Bình Nghi) rồi qua chợ An Thái.
Qua lời kể của người dân, người nghe thấy lòng phấn chấn lạ vì dù bến cũ không còn nhưng ít nhất câu chuyện về Nguyễn Nhạc buôn trầu và gọi binh vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người, sống động qua từng lời kể.
THẢO KHUY