Nghề đan ghế nhựa ở Cát Thắng
Nhờ có nghề đan ghế nhựa, mấy năm nay nhiều lao động ở xã Cát Thắng, huyện Phù Cát có thêm việc làm, thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Thuận ở thôn Long Hậu là một trong những người đầu tiên học được nghề và có công phổ biến nghề ở xã. Nghĩ rằng nếu một mình chồng làm nuôi cả gia đình sẽ rất vất vả, không thể nào vươn lên khá giả nên năm 2013, chị Thuận học nghề đan ghế nhựa ở Công ty Hoàng Gia (Cụm công nghiệp Cát Nhơn) để có việc làm vào những ngày nông nhàn, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Học nghề xong, chị nhận nguyên vật liệu đưa về nhà làm, ban đầu thu nhập khoảng 80.000 đồng/ngày. Thấy việc làm đơn giản, nhiều phụ nữ trong thôn ngỏ ý học nghề. Năm 2015, Hội Phụ nữ xã tổ chức dạy nghề đan nhựa cho phụ nữ trong xã và chị Thuận được mời đứng lớp.
Nghề đan ghế nhựa đã góp phần tạo thêm việc làm cho phụ nữ ở xã Cát Thắng.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Thuận tâm sự: “Dạy xong lại thấy chị em phụ nữ ở quê mình có nhiều thời gian rảnh mà việc thì ít quá, tôi mạnh dạn liên hệ với các công ty sản xuất đồ nhựa, đem sản phẩm về cho chị em làm”.
Nghề đan ghế nhựa khá đơn giản, dễ học, dễ làm. Người nhanh tay 1 ngày có thể làm được 2 - 3 cái ghế. Nếu làm liên tục cũng kiếm thêm khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói nghề đan ghế nhựa đã góp phần tạo thêm việc làm cho người dân Cát Thắng, đặc biệt là phụ nữ. Hiện tại xã Cát Thắng có 7 tổ với gần 200 chị em tham gia làm nghề đan ghế nhựa, thu nhập tương đối khá so với mặt bằng ở quê.
Ghi nhận về hiệu quả của nghề, chị Nguyễn Thị Thứ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cát Thắng, cho biết: “Mức thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng không cao nhưng giúp chị em có nguồn thu nhập cho gia đình, có việc làm ổn định, thời gian làm việc linh hoạt, không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm lo cho gia đình, chăm sóc con cái. Hội sẽ nhân rộng mô hình, mở thêm nhiều điểm vừa tạo việc làm ổn định, giúp chị em tăng thêm thu nhập”.
THẾ HÀ