Trò chuyện với sách...
Tôi may mắn quen biết nhiều người có cùng sở thích đọc sách. Với họ, sách không chỉ chứa đựng thông tin, tri thức mà còn như một người bạn đồng hành thiết thân trong đời sống.
Chàng thanh niên Đoàn Duy Thoại đang làm lại bìa cho một cuốn sách cũ.
Khi kể về sách tôi thường nhớ cảnh chàng thanh niên Đoàn Duy Thoại làm lại bìa cho một cuốn sách cũ. Việc “may áo” cho sách này là một sở thích đặc biệt của anh. Trong căn phòng thuê trọ gần 30 m2, Thoại ưu tiên không gian cho sách với gần vạn quyển đủ thể loại. Anh chia sẻ về sách như đang kể về một người bạn của mình: “Đọc sách, mình vừa có thể học được cách tư duy và dụng ngôn của tác giả đồng thời bổ sung thêm kiến văn về nhiều mảng như lịch sử, văn hóa, triết học và cả mảng tiếp thị - kinh doanh tạo nền tảng cho công việc hằng ngày”.
Công việc của Thoại là hướng dẫn viên du lịch, có rất nhiều vấn đề liên quan đến các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề… cần phải có những tư liệu sách vở mới có thể cung cấp đầy đủ thông tin về niên đại, đặc điểm cũng như giá trị văn hóa của nó. Và, Thoại tìm đến sách để nạp dung liệu cho bản thân. “Mình nuôi ý tưởng sẽ mở một quán cà phê - sách để vừa kinh doanh vừa tạo ra một không gian dành cho những người yêu sách đến thưởng thức cà phê, đọc sách và kết nối với nhau”, Thoại bộc bạch.
Còn đối với họa sĩ Lê Duy Khanh, đọc sách mang đến cho anh nhiều điều thú vị. Có lần anh tâm sự, đọc cũng là một cách “đi” và “trải nghiệm” bằng suy tưởng. Những lần trà dư tửu hậu cùng nhau, thường lúc nào chúng tôi cũng dành một thời lượng nho nhỏ để chia sẻ về sách. Và những khi ấy, một cách từ tốn, anh kể tôi nghe đôi điều về thế giới hoài niệm sách của anh, về những ký ức một thời mà những con người ở thế hệ anh nâng niu: “Đâu chi xa, ngay trước những năm 90 thế kỷ trước, Nhà xuất bản Nghĩa Bình từng phát hành nhiều cuốn sách hay như: Bức họa Maja khỏa thân, Thiên đường ở trên cao, Đèn không hắt bóng, Những ngọn cờ trắng..., có những cuốn, nó khiến mình phải tìm đọc lại lần hai, lần ba”.
“Có những nguồn sáng tri thức chỉ le lói trong một nhóm người, trong một thời đại nào đó và phải chờ đến hàng bao nhiêu thế kỷ sau mới bừng sáng để thúc đẩy nhân loại đi đến tiến bộ, văn minh. Vì thế cần có sách!”, trong một lần trò chuyện, tiến sĩ Châu Minh Hùng, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, tâm sự như thế. Ông còn thẳng thắn nêu lên vấn đề: “Nhiều giảng viên than phiền sinh viên hiện nay lười đọc sách. Tôi phải bật cười, và đặt câu hỏi, chắc gì giảng viên đã chăm đọc sách! Động lực đọc chỉ có được ở người ham học, ham biểu biết. Nhưng sự ham học, ham hiểu biết lại gắn liền với công việc. Một công việc đòi hỏi nỗ lực sáng tạo thì ắt người ta sẽ tìm tòi, khám phá”.
Khi tôi hỏi ông đọc như thế nào cho hiệu quả, ông chia sẻ: “Muốn đọc sách có hiệu quả phải biết phản biện tri thức để sáng tạo, khai phóng tri thức, đọc đến đâu suy tư đến đấy. Đặc biệt là suy tư khi rời sách. Sự suy tư làm cho kiến thức được tiêu hóa và tái tạo thành cái mới, cái tiến bộ”. “Nhưng suy tư bằng cách nào, thưa thầy?”.“Hãy suy tư từ những thứ giản dị trước mắt, trong cuộc sống hàng ngày. Một luận đề trừu tượng được đúc kết trong sách thực chất có cội nguồn từ thực tiễn cụ thể, sống động. Không phải ngẫu nhiên mà các học giả khái quát cây triết học mọc ra từ xác thịt, thậm chí bộ phận sinh dục của con người. Con người đã từng luận ra cả vũ trụ mênh mông từ chính cái tiểu vũ trụ trong cơ thể của mình”… Nói về sách, không chỉ ở người thầy yêu sách, yêu học trò này mà cả những người bạn dẫu chênh nhau khá nhiều về tuổi kia thì cuộc trò chuyện của chúng tôi vẫn thế, như muốn kéo dài mãi...
Tôi bỗng nhớ lại một chuyện xảy ra khá lâu. Ấy là vào một hôm tình cờ cũng một ngày gần cuối năm, tôi thấy hình ảnh một anh xe ôm trong lúc chờ khách lần giở từng trang sách rất an nhiên. Sau này tôi biết rằng người đàn ông ấy trở thành một nhân vật mà nhiều tờ báo khai thác. Thế rồi, hình như anh đọc lặng lẽ hơn. Nhà sách mà người ta thường thấy anh hay lui tới đọc “cọp” cũng dần vắng bóng anh, mà có lần tò mò tôi hỏi người quản lý nhà sách ấy thì được tiết lộ: anh ấy ngại... Dẫu là lý do gì đi nữa, nhưng cứ nhớ đến hình ảnh anh say sưa với sách hôm nào, tôi cứ chắc mẩm rằng anh vẫn còn giữ niềm yêu mến với sách, làm sao mà bỏ được khi mà việc đọc nó đã không đơn thuần là một thói quen nữa…
Ở một chừng mực nào đó, tôi nghĩ sách là một người bạn đặc biệt, dẫu là giới bình dân hay bác học đều có thể tìm đến sách bầu bạn, học hỏi. Sách sẻ chia cùng người đọc một cách thầm lặng, mở ra những chân trời để dang vòng tay đón người đọc cùng bước vào khám phá. Tất cả những điều thú vị từ thế giới của sách, đều đang đợi chờ mỗi chúng ta...
VÂN PHI