Sống xanh với “zero waste"
Ðã đến lúc nhiều người nhận ra, thói quen sinh hoạt, tiêu dùng nhanh - tiện đang hủy hoại môi trường sống nhanh hơn. Họ quyết định thay đổi, hướng đến lối sống xanh với xu hướng “zero waste - không rác thải”.
Nhà vườn của gia đình chị Trần Linh Thùy (xã Phước Thuận, Tuy Phước) là nơi nhiều phụ huynh, các trường mầm non đưa học sinh tới tham quan thực tế.
- Trong ảnh: Trường Mầm non Cầu Vồng (TP Quy Nhơn) tổ chức cho trẻ tham quan vườn rau sạch Chân nhân. Ảnh tư liệu của nhà vườn cung cấp
“ZERO WASTE”
“Zero waste - không rác thải” là cụm từ thông dụng nói về việc sống thân thiện với môi trường bằng cách “nói không” với rác thải nguy hại, rác không phân hủy. Xu hướng “zero waste” xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây, bắt đầu từ những cửa hàng kinh doanh cà phê, nước giải khát, thực phẩm sạch...
Ở Quy Nhơn, Day’s (đường Võ Văn Dũng) là một trong số ít những quán cà phê theo xu hướng này. Chủ quán thực hiện “zero waste” bằng cách không dùng các vật dụng từ nhựa tái chế, xốp, và thay thế bằng các vật dụng từ inox, thủy tinh, gốm, sứ, gỗ. Không chỉ vậy, các loại nguyên liệu pha chế nước uống cũng được chọn lựa theo tiêu chí rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tại quán trà sữa Daisutee (đường Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn), chủ quán bắt đầu thay thế ống hút, ly nhựa bằng ống hút inox, ly thủy tinh. Khách mua trà sữa mang đi được khuyến khích mang theo ly, bình thủy tinh bằng việc giảm giá 5.000 đồng/lần mua, nhằm khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen dùng đồ nhựa tiện lợi.
Hay ở tiệm tạp hóa Nhung - chuyên kinh doanh bao bì (đường Trần Quý Cáp, Quy Nhơn), bà chủ Thái Thị Hồng Nhung đã thuyết phục một số khách hàng giảm mua các loại túi nylon, thay vào đó là mua túi vải tái sử dụng nhiều lần, túi đan từ mây, tre, cây lục bình, túi giấy, túi sinh học tự phân hủy. Hai năm nay, bà Nhung đã thuyết phục được một số khách hàng thân quen sử dụng các sản phẩm bao bì “xanh” .
NGƯỢC DÒNG
Kinh doanh theo xu hướng “zero waste” không đơn giản, bởi chi phí đầu tư và vận hành không rẻ. Theo chị Đỗ Thụy Phương Thảo, quản lý quán cà phê Day’s, 1 ống hút bằng inox giá 35.000 đồng, trong khi ống hút nhựa chỉ có 3.000 đồng/bì 30 cái. Ống hút từ vật liệu thân thiện như tre, cỏ bàng… có giá từ 3.000 - 30.000 đồng/cái, khó bảo quản, khó sử dụng, bất tiện cho cả khách và nhân viên quán. Các sản phẩm “zero waste” có giá cao hơn từ 10 -
20%. Tuy vậy, cà phê Day’s may mắn có được sự ủng hộ từ nhiều khách hàng, phần lớn trong đó là những người trẻ.
“Zero waste - không rác thải” là đi ngược với thói quen của số đông, hiển nhiên sẽ hết sức khó khăn. Song, với những người lựa chọn xu hướng này, thước đo của sự thành công không nằm ở lợi nhuận mà là sự lan tỏa trong cộng đồng.
Cộng đồng rau sạch Chân nhân - mô hình canh tác rau an toàn, thân thiện với môi trường - của gia đình chị Trần Linh Thùy (xã Phước Thuận, Tuy Phước) là một ví dụ. Chị Thùy chuyển giao miễn phí kỹ thuật trồng thủy canh phù hợp cho các hộ gia đình. Đến nay, Cộng đồng rau sạch Chân nhân có 6 thành viên ở 6 tỉnh, thành phố. Vườn rau sạch của chị Thùy trở thành địa chỉ lý thú cho nhiều bà mẹ đưa con tới trải nghiệm công việc làm việc làm vườn, chăm sóc rau sạch.
Hoặc như chị Phùng Thị Dung (ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) thuyết phục các bà nội trợ ở khu phố mang giỏ xách, hộp đựng thực phẩm đi chợ. “Do mọi người đã quen thuộc với túi nylon nên quên rằng trước đây các bà, các mẹ chúng ta đều mang giỏ đi chợ. Tôi chỉ muốn mọi người quay về những điều ngày xưa đã có, điều quen thuộc mà thân thiện với môi trường”, chị Dung chia sẻ.
THU DỊU