TS. NGUYỄN HỮU LỆ - CHỦ TỊCH CÔNG TY TMA SOLUTION:
“Tôi muốn cả thế giới biết đến Việt Nam”
Cuối tháng 8.2018, Công viên Sáng tạo TMA Bình Ðịnh do “sếu đầu đàn” về lĩnh vực công nghệ phần mềm của Việt Nam - Công ty TNHH TMA Solution, đặt viên đá đầu tiên tại khu Ðô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa. TS Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Hội đồng quản trị TMA Solution, khẳng định công trình được xây dựng trên niềm tin “phát triển quê hương bằng công nghệ” của một người con Bình Ðịnh và khát vọng muốn cả thế giới biết đến Việt Nam.
Công viên Sáng tạo TMA Bình Định (TMA Innovation Park) được đầu tư trên khuôn viên rộng hơn 10 ha, dự kiến có 3.000 kỹ sư làm việc khi đi vào hoạt động. Đây là chi nhánh đầu tiên được DN phần mềm hàng đầu Việt Nam này mở ngoài TP Hồ Chí Minh.
"Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn đang hình thành, và với những cơ hội từ TMA, từ các DN lĩnh vực công nghệ thông tin đang và sẽ về Bình Ðịnh đầu tư, các bạn trẻ có rất nhiều cơ hội việc làm tại địa phương. Với sự thông minh và ý chí quyết tâm của con người miền Trung, con người Bình Ðịnh, các bạn sẽ thành công trong nền kinh tế tri thức”.
TS NGUYỄN HỮU LỆ
THIÊN THỜI - ĐỊA LỢI - NHÂN HÒA
Ở thư viện TMA, một bức tranh làng quê Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) - quê hương của TS Nguyễn Hữu Lệ, được treo ở nơi trang trọng. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cũng bắt đầu với kỷ niệm về quê hương: “Nhà đông anh chị em, nếu không phấn đấu để đạt được kết quả học tập tốt sẽ bị bắt thôi học, nên tôi luôn cố gắng hết sức để học. Đạt cùng lúc 3 học bổng của Úc, Mỹ, Nhật nhưng tôi chọn đi Úc, theo ngành công nghệ thông tin để viết tiếp giấc mơ của mình. Với tuổi thơ khốn khó, sau này, dù trong bất cứ việc gì, hoàn cảnh nào, tôi quan niệm chỉ cần mình quyết tâm, một lòng muốn thực hiện thì đều làm được”.
* Rời Việt Nam du học tại Úc từ năm 1967, 10 năm sau, ông sang Canada làm việc cho Nortel - tập đoàn viễn thông hàng đầu Bắc Mỹ bấy giờ. Vậy điều gì khiến ông từ bỏ để trở về?
- Suốt những năm tháng làm việc ở nước ngoài, tôi luôn mong muốn về Việt Nam. Cơ duyên đến khi đang làm giám đốc một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Nhật, tôi được mời tham gia một phái đoàn thương mại của Canada về Việt Nam, đó là năm 1992. Chuyến đi này giúp tôi nhận ra rằng, nguồn tài nguyên chất xám của người Việt Nam là rất lớn nhưng chưa được phát huy trong lĩnh vực phần mềm. Sau nhiệm kỳ ở Nhật, tôi tình nguyện làm giám đốc tiếp thị cho Nortel để mở rộng thị trường Việt Nam, đồng thời tìm cách đưa một số dự án từ Nortel về Việt Nam.
Lý do lớn nhất để tôi quyết định trở về Việt Nam là muốn dùng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực công nghệ cao để phát huy năng lực của thế hệ trẻ quê hương.
Từ trái sang: TS Nguyễn Hữu Lệ và vợ, cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc tại thư viện TMA, phía sau là bức tranh về làng quê Mỹ Thọ, Phù Mỹ.
* Ông từng nói rất muốn đầu tư phát triển công nghệ cao tại Bình Định, nhưng còn e ngại về thủ tục hành chính và sự đón nhận của tỉnh về lĩnh vực này?
- Từ lâu, tôi đã mong muốn đầu tư phát triển công nghệ cao tại Bình Định, song cũng không ít e ngại. Nhưng, khi lãnh đạo tỉnh Bình Định, từ anh Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Tỉnh ủy, rồi anh Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh và anh Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm TMA và giới thiệu về định hướng phát triển của tỉnh, tôi đã rất ấn tượng tầm nhìn và tâm huyết của các anh. Và tôi cho rằng, đây là thời điểm hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để làm điều gì đó cho quê hương.
Chúng tôi đã quyết định đầu tư quy mô lớn với dự án Công viên Sáng tạo TMA Bình Định, góp sức cùng tỉnh xây dựng Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn trở thành trung tâm công nghệ cao tại miền Trung.
Thêm một điều đặc biệt quan trọng, tôi rất ngưỡng mộ tâm huyết của vợ chồng GS Trần Thanh Vân về những đóng góp cho nền khoa học Việt Nam và dự án xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành; mong muốn chung tay với GS để hình thành và phát triển Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn.
MUỐN CẢ THẾ GIỚI BIẾT ĐẾN VIỆT NAM
Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Lệ khẳng định, toàn cầu hóa và sự phát triển của ngành công nghệ thông tin đã tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam có thể tham gia vào những ngành công nghệ cao.
* 15 năm liên tục đoạt Huy chương vàng về xuất khẩu phần mềm và được các tổ chức thế giới công nhận, ông có thể nói gì về sự thành công này của TMA?
- Để TMA có được thành công như ngày hôm nay, việc phát huy năng lực của các nhân viên luôn là yếu tố hàng đầu. Nhiệm vụ của tôi là chia sẻ kinh nghiệm làm việc 32 năm ở nước ngoài cho các bạn trẻ để các bạn tự tin và mạnh dạn phát huy. Để có thể phát huy nguồn tài nguyên chất xám rất lớn trong nước, TMA đã hợp tác chặt chẽ với các trường đại học trong các hoạt động đào tạo và thực tập, có các chính sách cạnh tranh để thu hút nhân tài, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, năng động để các bạn trẻ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công ty.
Khi về Việt Nam, điều tôi tâm huyết nhất là làm sao để cả thế giới biết đến Việt Nam là điểm đến tin cậy trong lĩnh vực phần mềm, và tôi đã cố gắng hết sức mình để thực hiện. Đó không chỉ là công sức của riêng tôi, của TMA, mà còn là nỗ lực của các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin và những người cùng trở về như tôi. Ngày nay, các bạn trẻ Việt Nam có cơ hội rất lớn để tham gia chủ động và mạnh mẽ hơn vào sự phát triển của các công nghệ mới khi thế giới chuyển dịch sang nền kinh tế sáng tạo và công nghiệp 4.0.
Phối cảnh một phần Công viên Sáng tạo TMA Bình Định với trung tâm Sáng tạo phần mềm và trung tâm Nghiên cứu.
* Và Công viên Sáng tạo TMA Bình Định sẽ phát huy những thế mạnh nào của người trẻ Bình Định, thưa ông?
- Để phát huy năng lực toán học - thế mạnh của sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, Công viên Sáng tạo TMA tại Bình Định sẽ tập trung vào các công nghệ mới. Dự án bao gồm: Khu sản xuất và xuất khẩu phần mềm, các trung tâm: Đào tạo, Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Ứng dụng IoT.
Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động, Công viên Sáng tạo TMA cần khoảng 3.000 kỹ sư. Bên cạnh thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc tại đây, chúng tôi đặc biệt ưu tiên tiếp nhận sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn và các trường đại học ở khu vực miền Trung. Với cam kết đầu tư phát triển nguồn nhân lực dài hạn, TMA đang xây dựng trung tâm đào tạo quy mô lớn để đào tạo chuyên sâu các công nghệ 4.0, giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận với những công nghệ mới nhất.
* Xin cảm ơn ông!
HOÀNG ANH (Thực hiện)