Đào tạo lao động trình độ quốc tế: Kỳ vọng từ lứa đầu
Cuối năm 2019, lứa sinh viên nghề trình độ quốc tế đầu tiên đào tạo theo chương trình do Học viện Chisholm (Australia) chuyển giao cho Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn và Trường CÐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ sẽ tốt nghiệp. Bấy nhiêu thông tin đủ khiến nhiều người đặt kỳ vọng vào họ.
Đến nay, sinh viên của 3 nghề trình độ quốc tế, gồm: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp và Công nghệ sinh học, đã hoàn tất học kỳ thứ 3 chuyên ngành. Họ còn 2 học kỳ nữa, trước khi chính thức tốt nghiệp với 2 bằng Cao đẳng, một do trường đang học cấp và một do Học viện Chisholm cấp.
Chuyên gia nghề Cơ điện tử người Australia trực tiếp trao đổi, hướng dẫn các sinh viên thực hành.
NHIỀU ƯU ĐIỂM
Phục vụ cho chương trình đào tạo chuyển giao, 8 giáo viên thuộc hai nghề Cơ điện tử và Điện tử công nghiệp của Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn và 3 giáo viên nghề Công nghệ sinh học của Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đi học tập tại Australia. Trở về với Chứng chỉ đào tạo và đánh giá IV, Bằng cao đẳng nâng cao về nghề của Australia, các giáo viên này là những người phụ trách đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Học viện Chisholm.
“Thiết kế và cách vận hành phòng thí nghiệm của doanh nghiệp giống đến 90% so với mô hình mà mình đang học tập tại lớp nghề quốc tế. Tôi ghi điểm với nhà tuyển dụng bởi nắm rõ được quy trình vận hành phòng thí nghiệm...”
Anh TRẦN MỸ NGHỆ
(Lớp nghề Công nghệ sinh học,Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ)
Bàn về ưu điểm trong chương trình đào tạo, ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, cho biết: “Sẽ không có việc đậu hay rớt, điểm cao hay điểm thấp mà chỉ có hai mức đánh giá: đạt hay không đạt. Vì vậy, sinh viên sẽ không bị áp lực về điểm số, thi cử mà tập trung rèn luyện kỹ năng, đảm bảo đạt được các chuẩn năng lực đầu ra theo yêu cầu của gói đào tạo”.
Sinh viên Trần Minh Lạc, 24 tuổi, lớp nghề Điện tử công nghiệp quốc tế, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ chia sẻ: “Lịch học khá dày, hầu hết phải học nguyên ngày, khối lượng kiến thức lớn, tài liệu học tập toàn là tiếng Anh, nhưng tôi thấy khá thoải mái bởi mình tập trung rèn luyện, thực hành cho đạt kỹ năng theo yêu cầu chứ không bị áp lực về điểm số. Thêm nữa, cơ hội thực hành của mỗi sinh viên là như nhau khi mỗi người đều có một bộ thiết bị thực hành”.
Để đáp ứng được yêu cầu của Học viện Chisholm, 3 nghề trình độ quốc tế tại Bình Định đã nhận được sự đầu tư mạnh. Trước thềm năm học 2018 - 2019, nghề Cơ điện tử đã hoàn tất việc lắp đặt và vận hành phòng thực hành robot với tổng kinh phí gần 6 tỉ đồng. Phòng thực hành an ninh tòa nhà của nghề Điện tử công nghiệp với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng cũng đưa vào sử dụng. Trong năm học 2018 - 2019, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn tiếp tục được đầu tư thêm 8 tỉ đồng để trang bị cơ sở vật chất cho hai nghề trọng điểm quốc tế Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp.
Sinh viên nghề Cơ điện tử quốc tế tiếp cận với phòng thực hành robot hiện đại.
Trong khi đó, nghề Công nghệ sinh học Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ vừa được đầu tư thêm các máy sắc ký khí, máy sắc ký lỏng cao áp, các máy chuẩn bị mẫu với tổng số tiền khoảng 8 tỉ đồng. Như vậy, từ khi bắt đầu chương trình đào tạo chuyên môn đến nay, tổng nguồn lực đầu tư cho phòng thí nghiệm của nghề Công nghệ sinh học hơn 18 tỉ đồng; được đánh giá đảm bảo 70% điều kiện, thiết bị so với phòng thí nghiệm công nghệ cao ngoài thực tế.
Chương trình đào tạo cùng với các trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với thực tế sản xuất của doanh nghiệp tạo ra thế mạnh, cơ hội cho thế hệ lao động trình độ quốc tế.
Anh Trần Mỹ Nghệ (24 tuổi, lớp nghề Công nghệ sinh học, Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) vừa được tuyển dụng vào làm việc tại bộ phận kiểm định chất lượng sản phẩm của một công ty vốn nước ngoài đóng chân trên địa bàn huyện Phù Cát, cho biết: “Thiết kế và cách vận hành phòng thí nghiệm của doanh nghiệp giống đến 90% so với mô hình mà mình đang học tập tại lớp nghề quốc tế. Tôi ghi điểm với nhà tuyển dụng bởi nắm rõ được quy trình vận hành phòng thí nghiệm, cách xử lý khi xảy ra các tình huống cháy nổ. Sau khi vào làm việc, tôi chỉ mất một tuần để làm quen với công việc và được đánh giá cao ở năng lực thực hành, lưu trữ mẫu, quy cách báo cáo khoa học, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế”.
Cơ hội thực hành của sinh viên là như nhau khi mỗi em đều có một bộ thiết bị thực hành.
- Trong ảnh: Sinh viên nghề Điện tử công nghiệp trong các bài tập thực hành.
NHIỀU KỲ VỌNG
Gần 1 năm nữa, sinh viên từ 3 lớp cao đẳng nghề trình độ quốc tế mới tốt nghiệp. Dẫu vậy, ở thời điểm này, nhiều người đã quan tâm đến hướng đi cho lực lượng lao động này sau tốt nghiệp.
Giảng viên nghề Công nghệ sinh học Nguyễn Lê Công Minh (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi đã có thông tin về chương trình học bổng Endeavour dành cho đào tạo nghề tại Australia. Nhiều sinh viên dự định sẽ nộp đơn xin học bổng này để học lên bậc cao đẳng nâng cao. Mặt khác, chúng tôi cũng đã liên hệ với các đơn vị liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học để tìm hiểu nhu cầu lao động của doanh nghiệp nhằm có những gợi ý phù hợp cho sinh viên. Được biết nhu cầu lao động làm việc tại phòng thí nghiệm hiện đại khá lớn. Lao động nghề quốc tế có cơ hội cao hơn bởi thông thạo quy trình làm việc, tiếng Anh tốt”.
Sinh viên nghề Công nghệ sinh học quan sát mẫu vật dưới kính hiển vi.
Sau 1 năm học chuyên ngành, sinh viên Trần Mạnh Đạt (21 tuổi, lớp nghề Cơ điện tử, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn) đã mạnh dạn đặt mục tiêu tìm kiếm cơ hội học lên cao và làm việc ở nước ngoài sau tốt nghiệp. Đạt nói: “Trên nền tảng là chương trình đào tạo quốc tế, năng lực tiếng Anh đạt tiêu chuẩn đầu ra, tôi sẽ nỗ lực rèn luyện và hoàn thiện mình để nắm bắt các cơ hội sau tốt nghiệp”.
Với việc hướng dẫn, giảng dạy tận tình của các giáo viên, cộng với sự giám sát của các chuyên gia Australia, các sinh viên nghề trình độ quốc tế đang nỗ lực hết sức để “về đích” theo đúng chương trình đào tạo. Kết quả của chương trình thí điểm này sẽ được làm căn cứ để triển khai nhân rộng chương trình đào tạo. Trước đó, đầu tháng 9.2018, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội đồng quản trị Học viện Chisholm Stephen Marks, Bộ trưởng đã đề nghị Đại sứ quán Australia và Học viện hỗ trợ đầu ra cho sinh viên của 41 lớp trình độ quốc tế được học tập lên trình độ cao hơn hoặc được làm việc tại Úc. Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ Việt Nam triển khai nhân rộng chương trình đào tạo đối với các chương trình đang thực hiện thí điểm.
NGUYỄN MUỘI