Ðại học Quy Nhơn mở hướng đột phá
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, giảng viên, Trường ÐH Quy Nhơn đang mở hướng đột phá ở lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học thông qua nhiều việc làm cụ thể.
Hàng năm, Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức Ngày hội việc làm giúp sinh viên tiếp cận với các nhà tuyển dụng.
Đào tạo bám sát với nhu cầu thực tế là giải pháp căn cơ mà nhà trường đang và sẽ đẩy mạnh thời gian tới nhằm ngày càng nâng cao tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: Chúng tôi đã thảo luận với Công ty TMA Solutions, Công ty FPT Software, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty CP Vinpearl, Vintech thuộc Tập đoàn Vingoup… ký kết các văn bản hợp tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực với những điều khoản chi tiết. Cụ thể, chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham vấn các chuyên gia của doanh nghiệp và chính họ cũng tham gia trực tiếp trong quá trình đào tạo, đặc biệt đối với các học phần thực hành, và sinh viên được tham gia các công đoạn sản xuất thực tế của doanh nghiệp trong thời gian thực tập. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cam kết sẽ tuyển dụng ứng viên là sinh viên của trường ngay sau khi tốt nghiệp.
Để chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thực tế, Trường ĐH Quy Nhơn đang rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng chương trình, nội dung đào tạo theo chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia; tất cả các chuyên ngành đào tạo thực hiện theo phương thức tín chỉ với cấu trúc chương trình mềm dẻo, có tính liên thông giữa các ngành học, bậc học. Vậy nên, sinh viên được chủ động lập kế hoạch học tập, lựa chọn giảng viên, lựa chọn môn học để tốt nghiệp sớm hoặc học cùng lúc 2 chương trình (tốt nghiệp được cấp 2 bằng đại học chính quy).
“Ngay từ năm thứ 2, sinh viên được tạo cơ hội trải nghiệm thực tế nghề nghiệp tại các doanh nghiệp nhờ nhà trường đã ký kết hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp nhận sinh viên thực tập và đặc biệt là sinh viên có thể bắt đầu học thêm tiếng Nhật để tìm kiếm cơ hội việc làm tại thị trường Nhật Bản sau khi ra trường”, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ cho hay.
Bên cạnh việc trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, việc tạo môi trường và mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên rèn luyện kỹ năng sống và các kỹ năng cần thiết phục vụ hành nghề trong tương lai cũng nằm trong mục tiêu đào tạo mà nhà trường hướng đến.
Tháng 7.2018, Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp với Công ty TMA Solutions tổ chức khóa học hè ngắn hạn với sự tham gia của khá đông sinh viên các khối ngành: Công nghệ thông tin, Toán học, Kỹ thuật và Công nghệ. Nguyễn Thanh Định, sinh viên lớp Điện tử viễn thông K37 ngành Kỹ thuật và Công nghệ, chia sẻ: “Tham dự khóa học, em và các bạn đã biết thêm nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, đồng thời được các chuyên gia gợi ý một số xu hướng mà xã hội đang cần hoặc hướng tới để hình dung về công việc sau khi tốt nghiệp ra trường. Em cho rằng những khóa học như vậy rất bổ ích, nhất là với những sinh viên sắp ra trường”.
Nhờ mở hướng đột phá, năm 2018, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn không chỉ tăng về số lượng mà còn cải thiện đáng kể về chất lượng. Bên cạnh các công trình nghiên cứu chuyên về lý thuyết như Toán học - vốn là thế mạnh của trường, còn có nhiều công trình chất lượng cao ở một số khoa, ngành khác giàu tính ứng dụng như: công nghệ thông tin.
Không dừng lại ở đó, Trường ĐH Quy Nhơn đang mở hướng đột phá hợp tác thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học với các tổ chức, trường đại học trên thế giới. Chẳng hạn, dự án Team (2016 -
2019, trị giá 400 ngàn EUR) do khoa Hóa thực hiện đã thu hút nhiều giáo sư, chuyên gia từ các trường đại học uy tín trên thế giới cộng tác. Bên cạnh đó, trường cũng đã xây dựng thành công dự án MOMA và được tài trợ bởi Quỹ của Ủy ban châu Âu (ERASMUS Plus, 2019 - 2022, 1 triệu EUR) với sự cộng tác với Đại học KU Leuven (Bỉ), Rostock (Đức), Twente (Hà Lan). Chiến lược lâu dài và bền vững hơn, tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các trường đại học uy tín của Bỉ, nhà trường đang triển khai xây dựng dự án IUC (Institutional University Cooperation) thực hiện trong thời gian 10 năm (2021-2031) do tổ chức VLIR tài trợ để nâng cao năng lực đào tạo bậc sau đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế và hợp tác nghiên cứu bậc cao.
NGỌC TÚ