TS NGUYỄN CHÍ HIẾU - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH TỔ CHỨC GIÁO DỤC IEG (INNOVATIVE EDUCATION GROUP):
Giáo dục chân chính là đặt học sinh trong tâm
Năm 2018, TS Nguyễn Chí Hiếu đã gặt hái được khá nhiều thành công: Ðại diện duy nhất của Việt Nam cùng 22 chuyên gia trên khắp thế giới nhận học bổng Eisenhower Fellowship và tham dự chương trình Innovation Program 2018 diễn ra tại Mỹ từ 29.9 đến 20.11; xuất bản 2 cuốn tự truyện “Nghiện giấc mơ - bơ lối mòn”, “Làm như lửa - yêu như đất”...
Trên cả những thành công đó, chúng ta bắt gặp một người trẻ luôn đam mê, đau đáu với giáo dục cùng triết lý “Giáo dục chân chính là thật sự đặt học sinh trong tâm”.
TS Nguyễn Chí Hiếu SN 1984, tại Quy Nhơn; hiện là Giám đốc điều hành tại Tổ chức Giáo dục IEG (Innovative Education Group) - một tổ chức chuyên xây dựng các dự án giáo dục, tư vấn tổng thể cho các trường phổ thông về xây dựng mô hình trường học, chương trình học, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và lãnh đạo nhà trường; xuất bản giáo trình và ấn phẩm giáo dục, các bài thi đánh giá năng lực quốc tế...
TS Nguyễn Chí Hiếu lấy bằng tiến sĩ kinh tế ở ĐH Stanford (Mỹ); thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Oxford (Anh); từng làm việc tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
ĐƯA TƯ DUY GIÁO DỤC VIỆT NAM BẮT KỊP THẾ GIỚI
* Hơn 5 năm trước, anh - một tiến sĩ kinh tế - đã từ chối những cơ hội phát triển nghề nghiệp với mức lương hàng chục ngàn USD ở nước ngoài để về Việt Nam làm giáo dục. Anh có thể cho biết lý do của việc này?
- Đã mất rất nhiều năm để tôi nhận ra đam mê trong công việc của mình chính là được theo đuổi lĩnh vực giáo dục tại quê nhà. Bằng cách này hay cách khác, những gì tôi làm đều muốn góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho giáo dục Việt Nam. Đó chính là kim chỉ nam của tôi trong mỗi việc mình làm. Vì vậy, dù là viết sách hay tham gia chương trình Eisenhower Fellowship trong năm nay hay là cả những việc khác về sau, đều phục vụ cho mục tiêu quan trọng đó.
* Trong sự băn khoăn về nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay, anh đã làm gì để góp phần thay đổi?
Học bổng Eisenhower Fellowship (EF) dành cho những lãnh đạo trẻ với các ý tưởng, dự án mang tính cộng đồng, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Học bổng EF kết nối các học giả với các chuyên gia đầu ngành, các tổ chức tiên phong, các công ty hàng đầu để giúp xây dựng ý tưởng và tạo cầu nối hợp tác, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dự án và nâng tầm ảnh hưởng của dự án đến các cộng đồng.
- Với tôi, điều quan trọng nhất trong cải cách giáo dục chính là thay đổi tư duy giáo dục của những người làm giáo dục (không chỉ là các cơ quan nhà nước, mà là nhà trường, thầy cô, phụ huynh và cả xã hội). Trong quan điểm của thế giới và xã hội, giáo dục là một trong những ngành quan trọng nhất, thế nhưng vì nhiều lý do, khách quan cũng như chủ quan, đó cũng là một trong những ngành sáng tạo... chậm hơn so với nhiều ngành khác.
Ở các nước tiên tiến đã vậy, ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chính vì vậy, mục tiêu của tôi là làm sao để giúp đưa tư duy giáo dục của phần lớn cộng đồng ở Việt Nam bắt kịp với xu hướng sáng tạo và đổi mới ở các nước tiên tiến.
Vì lẽ đó, khi tham gia những chương trình như Eisenhower Fellowship, tôi chủ động tiếp cận những nhà cải cách giáo dục, những nhà nghiên cứu tiên phong, những mô hình trường học đổi mới, và những sản phẩm, công nghệ giáo dục đột phá… để có thể học hỏi và kết nối, tự nâng hiểu biết và tư duy giáo dục của chính mình, để không bị “cũ kỹ” trong quan điểm, nhận thức và cách làm giáo dục.
* 10 năm “dấn thân” vào giáo dục, anh có cho rằng mình đã thành công?
- Định nghĩa thành công của mỗi người mỗi khác. Với tôi, thành công chỉ đơn giản là có thể kiên trì theo đuổi đam mê, và nhìn thấy công việc mà mình đam mê tạo ra những giá trị tích cực cho người khác, cho cộng đồng và xã hội.
Tôi thấy mình thành công, và quan trọng là hạnh phúc, khi những trường học tôi giúp tư vấn có những thay đổi nhất định, dẫu khiêm tốn nhưng tích cực, trong cách xây dựng chương trình, đào tạo giáo viên và định hướng cho học sinh. Tôi nghĩ khó có công việc nào đem lại cho tôi sự kết hợp hài hòa như thế.
TS Nguyễn Chí Hiếu nhận giấy chứng nhận trong Lễ tổng kết của chương trình Eisenhower Fellowship (Philadelphia, Mỹ).
“GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH LÀ THẬT SỰ ĐẶT HỌC SINH TRONG TÂM”
* Trong lời kết cuốn sách “Làm như lửa - yêu như đất” anh đã viết: “Hy vọng là tất cả những gì tôi có và cần để tiếp tục bước đi trên con đường mưa, kiếm tìm và rồi trọn vẹn với một ĐAM MÊ lung linh, ấm áp như lửa và một TÌNH YÊU bình dị, vững bền như đất. Để mỗi ngày, tôi được làm như Lửa và yêu như Đất...”. Anh gởi gắm điều gì ở đó?
- Viết sách chính là một trong những phương tiện để đưa những điều mới mẻ đó lan tỏa đến nhiều đối tượng hơn. Sách tôi viết không chỉ đơn thuần là những câu chuyện cá nhân dùng để khoe thành tích hay đánh bóng tên tuổi. Trong từng mẩu chuyện, tôi đều tìm cách lồng ghép vào đó những triết lý và tư tưởng giáo dục, những phương pháp dạy - học. Tôi biến những thứ hàn lâm, khó tiếp cận với phần lớn người đọc thành những điều đơn giản, gần gũi hơn để những tư tưởng và phương pháp đó nhẹ nhàng thấm vào trong tư duy của người đọc, để chính họ thay đổi.
* Điều gì khiến anh trăn trở?
- Phần lớn những người làm giáo dục đều chỉ chăm chăm vào những mục tiêu ngắn hạn, nhỏ vụn trong khi giáo dục chân chính nên có cái nhìn dài hơn và đi vào chiều sâu hơn. Vội vàng và hời hợt trong giáo dục sẽ khó tạo ra những học sinh thật sự có chất và có chiều sâu.
* Còn những dự định và mục tiêu tiếp theo của anh?
- Tôi vẫn theo đuổi công việc tư vấn cho các trường học để đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, quản lý chất lượng; đào tạo giáo viên, dạy học sinh và tiếp tục viết sách, tìm kiếm cơ hội phát triển kiến thức cho bản thân cũng như để kết nối các tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế với Việt Nam… Một trong những dự án sắp tới là xây dựng được một nguồn thông tin dữ liệu mở về các xu hướng, chương trình, phương pháp, tư duy giáo dục tiên tiến và đột phá.
Đó cũng chính là “sứ mệnh” của một học giả chương trình Eisenhower Fellowship - tạo ra những ảnh hưởng đột phá cho lĩnh vực và đam mê mình đang theo đuổi. Và đó cũng chính là “sứ mệnh” trong công việc của tôi.
* Cám ơn anh. Chúc anh tiếp tục thành công và hạnh phúc!
QUỲNH HOA (Thực hiện)