Trầu nàng têm mãi còn thơm...
Lá trầu có đẳng cấp và địa vị trong lịch sử Việt Nam.
Nó đã xuất hiện bồi hồi trên đôi tay vua Hùng kèm theo những lời phán truyền tình sâu nghĩa nặng và bốn ngàn năm tiếp theo đó nó có mặt từ các nghi thức lễ tiết cho đến giao bôi, thù tạc, trong dân gian cho đến chốn cung đình. Và như định mệnh, nó trở thành chứng nhân của phong trào nông dân Tây Sơn, hay nói cách khác, một phần lịch sử của cuộc khởi nghĩa này được ghi trên lá trầu thơm cay, và thăng hoa bằng những cung bậc của kỳ tích, của huyền thoại.
Sau chiến thắng giặc ngoại xâm, vua Quang Trung đem cành đào về tặng công chúa Ngọc Hân.
Nó để lại cho chúng ta hôm nay di tích bến Trường Trầu và cái tên gọi chủ nhân dân dã là anh Hai Trầu, định danh thời hàn vi của vua Thái Đức, người sáng nghiệp nhà Tây Sơn. Có ai ngờ, lá trầu thay thẻ trúc trở thành nền thanh sử, chép lên cuộc khởi nghiệp áo vải cờ đào, khi đó, Nguyễn Nhạc là một người buôn trầu có tiếng ở ấp Tây Sơn, giữ chức Biện lại Vân Đồn, một chức quan thu thuế Đàng Trong. Cái chức vụ không lớn ấy đâu ngăn cản được chí khí không hề nhỏ của người hào kiệt khi lá trầu đã đưa ông qua các ngả nguồn, lên rừng xuống bể, tầm sư học đạo, hữu hảo giao thương, âm thầm kết nối nhân tài vật lực, để rồi dựng cờ lần lượt chống lại các thế lực bạo ngược.
Thập niên cuối thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI, mỗi lần nhà văn Nguyễn Mộng Giác và sử gia Tạ Chí Đại Trường về Quy Nhơn, tôi đều có hân hạnh được tiếp xúc hai ông, ở cơ quan cũng như nhà riêng hay nhà một người bạn vong niên - nhà thơ Lê Văn Ngăn. Trong nhiều câu chuyện tâm sự chia sẻ về đời sống và nghiệp chữ nghĩa, thượng vàng hạ cám, chúng tôi rất hào hứng với đề tài thú vị Tây Sơn Tam Kiệt mà hai ông đều có những tác phẩm lẫy lừng, bộ trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” và tập khảo cứu “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802” mà các nhà xuất bản trong nước đã tái bản.
Vẫn lá trầu nguồn cội vua Hùng, lá trầu Tây Sơn đã có một chiều kích mới từ hào kiệt Tây Sơn, lung linh bóng dáng lộng lẫy và bi tráng của trái tim thống thiết. Ở đó, tôi như nghe một hiển ngôn chan chứa, rằng trầu nàng têm mãi còn thơm môi trẫm!
Hai ông có điểm chung khi nhận xét về Nguyễn Nhạc, rằng thiên tài Quang Trung - Nguyễn Huệ có cơ hội thăng hoa và lan tỏa là nhờ bắt đầu bằng công sáng nghiệp của ông anh. Tôi cũng thầm đồng tình với ý tưởng “hoàng huynh” với những mệnh đề tiên khởi đã cho “hoàng đệ” lý giải xuất sắc bài toán vĩ đại của lý tưởng, của thời đại. Bắt đầu lối mở bến Trường Trầu với cuộc tụ nghĩa bốn phương anh hùng, phong trào Tây Sơn từ tiêu diệt các thế lực phong kiến đã đến hồi mạt vận đi ngược mọi giá trị và quyền lợi của nhân dân; cộng với hai cuộc chiến đánh đuổi ngoại xâm, giặc Xiêm La ở trận Rạch Gầm - Xoài Mút và quân Mãn Thanh ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa, tầm vóc của một phong trào đã đi đến với một chiều kích khổng lồ, sáng ngời chính nghĩa, để lại cho đời một niềm tự hào chang chói.
Bên cạnh địa danh bến Trường Trầu, xuôi về Đông, một địa danh bi hùng của cuộc khởi nghiệp không thể không nhắc đến là An Thái. Sử gia Tạ Chí Đại Trường có quê gốc An Thái nhiều đời trước, ông nói vui “mong rằng mình có một ông tổ nào đấy đã từng đi chăn trâu chăn bò với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, đã cùng họ bẻ trộm bắp, đào trộm khoai lang rồi lên một gò vắng lượm phân khô nhúm lửa nướng bắp, lùi khoai cười hể hả với nhau”.
Tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ” của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã tái hiện lịch sử bằng các số phận sóng gió thăng trầm của gia đình thầy giáo Hiến và gia đình ba anh em Tây Sơn, khái quát bức tranh bão táp của dân tộc trong ba thập kỷ cuối thế kỷ XVIII. Miêu tả hành trình thầy giáo Hiến đến An Thái năm 1765, trốn nạn quyền thần Trương Phúc Loan, và kết thúc khi Nguyễn Huệ mất, con gái thầy giáo Hiến là An ra Phú Xuân dự đám tang vua Quang Trung - người yêu cũ của mình băng hà mùa thu năm 1792. Khi đi học thầy giáo Hiến, Nguyễn Huệ đã vào tuổi mười hai mười ba, cái tuổi đang hình thành nhân cách cũng như tài năng. Bấy giờ sông Côn chưa bồi, bến nước rất thịnh, từ ngả nguồn Krông Bung, qua Trường Trầu xuống An Thái rồi tỏa đi các nơi trong hạt. Thuyền buôn trầu của anh Hai Trầu (Biện Nhạc) thường qua lại.
Trong câu chuyện sử học bên bàn cà phê, tất nhiên, bên cạnh những huân công sáng ngời trong quân sự, chính trị, ngoại giao… hai ông không thể không nói về Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ trên phương diện “rất đời thường” là vị hoàng đế của tình yêu.
Hai người đàn bà từng têm trầu cau cho Nguyễn Nhạc thuở hàn vi là bà Trần Thị Huệ ở quê và Yă Đố, thường gọi là cô Hầu ở Tây Sơn thượng đạo (nay thuộc huyện K’Bang và TX An Khê, tỉnh Gia Lai). Tôi cũng được tiếp xúc và nghe nhà thơ Quách Tấn, trong chuyến tỉnh mời ra xây dựng tủ sách tư liệu nhân hai trăm năm chiến thắng Ngọc Hồi -
Đống Đa (1789 - 1989) hồi ấy kể về làng Cổ Yêm, một ngôi làng bằng phẳng, rộng đến 5.600 mẫu, hiếm hoi trên chốn rừng thiêng nước độc. Nghe đồn Cổ Yêm xưa kia là một cánh rừng mang tên Mộ Điểu ngút ngàn, vương quốc của chim muông. Yă Đố là con một vị tù trưởng Bana hùng mạnh sau khi nâng khăn sửa túi cho Nguyễn Nhạc, bà tổ chức canh tác ở đây và nối kết vị “Vua Trời” với những tù trưởng bộ lạc các dân tộc khác trong vùng, làm nguồn cung ứng nhân lực lẫn ngựa voi, lúa bắp cho cuộc khởi nghĩa. Chứng tích của mối tình còn lưu lại là “Cánh đồng Cô Hầu”, “Núi Hoàng Đế” đến hôm nay. Khi Nguyễn Nhạc lên ngôi, tương truyền rằng Thứ phi Yă Đố vì quen thuộc tập quán chốn suối rừng nương rẫy, không phù hợp với nghi lễ hoàng cung nên bà dùng những lời thắm thiết, ân nghĩa gửi gắm sự chăm sóc “vua chồng” cho Chánh cung Hoàng hậu Trần Thị Huệ, còn bà lui về nơi khởi binh lo việc hậu cần, thỉnh thoảng nhớ nhung thì xuôi dòng sông Côn về thăm Hoàng đế Thái Đức.
Bến Trường Trầu trên dòng sông Côn chảy qua thị trấn Phú Phong. Ảnh: VĂN LƯU
Nhà thơ Quách Tấn, nhà văn Nguyễn Mộng Giác và sử gia Tạ Chí Đại Trường đều có chung một niềm tự hào và nỗi đam mê đi đến tận những góc cạnh sâu lắng và hiếm hoi trong nguồn sử liệu thành văn cũng như dân gian của phong trào Tây Sơn, và tác phẩm của ba nhà văn đồng hương với những người đồng hương vĩ đại ấp Tây Sơn đã là minh chứng hùng hồn cho tình yêu không bờ bến ấy. Bên cạnh tác phẩm, khi bằng những câu chuyện không đầu không cuối với thế hệ đi sau trong những lần hiếm hoi gặp gỡ, tôi được cảm nhận ở cả ba ông đều không chỉ ở lời thầm thĩ nhắc nhở, mà còn lan tỏa cả dư vị nồng nàn của lá trầu nguồn, từ những ngả nguồn xung quanh địa hạt đến bến Trường Trầu, cái lá trầu định mệnh trong câu ca chung thủy hậu Tây Sơn: “Cây me cũ bến trầu xưa/ Dẫu không nên tình nghĩa cũng đón đưa cho trọn niềm”.
Lịch sử vẫn có những dòng chảy riêng qua những thân phận. Nó nhân ái ngay tấm lòng lãnh tụ, ở tình yêu quay cuồng với chính người đầu gối tay ấp khi bùn đất hãy còn vương chân, ánh hào quang của cung đình vẫn không át đi mặn nồng ngày xưa cũ: “Từ sau khi thờ trẫm nói gì theo vậy, không chút trái ngược, hợp với ý trẫm, không chút ngang ngạnh. Trẫm đánh dẹp bốn phương, đóng quân mãi ở ngoài. Hậu đội khăn đen, mặc áo mộc, nhớ nhung sâu sắc, nhìn cái bóng vô hình, nghe cái lời vô thanh, tấm lòng của Hậu luôn ở bên trẫm”. Đúng như giấc mơ của Ngô Thì Nhậm sau cuộc băng hà của vua Quang Trung, rằng sự nghiệp vua Quang Trung chính là xây dựng một nền đại chính: “Trẫm lạc nhân hoàn lưu chính trị!”.
NGUYỄN THANH MỪNG