Uy lực tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung
Chúng tôi đến thăm Lữ đoàn 162 thuộc Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân (đóng ở Cam Ranh, Khánh Hòa) vào những ngày cuối năm, cũng đúng thời điểm tàu hộ vệ tên lửa 016 - Quang Trung cập cảng sau đợt làm nhiệm vụ dài ngày trên biển. Ý nghĩa hơn, con tàu mang tên Quang Trung - vị anh hùng áo vải cờ đào đã đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược cách đây 230 năm, đúng vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða lịch sử.
Ngày 6.2.2018, Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức lễ thượng cờ cho 2 tàu hộ vệ tên lửa phiên hiệu 015 - Trần Hưng Đạo và 016 - Quang Trung.
CHIẾN HẠM HIỆN ĐẠI
Chiến hạm 016 - Quang Trung đậu trong Quân cảng Cam Ranh, nhìn từ xa như một ngôi nhà lớn nhiều tầng án ngữ bên cầu cảng. Thuyền trưởng, trung tá Hoàng Anh (SN 1978, quê Hưng Yên), khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về con tàu, đã tự hào: “Nếu chỉ nghe nói thì không thấy hết tính năng hiện đại cũng như quá trình làm chủ con tàu của cán bộ, chiến sĩ”, rồi nhanh chóng dẫn chúng tôi đi tham quan tàu.
“Qua 1 năm tiếp nhận, cán bộ, chiến sĩ đã làm chủ hoàn toàn con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại mang tên Quang Trung và tham gia hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Diễn tập chống ngầm, diễn tập vòng tổng hợp, tuần tra dài ngày khu vực biển Trường Sa và khu vực nhà giàn ĐK1...”.
Thuyền trưởng HOÀNG ANH
Chiến hạm Quang Trung có chiều dài 102,4 m, rộng 14,7 m, mớm nước 5,6 m, lượng giãn nước toàn tải 2.200 tấn, tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ (53 km/giờ), phạm vi hoạt động 7.000 km, thời gian hoạt động liên tục trên biển 20 ngày. Đây là loại tàu chiến có khả năng tàng hình, săn tàu ngầm, chống hạm, chống ngầm, chống các loại tàu chiến mặt nước, được trang bị các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga hiện nay. Trong đó, có tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma, tổ hợp tên lửa Ural và trực thăng săn ngầm Ka-28. Chiến hạm có khả năng tiến công đa năng ba trong một (trên mặt nước, dưới nước và trên không), đặc biệt là khả năng chống ngầm. Tàu có khả năng tìm diệt các tàu mặt nước của đối phương từ xa ở cự ly đến 130 km, chỉ với 1 - 2 quả tên lửa. Hoặc bất kể một đầu tự dẫn tên lửa hay máy bay, trực thăng nào lao vào tàu đều trở thành mồi cho tổ hợp pháo - tên lửa phòng không đa năng Palma, tốc độ bắn 10.000 phát/phút với tầm bắn đến 8.000 m, làm nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ tuyến phòng không cho tàu và biên đội tác chiến.
Thiếu tá Trịnh Trung Thành (SN 1980, quê Quảng Nam), Chính trị viên tàu, cho biết thêm: “Một trong những nét đặc biệt của chiến hạm là hệ thống xử lý thông tin chiến đấu gồm những trang thiết bị hiện đại so với nhiều tàu chiến trên thế giới và hệ thống vũ khí trên tàu có thể tự động tìm diệt mục tiêu thông qua hệ thống tác chiến điện tử”.
Chiến hạm Quang Trung xuất kích tuần tra trên biển.
KHỔ LUYỆN ĐỂ LÀM CHỦ
Điểm đặc biệt là hơn 40% sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên chiến hạm hiện đại mang tên Quang Trung đều thuộc thế hệ 9X. Sau 1 năm kể từ khi tiếp nhận, cán bộ, chiến sĩ tàu Quang Trung đã làm chủ hoàn toàn con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại này. Họ được tuyển chọn từ nhiều đơn vị hải quân, có kinh nghiệm làm nhiệm vụ trên nhiều loại tàu. Còn những gương mặt mới toanh đều là học viên giỏi của Học viện Hải quân, Học viện kỹ thuật quân sự trong nước và Học viện Hải quân Nga. Nhờ cố gắng nỗ lực trong tự học, tự tìm tòi nghiên cứu và tranh thủ sự giúp đỡ của chuyên gia Nga mà hôm nay, trên mỗi vị trí, mỗi cương vị, các cán bộ, chiến sĩ đã vững vàng về mọi mặt, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có lệnh.
Thiếu úy chuyên nghiệp Tô Văn Toàn (quê ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát - người ngoài cùng) cùng các tắc thủ đang huấn luyện thao tác phóng tên lửa trên chiến hạm Quang Trung.
Thuyền trưởng Hoàng Anh chia sẻ thêm: “Trước khi nhận tàu, cán bộ, chiến sĩ đều được đào tạo 5 tháng ở Nga, trong đó 2 tháng học lý thuyết và 3 tháng thực hành trên tàu. Khi nhận tàu, về lại đơn vị, tất cả cán bộ, chiến sĩ tiếp tục học tập, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành để làm chủ con tàu và vũ khí hiện đại. Ngoài ra, anh em đều học ngoại ngữ (tiếng Nga và tiếng Anh) để thực hiện nhiệm vụ đối ngoại quân sự. Đến thời điểm này, các anh đã hoàn toàn làm chủ con tàu, tiêu biểu như: Đại úy Nguyễn Thanh Hà (SN 1987, quê Ninh Bình), Trưởng ngành pháo - tên lửa; thượng úy Đàm Văn Thịnh (SN 1991, quê Thái Bình), Trưởng ngành radar sona; trung úy chuyên nghiệp Đào Văn Hiếu (SN 1989, quê Hà Tĩnh), Tiểu đội phó tuabin…”.
Trung tá Hoàng Anh, thuyền trưởng tàu Quang Trung đang chỉ huy tàu ra khơi làm nhiệm vụ.
Trung úy Đinh Xuân Sang (SN 1991, quê ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn), Trưởng ngành thông tin, tự hào nói: “Trực tiếp ra nước ngoài huấn luyện và nhận tàu về nước, rồi được làm nhiệm vụ trên con tàu mang tên vị Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, tôi rất vinh dự và tự hào, không ngừng khổ luyện để làm chủ lĩnh vực được giao”.
Còn thiếu úy chuyên nghiệp Tô Văn Toàn (SN 1994, quê xã Cát Tường, huyện Phù Cát), nhân viên tên lửa - một trong những cán bộ, chiến sĩ sang Nga học tập và tham gia tiếp nhận tàu Quang Trung từ khi tàu còn nằm ở Biển Đen (Nga) - vẫn không quên được cảm xúc choáng ngợp, tự hào khi lần đầu tiên đặt chân lên chiến hạm. Thiếu úy Toàn tâm sự: “Đây là năm thứ 2, tôi đón Tết trên chiến hạm hiện đại này. Dù đón Tết xa nhà nhưng tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trung úy Đinh Xuân Sang (quê ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) chia sẻ với PV Báo Bình Định về niềm vinh dự và tự hào khi được làm nhiệm vụ trên chiến hạm Quang Trung.
Trong câu chuyện thân tình với chúng tôi về ý nghĩa tên gọi của chiến hạm hiện đại mà mình đang làm nhiệm vụ, Chính trị viên Trịnh Trung Thành khẳng định: “Qua nghiên cứu tài liệu thì Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ có tài huấn luyện mau chóng các tân binh thành chiến binh. Đặc biệt thủy quân Tây Sơn rất tinh nhuệ, thiện chiến, được đánh giá ngang với các hạm đội phương Tây hùng mạnh lúc bấy giờ. Do vậy, chỉ huy tàu sẽ thường xuyên giáo dục, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ rèn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, xứng với uy danh của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ; sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân”.
Chiến hạm 016 – Quang Trung cùng chiến hạm 012 – Lý Thái Tổ tại Quân cảng Cam Ranh.
Lữ đoàn tàu chiến hiện đại
Ngày 10.1.2002, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Lữ đoàn 162 - đơn vị tàu chiến đấu mặt nước hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân. Ðơn vị có nhiệm vụ độc lập tác chiến hay hiệp đồng với các lực lượng để tiến công tiêu diệt các tàu mặt nước của địch trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền; là lực lượng cơ động theo nhiệm vụ của Quân chủng.
Lực lượng của Lữ đoàn khi mới thành lập gồm các tàu tên lửa, tàu tuần tiễu tên lửa, các tàu phục vụ. Năm 2006, Lữ đoàn được trang bị tàu thế hệ mới hơn và năm 2011, năm 2018 trang bị 4 tàu hộ vệ tên lửa (Gepard 3.9) hiện đại, gồm: Tàu 011 - Ðinh Tiên Hoàng, tàu 012 - Lý Thái Tổ, tàu 015 - Trần Hưng Ðạo và tàu 016 - Quang Trung.
Bài: NGUYỄN PHÚC
Ảnh: VĂN LƯU