TTYT huyện Vĩnh Thạnh: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, nhưng trong những năm qua, cán bộ, y bác sĩ TTYT huyện Vĩnh Thạnh không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tăng cường nguồn nhân lực
Bác sĩ CKII Hứa Tự Thảo, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên tập trung nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, tích cực đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực. Hiện đơn vị có 33 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa II và 16 bác sĩ chuyên khoa I. Bên cạnh đó, còn có 6 bác sĩ chuyên khoa I, 1 bác sĩ Y học cổ truyền, 1 dược sĩ chuyên khoa I, 4 cử nhân điều dưỡng, xét nghiệm đang được đào tạo tại Đại học Y Huế”.
Thái độ ân cần, tận tụy với người bệnh của y bác sĩ TTYT huyện Vĩnh Thạnh tạo sự an tâm, tin tưởng cho người dân nơi đây.
Có nguồn nhân lực tương đối ổn định, TTYT huyện Vĩnh Thạnh mạnh dạn tham mưu cho Sở Y tế đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho đơn vị, phục vụ nhu cầu của người dân, giảm bớt tình trạng chuyển viện lên tuyến trên. Hiện đơn vị đã được trang bị một số thiết bị như: máy siêu âm màu, X-quang, xét nghiệm huyết học tự động, xét nghiệm nước tiểu, máy gây mê, monitor giám sát phục vụ cho phòng mổ và hồi sức cấp cứu… Cùng với đó, trong năm 2018, một số khoa phòng cũng được xây dựng, sửa chữa. Trong đó, đáng chú ý là việc xây mới khoa Hồi sức cấp cứu, với quy mô 30 giường; sửa sang khu khám và khoa Nội.
Nhờ đó, TTYT huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai được hầu hết các loại phẫu thuật, thủ thuật của bệnh viện hạng 3 và trên 300 loại phẫu thuật, thủ thuật của bệnh viện hạng 1, hạng 2 (đã được Sở Y tế phê duyệt). Thời gian gần đây, với việc áp dụng kỹ thuật nội soi xử lý cầm máu cho bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, nhiều người bệnh trong huyện đã được cấp cứu kịp thời, đỡ tốn kém thời gian, tiền bạc khi chuyển tuyến như trước.
Từ tư duy đột phá
Dạo một vòng quanh khuôn viên TTYT huyện Vĩnh Thạnh và các khoa phòng, mọi người đều dễ dàng nhận thấy sự thoáng đãng, sạch sẽ rất dễ chịu. Ngay cả các khu vực vệ sinh cũng thường xuyên được chăm chút, lau dọn. Điều này có được một phần là nhờ TTYT huyện Vĩnh Thạnh ký hợp đồng với Công ty Vệ sinh công nghiệp, đội ngũ nhân viên vệ sinh của Công ty này làm việc hết sức nghiêm túc (giá trị hợp đồng mỗi năm khoảng 400 triệu đồng). Đó cũng là một điểm mới mà rất ít cơ sở y tế (kể cả khu vực đồng bằng) “dám” làm, còn ở Vĩnh Thạnh đã áp dụng từ hơn 10 năm qua.
Gặp bà Lê Thị Thu (68 tuổi, ở Vĩnh Hảo, Vĩnh Thạnh), đang điều trị tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh, sau khi được điều dưỡng kiểm tra huyết áp, bà Thu cho biết: “Do bị đau nhức đầu, tôi bảo con đưa vào TTYT huyện Vĩnh Thạnh để thăm khám. Trước nay tôi chỉ khám ở trạm y tế xã, lần này bệnh tình có vẻ nặng nên mới phải vào đây. Bác sĩ, điều dưỡng ở đây rất tốt, họ thường xuyên thăm hỏi, dặn dò tận tình nên tôi rất yên tâm, bệnh tình cũng đã đỡ hơn nhiều”.
TTYT huyện Vĩnh Thạnh cũng là cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh sử dụng hệ thống camera để giám sát hoạt động các khoa, phòng và trạm y tế xã. Bác sĩ Hứa Tự Thảo chia sẻ: “Từ một chuyến công tác nước ngoài cách đây hơn chục năm, tôi thấy quản lý qua camera rất hiệu quả. Do đó, ngay khi về đơn vị tôi đề xuất triển khai ngay. Lúc đó, đã có không ít người phản đối, nhưng đã quyết thì tôi làm cho bằng được, không có tiền thì tôi vận động từ nhiều nguồn. Nhờ hệ thống này, công việc ở các khoa phòng, trạm y tế xã được cải thiện nhiều. Lâu dần trở thành nề nếp, thái độ ứng xử với người bệnh cũng nhã nhặn hơn trước, bởi nếu có vấn đề thì tôi kỷ luật ngay. Với những trường hợp cấp cứu thành công những ca khó, tôi sẵn sàng bỏ tiền túi thưởng nóng cho ê kíp trực. Vì vậy, ở đâu thì không biết chứ tại TTYT huyện Vĩnh Thạnh tôi dám chắc không hề có chuyện nhận phong bì của bệnh nhân”.
LÊ CƯỜNG