Chính thức thông xe hầm đường bộ Cù Mông
(BĐ) - Ngày 21.1, tại quảng trường phía Bắc hầm đường bộ Cù Mông (TP Quy Nhơn), Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tổ chức Lễ thông xe toàn tuyến hầm Cù Mông.
Cắt băng thông xe hầm đường bộ Cù Mông.
Đến dự lễ về phía Trung ương có Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Hoàng Văn Trà; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng; về phía tỉnh Phú Yên có đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương...
Dự án hầm đường bộ Cù Mông được khởi công từ ngày 26.9.2015. Sau hơn 3 năm xây dựng, hầm chính thức thông xe đưa vào khai thác, vận hành, về đích trước kế hoạch gần 3 tháng. Đây là 1 trong 4 công trình giao thông trọng điểm quốc gia hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019 (hầm đường bộ Cù Mông, đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cầu Vàm Cống). Hầm đường bộ Cù Mông có tổng chiều dài 6,62 km, trong đó, hầm dài 2,6 km, hệ thống đường dẫn 4,02 km, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng vốn đầu tư 3.921 tỉ đồng (được thực hiện từ nguồn vốn tiết giảm của dự án hầm đường bộ Đèo Cả), theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao).
Xe ô tô lưu thông qua hầm.
Sau khi đưa vào khai thác, sử dụng, thay vì di chuyển trên cung đường đèo đầy nguy hiểm, người dân chỉ mất 6 phút di chuyển qua hầm. Sự kiện thông hầm Cù Mông có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối giao thông liên hoàn, hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông cho các phương tiện khi đi qua đèo Cù Mông. Những lợi ích này không chỉ dành cho người dân Bình Định - Phú Yên mà còn cho cả mạng lưới giao thông trên tuyến QL 1 do việc tăng lưu lượng vận hành xe, vận tải hành khách, tăng mức độ lưu thông hàng hóa.
Tại lễ thông xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư và chính quyền 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên. Đồng thời khẳng định đây là công trình do nhà đầu tư, các nhà thầu trong nước thực hiện, điều đó cho thấy trình độ của các kỹ sư Việt Nam đã trưởng thành nên có khả năng đảm đương thi công các công trình hầm đường bộ có quy mô lớn. Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, việc đưa vào vận hành các hầm đường bộ trải dài qua miền Trung từ Hải Vân, Cổ Mã, Cù Mông, Đèo Cả, sẽ giúp giao thông thông suốt, các phương tiện lưu thông sẽ được an toàn hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên nói riêng và cả khu vực miền Trung nói chung.
Tin, ảnh NGUYỄN HÂN
Sao không thấy nói xe máy có được lưu thông qua hầm này không? Phí thu thế nào?