10 điểm đến Bình Ðịnh
Bình Ðịnh được xem như một Việt Nam “thu nhỏ”, có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kỳ vỹ, đầy đủ địa hình đồng bằng, miền núi, miền biển, cùng núi rừng, sông suối, đầm, hồ, biển cả với hàng trăm điểm đến hấp dẫn. Xin giới thiệu top 10 điểm đến du lịch đặc sắc, tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
1. BÃI BIỂN QUY NHƠN
Nằm trong lòng TP Quy Nhơn, bãi biển uốn cong như một vầng trăng khuyết với bãi cát vàng thoai thoải trải dài trên 5 km từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng Tiên Sa. Ở đây, bãi tắm rộng và sạch đẹp, nước biển trong xanh, rất lý tưởng cho du khách đến tắm biển, thư giãn và nghỉ ngơi ở những khách sạn cao cấp bên bờ biển.
2. BẢO TÀNG QUANG TRUNG VÀ ĐỀN THỜ TÂY SƠN TAM KIỆT
Tọa lạc tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, cách TP Quy Nhơn khoảng 40 km, đây là khu di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn liền với tên tuổi của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, tiêu biểu là người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Bảo tàng Quang Trung được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia và khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
3. CHÙA THẬP THÁP
Chùa nằm cách TP Quy Nhơn khoảng 28 km về hướng Tây Bắc, ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn, là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở miền Trung. Chùa được xây dựng vào năm 1665, chất liệu xây chùa tương truyền dùng gạch của 10 ngọn tháp cổ Chămpa. Chùa được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch Thập Tháp Di Đà tự. Đặc biệt, ngày nay chùa còn lưu giữ 2.000 bản khắc gỗ kinh Phật. Chùa Thập Tháp được xem là bộ sử bằng di tích thể hiện quá trình phát triển của Phật giáo Đàng Trong.
Ảnh: HOÀNG TUẤN
4. ĐÀN TẾ TRỜI ĐẤT
Nằm trên địa bàn thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, cách TP Quy Nhơn khoảng 55 km về hướng Tây Bắc và cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 10 km, Đàn tế Trời Đất được xây dựng trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn. Tương truyền, vùng non nước cẩm tú linh thiêng Ấn Sơn cũng là nơi trời đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ trước khi khởi binh dựng nghiệp, đánh thắng thù trong giặc ngoài.
Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
5. HÒN KHÔ
Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho làng chài Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), chỉ cách bờ khoảng vài phút di chuyển bằng ca nô. Bãi tắm ở Hòn Khô vẫn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc. Không chỉ sở hữu bờ cát trắng và làn nước biển xanh trong, đảo còn được bao bọc bởi rạn san hô muôn màu. Hòn Khô là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích bơi lặn biển, ngắm san hô, thử sức chinh phục đỉnh núi đá cheo leo hoặc phơi mình trên bãi cát vàng óng, và cả những món hải sản tươi ngon.
6. EO GIÓ - NƠI NGẮM HOÀNG HÔN ĐẸP NHẤT VIỆT NAM
Thuộc xã bán đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), cách thành phố khoảng 20 km, Eo Gió là một eo biển xanh ngắt với những núi đá cao uốn cong như một vòng tay ôm trọn, tạo thành một eo biển hút gió. Sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời dành cho những ai đam mê cung đường đầy nắng, gió và kiến tạo kỳ vĩ của thiên nhiên.
Chiều muộn mùa hè, cả trời, biển, núi đá rực lên một màu đỏ lung linh, huyễn hoặc, say đắm lòng người, nên Eo Gió được “vinh danh” nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam.
7. KỲ CO - THIÊN ĐƯỜNG BIỂN ĐẢO
Cũng thuộc xã Nhơn Lý, cách TP Quy Nhơn trên 25 km, bãi biển Kỳ Co mang vẻ đẹp nguyên sơ đầy quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng cùng những vách đá tuyệt đẹp vừa nên thơ vừa hùng vĩ, tựa như một bức tranh. Nơi được mệnh danh là “Maldiver của Việt Nam” này là điểm chụp ảnh lý tưởng cho những ai yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh.
8. DANH THẮNG GHỀNH RÁNG
Nằm sát trung tâm TP Quy Nhơn, danh thắng Ghềnh Ráng toát lên vẻ đẹp từ sự hòa quyện tuyệt vời giữa một bên là biển trời mênh mông với một bên là núi đá muôn hình vạn trạng. Ghềnh Ráng như một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên xếp bày.
Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Trong quần thể khu du lịch này còn có bãi tắm Hoàng Hậu, nơi Nam Phương Hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) từng tắm mỗi khi đến Quy Nhơn.
9. THÁP BÁNH ÍT
Được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, tọa lạc tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa hai nhánh sông Côn, gần cầu Bà Gi, bên cạnh QL 1A, cách TP Quy Nhơn khoảng 20 km. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên có tên gọi là tháp Bánh Ít. Tháp còn có tên là Tháp Bạc. Mỗi tháp ở đây đều có kiến trúc riêng biệt, sắc thái khác nhau. Trong toàn bộ di tích tháp Chăm còn lại ở Việt Nam, Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp này đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.
10. TIỂU CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG
Đó là một tu viện trầm mặc, cổ kính nằm êm đềm dưới những tàng cây sao xanh, gần cửa Phú Hòa đổ ra đầm Thị Nại. Nơi đây không chỉ là một trong những trung tâm truyền giáo đầu tiên ở miền Trung mà cũng là nơi góp công rất lớn cho việc quảng bá chữ Quốc ngữ thuở ban đầu. Tiểu chủng viện Làng Sông (ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) là điểm du lịch đầy thú vị cho những du khách muốn khám phá, tìm hiểu về một công trình kiến trúc cổ kính, độc đáo…
Bài: NGUYÊN VŨ
Ảnh: HOA KHÁ