Những nhà khoa học “chân đất”
Từ thực tiễn sản xuất, nhiều nông dân Bình Ðịnh đã tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật sáng tạo ra các sản phẩm máy móc ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả.
MEN VI SINH NUÔI CHÌNH
Trang trại nuôi chình thương phẩm của ông Võ Tuấn Tú nằm bên đầm Châu Trúc - Phù Mỹ. Sau vài chén trà nóng, người nông dân gốc Gò Bồi (Tuy Phước) bắt đầu câu chuyện về nghề nuôi chình của mình: “Tôi có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi chình, mỗi lần xử lý môi trường ao nuôi là phải dùng hóa chất nên chình bỏ ăn, chậm phát triển… khiến tôi luôn trăn trở, suy nghĩ. 5 năm trước, tôi có dịp gặp một kỹ sư nông nghiệp ở miền Bắc giới thiệu về men vi sinh. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng và nghiên cứu thành công loại men vi sinh từ các nguyên liệu như mật, đường, cám gạo… dùng để xử lý nước trong ao nuôi”.
Ông Võ Tuấn Tú kiểm tra chình nuôi.
Với sáng tạo này, ông Tú đã được Hội Nông dân tỉnh trao giải nhì tại Hội thi “Sáng tạo nhà nông” năm 2017 và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”.
Đưa chúng tôi tham quan trang trại, ông Tú trải lòng: “Tôi đã từng nhiều lần nếm mùi thất bại, nợ nần chồng chất với nghề nuôi chình, nhưng tôi không nản chí mà vẫn kiên trì theo đuổi mới có thành quả như ngày hôm nay”.
Hiện nay, mỗi năm cơ sở của ông Tú xuất bán trên 10 tấn chình thương phẩm và chình giống cho thị trường cả nước với giá bán 500 ngàn đồng/kg chình thương phẩm, 1 triệu đồng/kg chình giống, trừ chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng/năm. Trang trại nuôi chình của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
MÁY TÁCH HẠT BẮP CẢI TIẾN
Dù chỉ học hết lớp 8 và làm nghề sửa xe máy nhưng ông Lê Văn Thành đã nghiên cứu cải tiến nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất có hiệu quả. Năm 2017, ông chế tạo máy tách hạt bắp cải tiến, được nông dân trong và ngoài tỉnh biết đến.
Ông Lê Văn Thành giới thiệu máy tách hạt bắp.
Ông Thành cho biết, trước đây cứ đến mùa thu hoạch bắp, bà con trong xã phải chờ nhau gom cho đủ số lượng rồi góp tiền mới thuê máy về làm. Nhiều lúc tách không kịp thời, hạt bắp nảy mầm dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế. Tôi đã tìm tòi, nghiên cứu chế tạo máy tách hạt bắp cải tiến, có cấu tạo gọn nhẹ, dễ di chuyển trên địa hình đồi núi, nương rẫy. Máy tách được 2,2 - 2,5 tấn hạt bắp/giờ mà chỉ tốn 1 lít dầu diesel, năng suất cao gấp 10 lần so với tách bắp thủ công. “Đến nay, tôi đã sản xuất và bán được 4 chiếc máy với giá 15 triệu đồng/máy”, ông Thành cho biết.
Ngoài máy tách hạt bắp, ông Thành còn sáng chế nhiều loại máy, như: máy làm đất đa năng, máy xắt rau, máy bơm nước chạy bằng xăng… được nông dân tin dùng. Những sáng chế của ông đã đạt các giải cao trong Hội thi “Sáng tạo nhà nông” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức hàng năm.
MÁY TUỐT TIÊU
Không bằng lòng cảnh tuốt hạt tiêu bằng tay, mất nhiều thời gian và công sức, ông Trương Văn Cọt luôn suy nghĩ làm sao để sáng chế ra chiếc máy tuốt tiêu giúp giảm sức lao động, tăng năng suất. Sau hơn 2 năm miệt mài nghiên cứu, làm đi làm lại nhiều lần, đến năm 2015 chiếc máy tuốt tiêu do ông chế tạo chính thức được vận hành.
Ông Trương Văn Cọt với chiếc máy tuốt tiêu.
Máy có kích thước nhỏ gọn, hoạt động rất đơn giản: các chùm tiêu được đưa vào máng chứa, bộ phận tuốt hoạt động sẽ tách hạt tiêu ra khỏi chùm và rơi xuống máng lọc, quạt gió sẽ thổi làm sạch hạt tiêu khi ra khỏi máng sàng. Với sáng tạo này, ông Cọt vinh dự nhận giải nhất tại Hội thi “Sáng tạo nhà nông” năm 2017 do Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng Sở KH&CN tỉnh tổ chức.
Ông Cọt cho biết: “Trước đây, để tuốt được 1 tấn hạt tiêu, phải mất 10 lao động làm cả ngày, nay chỉ cần 1 người điều khiển máy 1 giờ là xong. Hơn nữa, tiêu tươi vừa hái xong có thể đưa vào máy để tuốt, không cần phải phơi héo rồi mới đưa vào tuốt như khi sử dụng máy quay tay trước đây, nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo tỉ lệ sạch cuống 95%. 2 năm qua, tôi đã chế tạo và bán được 20 chiếc máy tuốt hạt tiêu cải tiến với giá 5,8 - 6 triệu đồng/máy”.
NGỌC NHUẬN