Kỳ nhân Lương Lu
Năm 2006, tại Quảng Ngãi, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo về nhà thơ Bích Khê sau mấy mươi năm ông bị khuất lấp bởi đủ các lý do. Trong cuộc hội thảo quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam lần đó, có một đại biểu đặc biệt. Ðó là họa sĩ Lương Lu đến từ huyện miền núi Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Ðịnh. Bài “tham luận” của ông là bức ký họa về chân dung Bích Khê.
THAM LUẬN BẰNG… CHÂN DUNG
Họa sĩ Lương Lu thuộc dạng “kỳ nhân”, gắn với nhiều giai thoại. Chuyện ông được các nhà tổ chức cuộc hội thảo về Bích Khê mời tham dự cũng nằm trong những giai thoại như vậy. Chả là, Ban tổ chức muốn có một tấm hình Bích Khê làm phông nền trên sân khấu mà “phi” Lương Lu, không ai kham nổi. Không phải “đề bài” quá khó với các họa sĩ, song để lột tả được thần sắc của nhà thơ Bích Khê qua mấy nét phác họa, không ai có thể qua được bàn tay tài hoa Lương Lu.
Nghệ nhân Lương Lu. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Năm 1987, tôi rời quân ngũ về công tác tại Sở VHTT Nghĩa Bình thì Lương Lu cũng vừa “lánh nạn” lên vùng rừng Vĩnh Thạnh sau những đổ vỡ không hàn gắn được với tổ ấm của mình ở đất Quy Nhơn. Sở VHTT thời ấy rất “hăng” làm sách các nhà thơ tiền chiến có dây mơ rễ má với đất Bình Định - Quảng Ngãi. Xuất bản được thơ Hàn Mặc Tử rồi, ắt phải làm cho được thơ Bích Khê. Nhà thơ Chế Lan Viên nhận lời viết tựa cho tập thơ Bích Khê sau gần 45 năm (từ 1945) “thất hứa” với bạn. Anh Hà Giao và Nguyễn Thanh Mừng đã lo xong bản thảo. Việc cuối cùng là… cái bìa tập thơ. Ảnh Bích Khê được gia đình ông lưu giữ khá nhiều nhưng những người làm sách thì muốn có một bức ký họa chân dung thi sĩ để làm bìa. Lương Lu được chọn vẽ bìa.
Tôi không nhớ là những người làm sách đã phải xuôi ngược Quy Nhơn - Vĩnh Thạnh bao nhiêu chuyến xe lam để… đòi bìa sách vì Lương Lu sáng hứa trưa đã quên ngay nếu ông đã “chế” vào người vài xị. Cuối cùng rồi chân dung ký họa Bích Khê cũng nằm trên bàn ông Hồng Nhân - Giám đốc Sở VHTT lúc bấy giờ. Bao nhiêu bực bõ về chàng họa sĩ cân nặng ngót… 30 kg này đều tan biến khi nhìn chân dung Bích Khê qua mấy nét vẽ của Lương Lu. Bìa sách cùng bức ký họa để đời ấy đã đưa Lương Lu đến với cuộc hội thảo vô tiền khoáng hậu về bậc tài danh miền núi Ấn - sông Trà Bích Khê như đã nói ở trên.
Chân dung Bích Khê qua ký họa của Lương Lu.
LƯƠNG LU… RƯỢU
Lương Lu là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ rất sớm, song có lẽ không ai còn nhớ ông vẽ được bức tranh nào (trừ nhà văn Cao Duy Thảo, bạn học của ông từ nhỏ) mà chỉ nhớ đến một người luôn lấy chuyện uống rượu làm niềm vui hằng ngày.
Hôm ghé thăm ông trên Vĩnh Thạnh hồi giữa tháng 10.2018, tôi kéo ông ra khỏi mâm… cháo buổi trưa nhưng thấy ông đã lảo đảo rồi. Thế mà khi nhập cuộc tăng hai, chúng tôi là những người “cà lăm” trước ông. Uống rượu say đến quên cả đường về thì nhiều người đã trải nhưng uống mà thành giai thoại ly kỳ như chuyện trinh thám thì chỉ có Lương Lu.
Năm 1987, ông Hồng Nhân, Giám đốc Sở VHTT Nghĩa Bình được đi Liên Xô. Quà ông mang về là những chai rượu voka, mới nghe đã… phê. Hồi đó quá nghèo, toàn uống rượu gạo nên chuyện đãi nhau ly voka đã là điều khó tưởng nổi. Ấy thế mà Lương Lu sở hữu cả một chai voka to tổ chảng!
Hay tin ông Hồng Nhân mang về rất nhiều rượu, lại đang đi công tác Quảng Ngãi, Lương Lu dò la đến “thăm” nhà. Ông bước vào nhà sếp rất “tư cách”, không hề có mùi rượu. Bà Tuyết, vợ ông Hồng Nhân hỏi ngay: “Anh Lu ghé chơi có việc chi không?”. “Có chứ chị. Anh Nhân có hẹn tôi tới lấy “chai rượu Liên Xô” ảnh biếu”. Bà Tuyết vào trong “kho” lấy ra một chai, hỏi: “Phải đây không anh?”. “Đúng rồi!”- vừa khẳng định, Lương Lu vội lấy ngay trên tay gia chủ như thể sợ đổi ý. Ông qua luôn phòng bên - nơi có các chiến hữu đang chờ phi vụ “chôm rượu của sếp”. Họ bắt đầu cuộc vui bên chai voka còn nguyên nhãn mác. Cuộc rượu sắp tàn thì có tiếng ông Hồng Nhân ở nhà bên. Tất cả lặng lẽ giải tán. Chỉ còn mỗi “chủ nhà” Nguyễn Ngọc Trạch - bấy giờ là Trưởng phòng Văn nghệ quần chúng đang thúc thủ bên trong để nghe ngóng tình hình.
Một cuộc đối thoại diễn ra bên nhà giám đốc: “Hôm qua giờ có ai đến nhà không em?”, ông Hồng Nhân vẫn thường hỏi vợ câu đó mỗi khi đi công tác xa về. “Có anh Lu đến lấy chai rượu anh cho ảnh thôi”. Ông Hồng Nhân vốn là bậc “kỳ tài” trong ứng xử, dù chân muốn khuỵu khi nghe “hung tin” từ vợ, song vẫn cố vui: “À, ừ Lu đến hả…”. Dĩ nhiên, hôm sau ông giám đốc đâu có “tha” cho cái tội trấn lột rượu quý ấy! Nhưng với Lương Lu, đến đuổi việc còn chả ngán, sợ gì “kiểm điểm phê bình” kia chứ!
Ông Nam Hà, người tiền nhiệm ông Hồng Nhân ở Sở VHTT cũng từng là “nạn nhân” của Lương Lu, xoay quanh câu chuyện “xin” rượu. Thấy Lương Lu quá nhếch nhác trong chuyện uống rượu, ông Nam Hà bảo: “Lu, mày đến anh mà uống, anh có hũ rượu ngâm thuốc ngon lắm, đừng say xỉn dọc đường mang tiếng văn nghệ sĩ em nhé”. Chỉ chờ có vậy, Lương Lu ngày nào cũng đến “uống rượu thuốc ngon lắm”.
LƯƠNG LU VỚI MẸ
Nhà văn Cao Duy Thảo, bạn đi tập kết cùng Lương Lu, kể: “Mình chưa thấy ai thương mẹ như Lương Lu cả. Nhớ thương mẹ đến mức, vừa tập kết ra Bắc, nó đã… tìm đường về Nam để thăm mẹ rồi!”. Ông Lu xác nhận: “Mình thương mẹ mình nhất trên đời này, vì đến năm 14 tuổi, mình vẫn còn được mẹ cho bú vú… da”.
Ông kể, năm 1954, vô ga Lam Điền, Quảng Ngãi, để đi xe lửa vô Quy Nhơn xuống tàu tập kết. Người đông như hội nhưng thấy mẹ cứ quyến luyến bên cha và anh, Lương Lu tiến đến đề nghị được bú mẹ một miếng lần cuối trước khi lên tàu. Không ngại ngần trước hàng trăm cặp mắt nhìn mình, mẹ ông đã vạch áo lên cho đứa con trai 14 tuổi là Lương Lu “bú một miếng cho đỡ nhớ mẹ”. Lương Lu đã mang hơi ấm từ đôi bầu vú lép của người mẹ lam lũ khó nghèo ấy ra đất Bắc rồi trở về Nam, đi hết cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Ông đã cùng với một người bạn đồng hương, vì nhớ mẹ mà hai thằng bé 14-15 tuổi trốn học, đi lên tận vùng rừng Hòa Bình để “về Nam thăm mẹ”. Hai cậu nhóc đã bị lạc trong rừng, suýt chết đói nếu không có mấy chú bộ đội biên phòng phát hiện chúng “nói giọng miền Nam”. Sau chuyến đi bất thành ấy, Lương Lu đã im lặng suốt hai tháng trời, không nói nửa câu. “Mình chơi thân với nó lắm, lúc nào cũng ở bên nhau, vậy mà nó “nín” đến hai tháng trời, không nói không rằng, vì nhớ mẹ quá”, nhà văn Cao Duy Thảo nhớ lại.
Về phần mình, sau hai năm không thấy cha con ông Lương Lu trở lại như cam kết Hiệp định Genève, mẹ ông đã thất thần. Đầu những năm 70, hay tin ông Lương Lu là bác sĩ (chắc nghe nhầm họa sĩ thành bác sĩ), bà đã lặn lội khắp các bệnh viện trên rừng có, vùng tạm chiếm có để tìm con. Nhưng Lu thì vào tận mảnh đất tận cùng của Tổ quốc để chiến đấu như một người lính thực thụ chứ không với tư cách là một họa sĩ đi “thực tế chiến trường”! Năm 1975, ông Lu trở lại quê nhà với hy vọng gặp lại mẹ mình nhưng bà đã mãi mãi ra đi ba năm trước đó.
Dù sắp bước vào tuổi 80 rồi mà khi nghe tôi gợi chuyện cũ liên quan đến mẹ mình, ông đã cầm lòng không đậu. Say rượu, Lương Lu cười khan, chỉ có những câu chuyện về mẹ mới lấy được ở ông những giọt nước mắt. Chúng trong veo như giọt rượu đã từng theo ông gần cạn một đời.
TRẦN ĐĂNG