Room To Read & cùng em đọc sách
Với mục đích đưa sách về cho trẻ em nghèo các vùng nông thôn thông qua kênh xây dựng thư viện thân thiện tại trường học, Dự án Room To Read đã mang “giấc mơ” sách đến gần với trẻ.
TỪ KÝ ỨC SÁCH
Một chiều mùa đông, tôi đến thăm Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vào giờ ra chơi. Ký ức tuổi học trò bỗng trỗi dậy từ hình ảnh các cô bé, cậu bé ngồi dưới tán cây chăm chú vào cuốn sách đang cầm trên tay. Thi thoảng, các cô cậu trò nhỏ ngước lên, mỉm cười, trong ánh mắt trong veo đó là khoảng trời mộng mơ, được dệt nên từ những trang sách.
Để khuyến khích các em đọc sách, nhiều trường xây dựng mô hình thư viện xanh. Ảnh: THẢO KHUY
Thời ấy, trường có thư viện thân thiện, tôi chưa có cơ hội ngồi dưới tán cây xanh đọc sách như các em; lại càng không có những thư viện xinh xắn để thỏa mãn việc đọc… Tôi là một cô học trò nhỏ ở nông thôn, kênh đọc duy nhất tôi được tiếp cận với thế giới sách là những cuốn sách giáo khoa cũ mèm, hay những thông tin vụn vặt trên những bìa sách, vở được bao bằng giấy báo cũ mà ba mẹ tôi tìm xin.
Tôi còn nhớ, thế giới diệu kỳ của tôi mở ra từ một tập sách cũ không đề. Thế giới đó của tôi, cô giáo chủ nhiệm tạm đặt “sách tổng hợp kiến thức địa lý” với những lý giải thú vị về hiện tượng tự nhiên như đêm trắng, hiện tượng núi lửa, động đất… Những cuộc phiêu lưu từ những trang sách đã cho tôi nhiều điều mới mẻ, đưa tôi từ bất ngờ đến thích thú không diễn tả nổi.
Giờ đây, các em may mắn hơn tôi, những lợi ích mà mô hình thư viện thân thiện của Dự án Room To Read đã nắm tay các em, đặc biệt là những em vùng quê như tôi đến với thế giới mới.
ĐẾN THƯ VIỆN THÂN THIỆN
Năm 2013, Dự án Room To Read “cập bến” Bình Định. Trước tiên, 10 trường tiểu học ở hai huyện Tuy Phước và Phù Mỹ được Dự án tài trợ xây dựng thư viện thân thiện. Tiếng lành đồn xa, đến nay hầu như thư viện thân thiện dần lan tỏa khắp các trường trong tỉnh, đem lại những lợi ích không nhỏ cho việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc cho học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn đọc sách trong thư viện thân thiện của Room To Read Ảnh: THẢO KHUY
Với mô hình thư viện thân thiện, các trường đều tổ chức tiết đọc thư viện hàng tuần lôi cuốn, hấp dẫn. Em Nguyễn Thị Ngọc Bích (học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn), hào hứng: “Tiết đọc thư viện hôm nay em sẽ đóng vai cô giáo thủ thư, giới thiệu với các bạn truyện cổ tích “Sơn Tinh - Thủy Tinh", lý giải hiện tượng mưa lũ trong thế giới cổ tích". Thông qua chia sẻ của Bích, tôi hiểu rằng tiết đọc thư viện không đơn thuần để đọc sách, mà cách lồng ghép vào đó những kiến thức bổ ích, dạy cho học sinh cách nhìn nhận thế giới nhiều gam màu, đa chiều hơn.
Tại sao lại là thư viện thân thiện? Lẽ đơn giản, ở đây các em có được không gian thoáng mát, phong cách trình bày ấn tượng, phù hợp với các bạn nhỏ. Trên mỗi kệ sách, các đầu sách trình bày khoa học, sắp xếp linh hoạt phù hợp với lứa tuổi. Giáo viên thủ thư là người giới thiệu đầu sách hấp dẫn, chứ không phải là những cuốn sách nằm im trên kệ đợi chờ học sinh như cách làm xưa cũ. Và trong không gian này có thảm cỏ xanh cho các em ngồi đọc, có chiếc ghế dựa để ngả lưng - đúng kiểu đọc sách thư giãn, thoải mái.
Chia sẻ về điều này, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước Hoàng Ngọc Tố Nương, cho biết từ năm 2013, huyện bắt đầu triển khai mô hình thư viện thân thiện, giáo viên, đặc biệt là cán bộ thủ thư ở các trường được tham gia 4 lớp tập huấn về cách thiết lập mô hình thư viện thân thiện tại trường, tổ chức tiết đọc thư viện, phối hợp với phụ huynh học sinh duy trì bền vững thư viện. Nhờ đó, cán bộ thư viện có nhiều kỹ năng, nâng cao chuyên môn, gần gũi với học sinh, thư viện phát huy nhiều hiệu quả đáng vui mừng.
NUÔI DƯỠNG THÓI QUEN ĐỌC
Không thể phủ nhận rằng, Room To Read mang tới nhiều hiệu quả trong hoạt động dạy và học của mỗi trường. Và điều đặc biệt, các học sinh ở vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận với sách nhiều hơn, nuôi dưỡng thói quen đọc từ bây giờ. Để hấp dẫn học sinh, nhiều trường đã có nhiều cách làm hay trong việc tổ chức sắp xếp thư viện, đầu tư sách… mang thế giới sách đến gần hơn với các em nhỏ.
Cô giáo thủ thư Lê Thị Học (Trường Tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh), cho rằng, muốn học sinh đến với thư viện, tiếp xúc với sách nhiều hơn, giáo viên thủ thư là người truyền cảm hứng đầu tiên. “Hãy kể cho các bạn nhỏ nghe sách hay hôm nay có gì? Hãy nói với bạn nhỏ, thế giới sách diệu kỳ để các em khám phá, lật giở từng trang. Đó là cách mỗi ngày tôi và giáo viên trường đang từng ngày thay đổi để học sinh ở ngôi trường này mến yêu thư viện, yêu sách”, cô Học bộc bạch.
Cuối mỗi buổi chào cờ sáng thứ Hai, cô giáo thủ thư Lương Thị Cẩm Nhung (Trường Tiểu học số 3 Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) dành 5 phút điểm sách, những đầu sách hay trong tuần cho học sinh. So với học trò ở phố, học trò vùng nông thôn ít có điều kiện để mua sách, thư viện ở trường chính là kho sách cho các em. Nói như cô Nhung, niềm vui lớn nhất của một giáo viên thủ thư là thấy được học trò của mình yêu thư viện, yêu sách.
DỊU- KHUY