Check-in: Ẩm thực Bình Ðịnh
Ði du lịch, đi chơi xa, sau đoạn ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm là... ăn! Nói cho văn vẻ là trải nghiệm ẩm thực. Vậy thì đến Quy Nhơn - Bình Ðịnh nên check-in những món gì? Dưới đây là một vài gợi ý của chúng tôi.
* GIÀU NGHÈO MỘT LẼ CÁ CHUA…
Hầu hết du khách đều cảm thấy “sai sai” khi được nhà hàng giới thiệu rằng món cá “chua” nhưng rất “ngọt”. Chưa thấy ai lần đầu ăn cá chua mà không tò mò. Khi khách đưa miếng thịt cá chua đầu tiên vào miệng, đã lập tức nhận ra tên gọi cá rất chi là “mâu thuẫn”, đã thế còn thêm phần thấm tháp “vị đời” khi người chủ mến khách đến hỏi thăm về món ăn và đọc cho nghe câu ca dao: “Giàu nghèo một lẽ cá chua/ Biết đâu thắng, biết đâu thua hỡi người”.
Cá chua hấp
Cá chua có hai loại, loại nuôi trong ao hồ và loại “chính hãng” sinh trưởng ở vùng đầm nước lợ quê hương Phù Cát, Phù Mỹ. Cá chua thường được hấp để cuốn với bánh tráng, hoặc nấu lá giang, nấu mẳn ăn với bún... Cách đây vài tháng, người dân Mỹ An nâng tầm đẳng cấp đặc sản với món cá chua nướng muối ớt. Cá chua nướng muối giúp thịt cá săn chắc hơn, vị ngọt đậm đà và riêng hơn.
* HÍT HÀ VỚI GỎI CÁ MAI
Dân sành ăn, khi đến Quy Nhơn nhất định sẽ nhắc món gỏi cá mai đầu tiên. Nếu bạn chưa quen với Quy Nhơn, hãy cứ hỏi thăm người xe ôm, taxi, họ sẽ đưa bạn đến những hàng gỏi cá mai tuyệt nhất.
Gỏi cá mai
Có hình dáng gần giống với cá cơm nhưng nhờ thịt cá mai dai và có nhiều vị ngọt nên thường được dùng làm gỏi. Không khó để tìm mua một vài ký cá mai ở các khu chợ Quy Nhơn với giá bình dân. Cá tươi mua về đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu đuôi, rút xương để ráo. Sau đó, ướp với hỗn hợp gồm tỏi, ớt, sả giã nhuyễn cùng một ít đường rồi trộn đều. Trước khi ăn, nhất định phải vắt vài miếng chanh và rải một lớp đậu phộng rang lên trên dĩa cá. Có hai loại nước chấm dùng khi ăn gỏi cá mai: phổ biến là nước tương (xì dầu) pha tỏi, ớt, sả; còn cầu kỳ hơn thì nấu xì dầu với quả chuối chín cùng đậu phụng, ớt, sả giã nhuyễn.
Nhúng cái bánh tráng sống, bỏ thêm miếng bánh tráng chín lên, rồi rau sống, bắp chuối, xoài và cá mai, cuốn lại chấm vào chén nước tương thơm lừng. Cắn một miếng, vị ngọt cá mai lan ra trong miệng, có chút the the của sả, ớt làm ấm hẳn người, mùi thơm của các loại rau sống, vị béo, vị thơm của đậu phộng rang quyện chung lại, tạo cảm giác ngon, lạ miệng rất khó quên.
* RÔM RỐP GỎI DA CÁ TRỘN
Cá lấy da làm gỏi là loại cá nhám, da loại cá này giàu dinh dưỡng nên đây là món đặc sản vừa ngon vừa bổ. Da cá có hai màu đen và trắng, vị ngon như nhau. Gỏi này cực kỳ dễ làm. Đầu tiên, chiên giòn da cá trong chảo dầu, da ngấm dầu sẽ phồng to, giòn rụm. Một số đầu bếp tư vấn, nếu gặp miếng da cá dày thì nên rang trong chảo có cát, da sẽ giòn đều và thơm.
Da cá trộn
Da cá bẻ thành miếng nhỏ rồi trộn đều với rau diếp cá, bắp chuối, xoài; sau đó rưới nước mắm ngon pha với ớt, tỏi, đường lên, tiếp tục trộn đều. Lưu ý là món này trộn xong phải ăn liền, nếu để lâu, da cá sẽ không còn giòn, và cũng đừng quên cho hành phi và đậu phộng lên trên để tăng thêm hương vị của món ăn.
Khi ăn, nhớ gắp đủ các món trong dĩa để thưởng thức trọn vẹn hương vị của đặc sản này. Nhai rôm rốp trong miệng, cảm nhận nào vị thơm ngon của da cá thật giòn, mùi thơm của rau diếp cá rất đặc trưng, chút chua chua của xoài hòa với vị chan chát của bắp chuối, mùi nước mắm ngon tô thêm vị đậm đà, rồi nồng nồng mũi với vị tỏi, vị ớt… Tất cả hòa quyện để lại một dư vị rất khó quên.
* ỐC CÔ XÍ
Quy Nhơn được nhiều người hâm mộ không chỉ vì phố biển xinh đẹp, người dân hồn hậu mà còn vì đồ ăn ở Quy Nhơn - đặc biệt là hải sản - đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn hàng đầu “ngon - bổ -
rẻ”. Một nơi bình dân nhưng thường xuyên được các “thổ địa Quy Nhơn” tin tưởng, giới thiệu với bạn phương xa - để chứng minh rằng “lời đồn” kể trên hoàn toàn không phải là thất thiệt - chính là quán Ốc cô Xí (hẻm 40 Đào Duy Từ).
Ốc cô Xí
Gọi là Ốc cô Xí nhưng quán vẫn có nhiều món khác chế biến từ sò điệp, ghẹ, tôm... Nhưng đã đến với quán, nhất định không thể không gọi hai món làm nên tên tuổi của quán là cháo ghẹ và ốc xào sả ớt. Với món ốc xào sả ớt, con ốc được làm sạch sẽ, ăn cùng nước sốt sệt được chế biến theo công thức riêng. Chỉ một dĩa nhỏ đồ ăn mà có cả ba vị mặn ngọt cay hòa quyện vào nhau, thấm đẫm trong từng con ốc dai dai thì làm sao mà không xiêu lòng? Ậy, đã gọi ốc xào sả ớt thì đừng quên kêu thêm vài chiếc bánh tráng để ăn cùng nước sốt nhé. Bánh tráng lên mâm là ra phong vị Bình Định liền á, chụp hình “seo phì” không cần nói, ai cũng biết bạn đang ở đâu.
* THƠM ĐIẾC MŨI VỚI MẮT CÁ NGỪ HẦM THUỐC BẮC
Bạn ở TP Hồ Chí Minh ra thăm từng lắc đầu nguầy nguậy khi nghe tôi giới thiệu món “mắt cá ngừ hầm thuốc Bắc”. Vậy mà chỉ sau một lần ăn thử, bạn chết mê chết mệt vì mùi hương quá cỡ quyến rũ. Nhờ gần 10 loại gia vị cùng một số vị thuốc Bắc, tô mắt cá ngừ hầm thuốc Bắc bạn dùng đã thơm nồng nàn như thế.
Mắt cá ngừ
Cuối tuần rồi, bạn lại về Quy Nhơn và lại rủ đi ăn mắt cá ngừ đại dương. Ngồi hít hà rồi húp lấy húp để tô mắt cá còn bốc khói nghi ngút, bạn tâm tình: Ở xa, thi thoảng lại nhớ da diết các mùi vị của món ăn Bình Định, nhưng chưa thứ gì gây nhớ như mắt cá ngừ hầm thuốc Bắc.
* BÚN TÔM, BÚN RẠM PHÙ MỸ
Bún tôm, bún rạm
Đây là món ăn bình dân của người dân Phù Mỹ. Nhưng giờ đây, nó đã bước vào hàng đặc sản. Bí quyết để tạo nên một tô bún ngon, bắt nguồn từ nguyên liệu đúng chất và thật tươi, nghĩa là tôm và rạm đều bắt từ đầm Châu Trúc của Phù Mỹ khi tờ mờ đất, sau đó chúng lên xe về thành phố để kịp lên mâm bát lúc vào giờ điểm tâm. Cọng bún là cọng bún tươi được ép tại chỗ, khách ăn tới đâu ép bún ra tới đó. Ngồi ăn sáng lại còn được ngắm cảnh bún ra lò, thú vị chứ! Ở Quy Nhơn giờ cũng không khó tìm thấy quán bún tôm rạm bạn nhé.
HOÀI THU - NGỌC TÚ - NHÂN DUYÊN