“Quốc bảo” sâm Ngọc Linh
Người Xê Ðăng xưa gọi sâm Ngọc Linh là "thuốc giấu", chỉ ít người già biết nơi tồn tại của nó. Loài sâm như một ân sủng mà dân Xê Ðăng có được suốt lịch sử cộng sinh, tranh chấp cùng các bộ tộc láng giềng bởi khả năng chữa trị bách bệnh, hỗ trợ tăng lực, nâng cao sức đề kháng, làm tiêu biến mỏi mệt...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng sâm trên núi Ngọc Linh. Ảnh: CTV
Hàng loạt sự kiện diễn ra trong năm 2018 chính thức định vị, tôn vinh loài sâm Ngọc Linh lên chiều kích mới. Đầu tháng 9.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành trọn 3 ngày cho một hội nghị về đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh. Tới Kon Tum, ông lặn lội lên đỉnh Trường Sơn quanh năm mây phủ để rồi giữa bồng bềnh sương khói, nhà lãnh đạo nhiều năm đứng mũi chịu sào ở Quảng Nam, từng trực tiếp phụ trách lĩnh vực nông - lâm nghiệp, vốn không lạ lẫm gì loài “thuốc giấu”, đã hào sảng tuyên bố: “Tôi tặng sâm Ngọc Linh chữ: Quốc bảo của Việt Nam. Quốc bảo gắn liền quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh phải thành nguồn thu ngân sách, công ăn việc làm, ấm no thịnh vượng”.
Tại Bình Định, sâm Ngọc Linh không hẳn là cái tên quá mới…
52 HỢP CHẤT SAPONIN, HƠN HAI LẦN SÂM TRIỀU TIÊN
Sâm Ngọc Linh là phần không thể tách rời lịch sử kháng chiến Bắc Tây Nguyên. Câu chuyện chiến tranh của những bậc lão thành cách mạng như nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Kiên (đã mất) thấp thoáng bóng dáng công trạng loài “thuốc giấu”. Ngay việc rong ruổi tìm sâm giữa mưa bom bão đạn cũng xuất phát từ đòi hỏi bức bách của thực tế chiến trường.
Củ sâm Ngọc Linh tươi có giá từ 60 - 130 triệu đồng mỗi kg.
9 giờ sáng ngày 18.3.1973, ở độ cao 1.800m trên đỉnh Ngọc Linh, nhóm điều tra dược liệu Ban Dân y Khu 5 do dược sĩ Đào Kim Long phụ trách phát hiện cây sâm đầu tiên. Mất nửa buổi thống kê, lấy mẫu, chụp hình, ép tiêu bản, ghi chép tư liệu…, đến 17 giờ cùng ngày, ở vị trí cao hơn, nhóm ông Long như không tin vào mắt mình “khi bên một dòng suối, ba lô chúng tôi đè lên thảm sâm dày đặc, gần như thuần chủng, mọc xanh tốt, nở hoa thơm ngan ngát, ong đến lấy mật vi vu. Chúng tôi đã đặt chân vào trung tâm vùng sâm Ngọc Linh” - người học trò của GS Đỗ Tất Lợi về sau xa xăm hồi tưởng. Đào Kim Long ngày ấy ngoài 30 tuổi, là giảng viên Trường ĐH Dược Hà Nội tăng cường vào Ban Dân y Khu 5. Cuối tháng 5.1973, về tới căn cứ Trà My (Quảng Nam), ông Long cùng cộng sự được chào đón như những người chiến thắng. Bí thư Khu ủy Võ Chí Công, Phó Bí thư Chín Liêm tức tốc sang lán Ban Dân y nghe báo cáo.
Núi Ngọc Linh cao 2.598m. Ngày 16.8.2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận 00049 chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” dùng chung cho sản phẩm sâm củ của Kon Tum và Quảng Nam. Ngày 4.6.2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 787/QÐ-TTg 2017 bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bao gồm sâm Ngọc Linh. Ngày 30.7.2018, tại Quyết định 2465/QÐ-SHTT, Cục Sở hữu trí tuệ bổ sung chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh, theo đó, phạm vi bảo hộ phía Kon Tum là 16.988 ha gồm 7 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (Ðak Glei), Ðak Na, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi (Tu Mơ Rông); Quảng Nam 8.933 ha thuộc 6 xã Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Don, Trà Dơn, Trà Leng (Nam Trà My).
Công cuộc giải mã thành phần hóa học sâm Ngọc Linh, so sánh nó với những loài sâm đặc hữu khác trên thế giới khởi đi từ năm 1973, kéo dài ròng rã suốt mấy mươi năm, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong, ngoài nước. Trước sau, có hơn 50 luận án tiến sĩ ra đời từ sâm Ngọc Linh. Nhiều nghiên cứu giấy trắng mực đen xác nhận chất lượng sâm Ngọc Linh thuộc hàng số 1 thế giới.
Trong hội nghị hồi tháng 9.2018 ở Kon Tum, khi đề cập chính sách đặc thù cho định hướng phát triển loài dược liệu quý, đại diện Bộ Y tế cũng lưu ý: “Có tới 52 loại saponin khi phân lập thành phần hóa học sâm Ngọc Linh, nhiều hơn gấp đôi sâm Triều Tiên. Đây là loại dược liệu quý, đã chứng minh được tác dụng to lớn đối với sức khỏe con người”.
“Tác dụng to lớn” là gì? Xin tóm tắt… danh mục tóm tắt do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hương và TS Nguyễn Thới Nhâm (Trung tâm Sâm và dược liệu TP Hồ Chí Minh) thực hiện: Tăng thể lực, chống nhược sức; kích thích hoạt động não bộ; tác dụng kiểu nội tiết tố sinh dục nam, nữ; tăng tạo hồng cầu và hemoglobin; đặc hiệu với vi khuẩn Streptococci; chống stress, rối loạn giấc ngủ, giải lo âu, trầm cảm; tăng cường chức năng gan, bảo vệ tế bào gan; điều hòa hoạt động tim mạch; phòng chống ung thư…
SỨ MỆNH TỈ ĐÔ
Thăm Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum - doanh nghiệp sở hữu vườn sâm gần 500 ha, lớn nhất Việt Nam- hay phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần trở đi trở lại ý tưởng về sứ mạng mới của sâm Ngọc Linh.
Thử nghiệm đưa sâm Ngọc Linh về Bình Định
Nỗ lực di thực sâm Ngọc Linh về Bình Định được triển khai từ tháng 9.2012 đến năm 2014. Đề tài do Chi cục Kiểm lâm chủ trì, TS Nguyễn Đình Thành (cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội) thực hiện tại An Toàn, An Lão. Tuy nhiên, bước chân khai phá đã không thành. Cả phương pháp nuôi cấy mô và lối gieo ươm bằng hạt đều cho kết quả hết sức ít ỏi. Ngay với vị trí thuận lợi, tỉ lệ cây sống cũng chỉ 12,5%. Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) Phạm Thị Thanh Hương, ưu điểm của sâm Ngọc Linh là điều không cần bàn cãi. Rào cản khiến dược liệu này chưa có cơ hội thay thế nguồn cung đến từ Hàn Quốc, chính là giá cả. “Nó quá đắt để sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận”, bà Hương nói.
Nhìn núi Ngọc Linh như “thánh địa của sâm Việt”, gọi sâm Ngọc Linh là hy vọng mới của đất nước trong lĩnh vực sản xuất dược liệu - thực phẩm chức năng, tiềm tàng khả năng cạnh tranh ngang ngửa với sản phẩm cùng loại của những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, thông điệp đầu tiên ông muốn chuyển đến Kon Tum, Quảng Nam và một số địa phương khác “là niềm tự hào dân tộc khi từ tinh hoa đất mẹ, chúng ta có thể tìm ra những sản phẩm phục vụ sức khỏe con người, được sự tin dùng của quốc tế”.
Tặng sâm Ngọc Linh danh hiệu quốc bảo, ông nhắc, phải đưa “quốc bảo” ra ngoài “tủ kính”, ra khỏi khung cảnh điểm tô muôn hồng ngàn tía để thành quốc kế dân sinh, để người dân có cơ hội sẻ chia nguồn lợi; “đó là tinh thần, tư tưởng của chúng ta”. Ông gợi ý cách tiếp cận đúng với sâm Ngọc Linh, “vừa bảo tồn, vừa phát triển, bảo tồn để phát triển có chiều sâu, đạt giá trị cao hơn”, rồi vạch lộ trình đưa “quốc bảo Việt Nam” đến những chân trời mới: Từ định dạng chiến lược sản phẩm, thúc đẩy tăng trưởng sản lượng, quy mô đến đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm. “Phổ biến không có nghĩa hạ thấp giá trị sâm Ngọc Linh mà nhằm định vị nó vào phân khúc thị trường cao cấp”- ông kỳ vọng “mục tiêu của chúng ta không phải vài chục tỉ đồng sau mỗi phiên chợ mà là tiến tới tỉ dollar giá trị sản xuất, xuất khẩu những thập niên tới”.
Vườn sâm giống của Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Chưa từng có cách tiếp cận hào hứng, đa dạng, nhiều viễn kiến đến thế từ một nhà lãnh đạo đất nước dành cho sâm Ngọc Linh. Thủ tướng Chính phủ đề cập tới hàng loạt khía cạnh, từ bảo vệ nguồn gen thuần chủng, nên hay không nên di thực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tái hiện lịch sử, kết nối du lịch tới cam kết quản lý vĩ mô. Dẫn bài học Hàn Quốc, “nơi nhân sâm được xuất khẩu từ 1.500 năm trước và nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ”, ông nhắc các bộ, ngành hữu quan không nên để địa phương đơn độc loay hoay, xoay trở. “Phải bảo hộ cho được giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường quốc tế cũng như trong nước. Đây là thương hiệu quốc gia chứ không đơn thuần là thương hiệu một sản phẩm thuần túy hay của doanh nghiệp”, Thủ tướng chỉ thị.
Mở rộng trồng sâm Ngọc Linh tại Ngọc Linh
“Vô địch thiên hạ” sâm Ngọc Linh là Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum. Doanh nghiệp sở hữu 470 ha- so với tổng diện tích 65 ha của toàn tỉnh Quảng Nam - hiện quản lý quỹ đất 5.000 ha
thuộc vùng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh. Ðã có nhiều tên tuổi lĩnh vực dược phẩm - thực phẩm chức năng “chạm ngõ” sâm Ngọc Linh. Chỉ riêng các nhà đầu tư Hàn Quốc, có thể kể You Cel, Y.K Vina, Medone Innotech, Kotek Bio… Một nhóm doanh nghiệp trong nước nhận chủ trương đầu tư 6 dự án, quy mô 1.500 tỉ đồng. Vingroup, tập đoàn kinh tế tư nhân số 1 Việt Nam cũng “phải lòng thuốc giấu”. Vin là một trong 2 doanh nghiệp vừa công khai theo đuổi mục tiêu đầu tư trồng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác trên diện tích 5.155 ha với tổng vốn đầu tư 10.500 tỉ đồng.
XUÂN NHÀN