Ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Thêm động lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần giảm nghèo, phát triển toàn diện chính trị, KT-XH, quốc phòng - an ninh tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc các cơ quan, đơn vị, DN tổ chức kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Trần Quốc Lại, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh xung quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết một số kết quả đã đạt được trong công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, DN với các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)?
- Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10.12.2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII), thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương và các DN trên địa bàn tỉnh ở vùng đồng bằng đã tăng cường, tích cực tổ chức kết nghĩa với các địa phương vùng đồng bào DTTS.
Qua các hoạt động kết nghĩa đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, từng bước đẩy lùi các phong tục tập quán lạc hậu; bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS ổn định và giữ vững. Từ năm 2013 đến năm 2018, có 242 địa phương, đơn vị vùng đồng bằng kết nghĩa với 173 địa phương, đơn vị vùng DTTS; tổng số tiền, quà được hỗ trợ trị giá trên 20,5 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kết nghĩa vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kết nghĩa của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, địa phương, DN chưa được quan tâm đúng mức, chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm khi được phân công kết nghĩa. Hoạt động kết nghĩa chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả chưa cao, việc kết nghĩa ở một số nơi còn hình thức, chủ yếu thăm hỏi tặng quà vào dịp lễ, tết; chưa chú trọng giúp cho nhân dân địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Tình trạng tự tử, tảo hôn, phá rừng trái phép, trẻ em trong độ tuổi bỏ học vẫn còn xảy ra ở vùng DTTS.
* Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TU, việc kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào DTTS trong thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Để phát huy hiệu quả công tác này, ngày 13.9.2018, UBND tỉnh đã có văn bản giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với CA tỉnh và các ngành liên quan rà soát và đề xuất UBND tỉnh xem xét phân công các cơ quan, đơn vị, DN vùng đồng bằng kết nghĩa với các địa phương vùng DTTS, đảm bảo 100% các thôn, làng vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đều được kết nghĩa theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Hoạt động kết nghĩa góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào DTTS.
- Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh trao quà cho người dân làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGUYÊN LINH
Ngày 14.1 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các cơ quan, đơn vị, DN dự kiến kết nghĩa với các thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh giới thiệu, phân công 236 cơ quan, đơn vị, DN kết nghĩa với 119 thôn, làng đồng bào DTTS ở các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát. Hoạt động kết nghĩa nhằm giúp các thôn, làng vùng đồng bào DTTS phát triển KT-XH bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo an ninh quốc phòng; hệ thống chính trị hoạt động có hiệu quả, tăng cường khối đoàn kết dân tộc, tạo niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; đảm bảo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch của tỉnh.
* Để công tác này đạt được kết quả tốt nhất, các cơ quan, đơn vị, DN sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, nội dung cụ thể gì?
- Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến đồng bào DTTS, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực hưởng ứng thi đua thực hiện các cuộc vận động: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa, xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội, phong trào “3 không” về ANTT ở tuyến núi.
Các cơ quan, đơn vị, DN cần hỗ trợ vật chất và tinh thần đi đôi với việc hướng dẫn nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, đưa các tiến bộ KHKT vào việc nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm trên từng đơn vị diện tích canh tác, nhằm giúp nhân dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Các đơn vị kết nghĩa cũng cần nắm bắt và kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, những mâu thuẫn, vấn đề phát sinh, phức tạp trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra khiếu kiện vượt cấp, phát sinh điểm nóng.
Thêm nữa, các đơn vị kết nghĩa cũng phải tham gia củng cố ban quản lý thôn, làng đủ năng lực để lãnh đạo nhân dân tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở cơ sở.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN PHÚC (Thực hiện)