Thuận lòng, hợp sức dựng xây nông thôn mới
Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Bình Ðịnh những năm qua đã làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nông thôn được “kéo” lại gần với thành thị. Ðể có được thành quả trên, chính quyền và nhân dân Bình Ðịnh đã thuận lòng, hợp sức cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn.
Xã nông thôn mới Phước Hưng (Tuy Phước) hôm nay. Ảnh: XUÂN THỨC
Nhìn lại những thành tựu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2016 đến nay mới thấy hết những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Bình Định.
Còn nhớ, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2016, Bình Định đã phải “gánh” đến 5 đợt lũ kinh hoàng, gây thiệt hại rất nặng nề, tổng thiệt hại ước tính 1.695 tỉ đồng.
Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi nổi khắp cả tỉnh
“Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Trước đây, đa số người dân còn mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của nhà nước, nay đã chuyển dần sang chủ động tham gia tích cực, không tiếc công tiếc của đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016 - 2018, riêng nguồn vốn cộng đồng dân cư đóng góp lên đến 653 tỉ đồng. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi nổi khắp cả tỉnh”.
Ông PHAN TRỌNG HỔ, Giám đốc Sở NN&PTNT
Nhắc lại để thấy, sau đợt lũ lịch sử năm ấy, Bình Định gần như tan hoang, nhất là về cơ sở hạ tầng. Ấy vậy mà chỉ sau 3 năm, qua phong trào xây dựng NTM, những vùng quê hồi sinh mạnh mẽ.
Quyết tâm nhưng không nôn nóng chạy theo thành tích, có chậm cũng phải chắc, đặc biệt là phải nâng cao ý thức cộng đồng, là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng NTM ở Bình Định. Có như vậy thì mới có được sự đồng thuận cao nhất giữa người dân với chính quyền, mới mong “rũ bùn đứng dậy”.
Nói về phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2018, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, đã vẽ một bức tranh khái quát: Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được bê tông hoặc nhựa hóa; 96,3% đường trục thôn, xóm bê tông hóa; kiên cố hóa được 66,8% chiều dài kênh mương.
Nhưng xây dựng nông thôn mới đâu chỉ có thế. Tỉnh đã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Lĩnh vực trồng trọt nổi bật với mô hình cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng tiên tiến, với tổng diện tích hàng năm 11.000 ha; liên tục nhiều năm liền duy trì chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Đặc biệt, đến nay Bình Định đã liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình xây dựng thành công chương trình cánh đồng lớn với quy mô 200 ha tại xã Phước Hưng, Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP quy mô trên 20 ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 1.500 tấn tại một số HTXNN trong tỉnh và tổ chức tiêu thụ thường xuyên tại các siêu thị, các chợ đầu mối trong, ngoài tỉnh.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng khởi sắc, hiện Bình Định đã xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất bò thịt chất lượng cao với các giống bò Red Angust, BBB, tiến đến xây dựng thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gà giống chất lượng cao trên phạm vi cả nước và quốc tế với sản lượng 35 triệu con/năm tại 2 công ty Giống gia cầm Minh Dư và Cao Khanh; đồng thời xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ thịt heo giữa tỉnh Bình Định với TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Thực hiện có hiệu quả mô hình vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh heo quy mô toàn huyện Hoài Ân với trên 29.000 hộ gia đình tham gia. 2 “mũi nhọn” kinh tế khác của Bình Định là khai thác thủy sản và lĩnh vực lâm nghiệp cũng ngày càng tăng trưởng.
* * *
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, Bình Định còn chú trọng chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ mới. Một khi vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.
VŨ ÐÌNH THUNG