Những dặm dài yêu thương
Chỉ sau hơn 4 năm kể từ ngày thành lập, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh đã trở thành một địa chỉ tin yêu của bệnh nhân nghèo. 2018 tiếp tục là một năm Hội thực hiện nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa vượt bậc. Trên những dặm dài yêu thương của mình, Hội đã mở ra nhiều cánh cửa hy vọng!
Năm 2017, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) tỉnh thực hiện được 10 chương trình, phần việc với tổng trị giá thực hiện hơn 22 tỉ đồng. Năm 2018, số phần việc đã tăng thành 14; tổng trị giá hỗ trợ đạt 25,5 tỉ đồng. Năm 2018, hơn 32.800 lượt bệnh nhân được trợ giúp (tăng hơn 12.000 lượt bệnh nhân); hơn 634 ngàn suất cơm tình thương đã được trao (gần gấp đôi năm 2017); có thêm 3 bếp tình thương mới được vận động xây dựng, đưa vào sử dụng... Những con số này đã nói lên rất nhiều điều, bởi vậy, chỉ xin được nêu những câu chuyện về yêu thương phía sau những con số ấm áp kia.
Người khuyết tật được hỗ trợ xe lắc bày tỏ cảm kích đối với ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh.
ÐÙM BỌC BỆNH NHÂN NGHÈO
Rất nhiều những cảnh đời khó khổ đã ứa nước mắt xác nhận rằng, cảnh của vợ chồng anh Lê Văn Ca (44 tuổi) và Trần Thị Nở (41 tuổi), ở thôn An Hòa 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước là cùng cực nhất. Vợ chồng anh chị có 4 người con, hai trong số đó mắc bệnh nặng, vợ chồng anh luôn trong cảnh đắp đổi qua ngày. Họa vô đơn chí, anh và chị cùng bị bỏng xăng nặng do sơ suất. Tình nguyện viên ở địa phương đã gửi trường hợp của anh chị đến Hội BTBNN tỉnh đề nghị hỗ trợ.
NHỮNG BÀN TAY “3 TRONG 1”
Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh có tổ chức nhân sự khá mỏng. Năm 2018, Hội thành lập thêm 6 chi hội và 3 phân hội, kết nạp mới 471 hội viên. Hiện tại, có 22 chi hội, 16 phân hội với 1.304 hội viên. Ðây không phải là số lớn, nhưng lại rất hiệu quả bởi tính đa năng của các hội viên. Mỗi hội viên vừa là một tình nguyện viên, vừa là một người đi vận động, cũng là một nhà tài trợ.
Ở thời điểm đầu tiên, biết anh chị không có thẻ BHYT, Hội đã lập tức mua thẻ BHYT để giảm bớt chi phí điều trị; đồng thời kêu gọi các chi hội, nhà hảo tâm, nhờ đến cả sự hỗ trợ của báo chí để có thêm nguồn lực giúp đỡ. Cuộc tổng vận động này đã giúp anh chị được gần 600 triệu đồng. Số tiền ủng hộ còn lại sau điều trị, Hội mở một sổ tiết kiệm cho vợ chồng anh. Được giúp đỡ từ lúc nhập viện cho đến khi xuất viện, vợ chồng anh Ca không thể tin được rằng mình đã được từng đó người chia sẻ, họ nghẹn ngào không thể bày tỏ thành lời niềm biết ơn vô hạn với những tấm lòng đã sẻ chia, mà bắt đầu là Hội BTBNN tỉnh.
Ngoài vợ chồng anh Ca, năm qua, nhiều trường hợp khác đã được hỗ trợ thông qua cầu nối của Hội. Có thể kể đến như trường hợp anh Trần Minh Sang (ở xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn), bị tai nạn bỏng điện, được hỗ trợ 150 triệu đồng; chị Trần Thị Mai Hoa (ở xã An Hòa, huyện An Lão) bị bỏng xăng, được ủng hộ 250 triệu đồng...
Bên cạnh nỗ lực vận động kêu gọi giúp đỡ cho các trường hợp bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, Hội BTBNN tỉnh còn duy trì các chương trình đã thành “thương hiệu” của Hội như: Tổ chức Xuân yêu thương vào dịp Tết Nguyên đán, tặng quà cho bệnh nhân nhi vào dịp Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, khám sàng lọc tim và kêu gọi hỗ trợ phẫu thuật bệnh nhân tim, trao thẻ BHYT cho người cận nghèo, xây dựng bếp ăn tình thương... Mỗi hoạt động đều cho thấy tâm huyết san sẻ những khó khăn, đùm bọc, yêu thương dành cho bệnh nhân nghèo.
Chương trình khám sàng lọc bệnh tim tiếp tục được Hội phối hợp Bệnh viện Trung ương Huế triển khai trong năm 2018.
MỞ RA NHỮNG CÁNH CỬA HY VỌNG
Trong năm 2018, Hội triển khai thêm 4 phần việc mới, dù không thuộc chức năng hỗ trợ bệnh nhân nghèo, nhưng cả 4 đều khẳng định mục tiêu chung tay thực hiện chính sách an sinh xã hội mà Đảng - Nhà nước thường xuyên động viên thực hiện, làm lan tỏa truyền thống tương thân tương ái. 4 phần việc đó là: Chương trình “Hạt gạo tình thương - Đồng tiền nhân ái”, hỗ trợ 100 bộ áo phao cho ngư dân, trao tặng xe lắc cho người khuyết tật vận động và hỗ trợ đồng bào vùng lũ.
Với “Hạt gạo tình thương”, xuất phát từ ý tưởng của Nhóm Nguyễn Khoa và các nhà hảo tâm tại TP Hồ Chí Minh, từ 20 trường hợp hỗ trợ ban đầu, đến nay đã có 80 trường hợp trong tỉnh được hỗ trợ gạo hàng tháng. Với “Đồng tiền nhân ái”, đã có 12 trường hợp ở huyện Tuy Phước được hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp/tháng. Không chỉ gia tăng về số lượng được hỗ trợ, “Hạt gạo tình thương - Đồng tiền nhân ái” còn thu hút sự tham gia của các chi hội và nhiều cá nhân. Hiện tại, Nhóm Nguyễn Khoa và các Mạnh Thường Quân ở TP Hồ Chí Minh đang tài trợ gạo hàng tháng cho 40 hộ; Chi hội Tâm Phát hỗ trợ 17 trường hợp, Chi hội Bác Ái: 11 trường hợp, Chi hội Hoài Ân: 3 trường hợp, một số nhà hảo tâm khác hỗ trợ thường xuyên cho 10 trường hợp.
Ở năm đầu tiên triển khai vận động trao tặng xe lắc cho người khuyết tật, Hội BTBNN tỉnh đã tặng 44 xe lắc, giúp người khuyết tật nghèo có phương tiện mưu sinh. Chị Trần Thị Bích Thủy (37 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) bày tỏ: “Xe cũ đã hư, nhận được xe lắc mới, tôi mừng lắm. Tôi mưu sinh bằng việc bán vé số để giúp đỡ gia đình, có cái xe di chuyển thuận lợi, ít tốn sức, đỡ nắng mưa”.
Đại diện đơn vị kết nối Hội và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP Hồ Chí Minh tổ chức trao xe lắc cho người khuyết tật, ông Trần Hữu Tâm, Phó Chủ tịch Hội BTBNN TP Hồ Chí Minh, khẳng định: Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối và đưa xe lắc về với Bình Định để thêm nhiều phương tiện kiếm sống cho người khuyết tật nghèo!
So với hai phần việc trên, chương trình áo phao đa năng cho ngư dân khá khác biệt về nội dung cũng như đối tượng hướng đến. Ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội BTBNN tỉnh, cho biết: “Có thời điểm chương trình không triển khai được vì nhiều lý do. Thế nhưng, Hội không nản lòng. Từ những thiệt hại về người trong trận bão cuối năm 2017, Hội nhận thấy áo phao đa năng thật sự ý nghĩa đối với sinh mạng ngư dân. Ý nghĩa thiết thực hơn cả là hỗ trợ ngư dân phương tiện để sống sót thay vì khi đã xảy ra chuyện, chúng ta đến chia buồn, trao tiền hỗ trợ. Hơn thế, Hội hiểu rõ tâm huyết của tác giả của bộ áo phao là ông Võ Văn Hoàng Minh, người bạn đồng hành cùng nhiều bếp ăn tình thương trong tỉnh. Sau nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2018, Hội đã tìm thấy sự đồng thuận và đồng hành của Quỹ Tâm Nguyện Việt TP Hồ Chí Minh khi quỹ ủng hộ 50% số tiền mua 100 bộ áo phao. Chi phí mua một bộ áo phao khá đắt - hơn 600 ngàn đồng, nhưng tôi tin rất nhiều đồng bào sẽ chia sẻ với tôi rằng - không có thứ gì có thể so sánh với sinh mạng con người!”. Đầu năm 2019, Hội sẽ cùng với Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, BĐBP tỉnh chọn ra các chủ tàu được phân bổ áo phao, vận động chủ tàu trang bị áo phao cho thuyền viên.
AN PHƯƠNG