Chuyện làng, chuyện xóm ...
Tôi rời làng xa xóm khi mẹ tôi mất mấy tháng. Nhẩm tính, thế mà đến mùa xuân Kỷ Hợi này đã là năm mươi ba năm có lẻ. Năm ấy, một ngày vào giữa mùa hạ, mặt trời buổi sáng chưa qua khỏi ngọn núi Lau, phía sau làng, từ trên quốc lộ 1, một đoàn lính ngụy với súng đạn đeo kín người, ùn ùn kéo xuống làng tôi. Một ngôi làng nhỏ, chưa đầy trăm hộ, riêng xóm nhà tôi chỉ hơn hai mươi gia đình, chủ yếu là bà con họ hàng thân thích trong dòng họ nội ngoại, sống quần tụ gần nhau, ngăn cách vườn nọ với nhà kia là những bờ dâm bụt, hoặc cây chè răng cưa được cắt tỉa chăm chút mỗi năm một lần vào độ giáp Tết Âm lịch. Mọi người sống cùng nhau hòa thuận và bình yên. Khi chưa đầy mười tuổi, nhà vắng cha, nên mẹ đã dạy tôi biết vài việc đồng áng như tát nước, nhổ cỏ, đắp bờ...
Tờ mờ buổi sáng định mệnh ấy, anh Bốn Minh cạnh nhà, gọi tôi ra đồng tát nước cùng. Mẹ dặn chúng tôi, khi nắng lên thì về, không tham việc, đau ốm không đủ tiền thuốc thang đâu đấy các con. Đó là lời cuối cùng của mẹ dạy tôi... Tiếng súng phía làng vừa dứt, anh Minh cùng tôi bươn bả từ đồng trước chạy về. Cả xóm tôi chìm trong khói, những cột khói đen ngòm che cả mặt trời sớm mai. Hướng nhà tôi, tiếng người lao xao và tiếng khóc xen lẫn tiếng kêu gào của những ai đó, là phụ nữ và trẻ em, họ gọi tên mẹ tôi. Tôi quỵ xuống trước ngõ nhà mình, khi tỉnh lại tôi đang trên giường của nhà một người thân cách làng tôi một con đèo nhỏ. Mọi người nói với tôi là mẹ tôi và một số người nữa đã bị giặc giết, tàn ác hơn thế là sau khi giết, chúng ném mẹ tôi vào nhà và châm lửa thiêu, em trai tôi bị chúng bắn xuyên qua chân, và gần như tất cả nhà cửa của bà con trong xóm tôi đều bị lính ngụy đốt phá sạch. Phía đồng Sau, bò trâu bị chúng xả đạn nằm gục đầy những bờ ruộng, đàn bò của mẹ tôi, chưa kịp thả khỏi chuồng, chúng giết sạch, chặt lấy mỗi con chỉ hai đùi sau cho vào bao bố đem đi.
Quanh chén rượu nhạt về khuya, chợt có một người lớp trên tôi vài tuổi bảo, thằng Hai này hồi đó mới hơn mười tuổi mà khôn lắm. Là chuyện, trước khi bọn lính ngụy vào xóm tôi truy lùng những nhà có người tập kết, nhảy núi, theo cách mạng... để giết, đốt, và cướp mấy ngày, chúng đã bắt mẹ tôi tra tấn dã man ngay giữa xóm, hết đánh đập tàn nhẫn, chúng trói tay mẹ lại và treo lên cây khế trước cổng nhà Hai Thế. Cha của Hai Thế là bạn chiến đấu cùng cha tôi, có lẽ đánh đập và treo mẹ tôi ở cổng nhà ấy cũng là để đe dọa họ. Khi chúng treo mẹ tôi lên cây, bọn trẻ con chúng tôi thương mẹ, van xin trong vô vọng. Chúng dọa giết cho sạch mầm mống cộng sản, tức là bọn trẻ con chúng tôi. Sự khôn của tôi mà mọi người nói đến là, cứ để ý mấy người lính canh mẹ tôi không chú ý, tôi lại ghé vai vào dưới chân mẹ để mẹ đứng lên đôi vai của tôi cho đỡ phần đau đớn của mẹ. Tôi thương mẹ mà nghĩ ra và làm cách ấy, chứ làm sao mẹ nỡ đặt chân lên đôi vai nhỏ của đứa con trai còm nhom của mình. Ngoài bọn trẻ con chúng tôi, không một người lớn nào có thể dám đến gần chỗ chúng treo mẹ. Chúng đánh đập, tra tấn và treo mẹ tôi như thế cho đến hết buổi sáng, mẹ chẳng hé răng khai một lời nào, chúng thả mẹ tôi xuống và đe dọa, sẽ còn quay trở lại bắt nữa, tra nữa mà vẫn không khai báo che giấu cộng sản ở đâu, trong làng còn những ai là cơ sở của cách mạng, thì chúng sẽ giết. Và đúng như vậy, chỉ sau chưa đầy một tuần, chúng quay lại và... mẹ tôi cùng sáu người nữa trong xóm đã bị làn đạn hiểm ác của chúng cướp đi tính mạng.
Làng tôi, một ngôi làng nhỏ, nép mình trong thung lũng được che chắn bởi hai hòn núi Lau sau lưng và núi Cấm trước mặt. Hai cánh đồng lúa hai vụ chừng trên năm chục hec-ta và đất thục, đất gò cũng đủ nuôi sống người của làng. Rồi một ngày kia bỗng dưng xuất hiện các sắc lính bảo an, dân vệ súng đạn kè kè. Từ đó, tiếng súng thỉnh thoảng vang lên ở đâu đó trong làng vào những đêm thanh vắng, và sau những tiếng súng ấy là làng mất đi một vài người, hôm sau người nhà hoặc tìm thấy xác người thân ở đâu đó, hoặc là vĩnh viễn chẳng bao giờ gặp lại người thân sau những lần súng nổ ấy nữa. Mỗi ngày làng lại vắng thêm người, hàng rào ấp chiến lược dựng lên, hầm chông, giao thông hào bao quanh làng, mỗi đêm về cổng làng có lính canh, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Rồi cũng một đêm nọ, người cả làng rần rần kéo đi nhổ sạch, phá sạch, đốt sạch những thứ đó; đàn ông, thanh niên, thanh nữ vào du kích, làng trở thành vùng giải phóng. Và từ đó, như một quy ước, ngày quốc gia, đêm cộng sản, người làng tôi sống trong nơm nớp lo sợ, nhiều gia đình đã lần lượt bỏ làng ra đi.
Và đến tận bây giờ, trong những cuộc rượu nhạt thâu đêm những khi tôi về làng, tôi còn được nghe mọi người bảo, đến cuối năm 1967, thì hai xóm của làng tôi bị Mỹ ngụy san phẳng sau những trận càn quét, bằng pháo bầy, bom rải thảm, kể cả bom từ B52, B57. Những câu chuyện của làng, của xóm quê tôi như chẳng bao giờ dứt trong những lần chúng tôi ngồi lại cùng nhau, chẳng hề có sự phân biệt đã từng cầm súng bên nào, và từ đâu quay về xóm, về làng gầy dựng lại cuộc sống sau ngày hòa bình lập lại. Còn anh Bốn Minh (sau lần cùng tôi tát nước vài năm, thì bị bắt đi lính ngụy) vẫn còn nhớ trong trận đánh bốt ở ga xe lửa năm xưa của cách mạng đã nhận được lời nhắn phải tìm cớ vắng đơn vị trong đêm hôm đó, nếu hôm đó anh không nhận được lời nhắn ấy thì… “biết đâu…”!
Làng, xóm của tôi cho đến bây giờ vẫn chưa thật giàu, nhưng là một trong những làng của địa phương được coi là “hồi sinh” nhanh nhất sau ngày thống nhất đất nước, và giờ là xã đầu tiên của huyện Phù Mỹ được tỉnh Bình Định công nhận là xã nông thôn mới của huyện.
Ấy là xóm Lại Dương, thôn Tú Dương, xã Mỹ Hiệp... ngày xưa gọi là làng vậy!
Đoàn Minh Phụng