Những vườn cây trái ngọt lành
Có không ít loại cây trái vốn dĩ là đặc sản của miệt vườn Tây Nam bộ, nay bén duyên với miền Trung nắng gió. Theo chân các nhà khoa học và những nông dân cần mẫn, vị ngọt và hương phù sa châu thổ đã về với nơi này cùng những mùa hoa trái ngọt lành…
Một vườn bưởi ở Hoài Ân. Ảnh: MINH HẰNG
ĐÃ CÓ NHỮNG… MIỆT VƯỜN
Thật dễ chịu khi dạo quanh vườn cây xanh ngát, trĩu quả của ông Nguyễn Văn Đông, ở xã Ân Tín (Hoài Ân). Chỉ tay về cây bưởi da xanh trước mặt, ông Đông cho biết bưởi da xanh rất ưa đất đai, khí hậu ở đây, cây chừng 3 năm tuổi đã sai quả. Ngoài hơn 20 gốc bưởi đang độ sung sức, khu vườn của ông còn có 100 gốc cam và quýt đường. Chất lượng trái cây ở đây không thua kém trái cây “gốc” miền Tây, được thương lái đến tận nhà vườn đặt hàng.
Ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), ông Nguyễn Tấn Trung được xem là người thành công trong đầu tư phát triển cây bưởi năm roi. Từ một vài cây ban đầu mang lại hiệu quả, đến nay ông Trung đã trồng trên 200 gốc bưởi. “Tôi vừa thu hoạch bán sỉ cho thương lái gần 4 tấn bưởi, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng”, ông Trung thổ lộ. Với cây bưởi, bình quân nông dân có thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/cây/vụ.
Không chỉ bưởi, cây dừa xiêm lùn cũng là chủ đề “hot” trong câu chuyện chuyển đổi giống cây trồng ở Hoài Ân. Dừa xiêm ra quả quanh năm, giá bán tương đối cao, nên nông dân có thu nhập ổn định. Hộ nào có chừng 50 - 100 cây dừa xiêm lùn vào độ cho trái là mỗi năm cầm chắc trong tay từ 30 - 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho hay: Năm 2016, huyện Hoài Ân đã phối hợp với Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả tại 10 xã, trong đó diện tích trồng bưởi 771 ha, dừa xiêm 500 ha, cây bơ 420 ha, các loại cây ăn quả khác 236 ha. Nông dân tham gia được hỗ trợ giống, chi phí chăm sóc, kỹ thuật. Từ cải tạo vườn tạp đến nay có rất nhiều hộ đã đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trồng cây ăn quả để nâng cao giá trị và thu nhập.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Nhơn, dừa xiêm và các loại cây có múi đang phát triển mạnh tại địa phương. Toàn huyện có trên 400 ha dừa xiêm, bưởi da xanh, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc đang cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Hiện đã có 1 doanh nghiệp đầu tư hơn 8 tỉ đồng xây dựng trang trại cây ăn quả với trên 2.000 cây dừa xiêm, bưởi da xanh, bơ sáp, cam, quýt đường…
Đưa chúng tôi dạo quanh vườn dừa xiêm lùn chi chít trái, ông Lê Xuân Bá, ở thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), cho biết, vườn dừa của ông được 4 năm tuổi, có 200 cây; bình quân mỗi tháng ông xuất bán khoảng 600 trái dừa tại gốc với giá 10.000 - 15.000 đồng/trái tùy theo mùa.
Cây dừa xiêm lùn đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hộ bà Huỳnh Thị Phụng, ở thôn Thế Thạnh 2, xã Ân Thạnh (Hoài Ân). Ảnh: TRỌNG LỢI
NÂNG TẦM TRÁI CÂY BÌNH ÐỊNH
Nhận thấy triển vọng kinh tế của dừa xiêm lùn, huyện Hoài Ân đã đưa cây trồng này vào danh mục giống cây trồng chủ lực của địa phương. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết thêm: Huyện đã xây dựng mô hình sản xuất cây dừa xiêm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên diện tích 20 ha với kinh phí hỗ trợ 800 triệu đồng từ Bộ KH&CN. Các hộ tham gia dự án được huyện hỗ trợ cây giống, Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Về lâu dài, huyện sẽ xây dựng dự án phát triển sản xuất cây dừa xiêm theo hướng liên kết chuỗi từ khâu cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, phát triển cây ăn quả là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Sở NN&PTNT đang quy hoạch phát triển cây ăn quả tại một số địa phương; hỗ trợ huyện Hoài Ân lập hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân” trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Sở cũng sẽ tư vấn, hỗ trợ các địa phương thành lập các CLB, các nhóm cùng sở thích trồng cây ăn quả tập trung, đồng bộ theo hướng VietGAP; xây dựng các khu trang trại, nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái; hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Định phù hợp để phát triển cây ăn quả. Các mùa trong năm của Bình Định trái với các tỉnh Nam bộ, thời điểm nông dân thu hoạch trái cây cũng không trùng với các tỉnh phía Nam là một lợi thế đáng kể để tăng tính cạnh tranh, giải quyết đầu ra sản phẩm. Hiện Viện đang hỗ trợ tỉnh quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng thâm canh, tạo ra sản phẩm an toàn; tư vấn cho địa phương xây dựng nhãn hiệu cho một số loại sản phẩm, nhằm nâng tầm trái cây Bình Định.
MINH HẰNG - TRỌNG LỢI