Những nhà sách trong ký ức
Những năm 1980, khi tôi bắt đầu biết đọc sách, mua sách, thì Quy Nhơn là thị xã. Một thị xã nhỏ, nhiều cây xanh, nhà cửa xập xệ, đa số là nhà cấp 4, ngoài mấy trục đường chính ở trung tâm thì còn lại là đường đất, trên đường chỉ toàn là xe đạp, xe xích lô và xe máy thì rất ít. Nhưng lại có rất nhiều nhà sách. Nhiều hơn bây giờ. Chưa kể có tới 2 cái thư viện: một của thị xã và một của tỉnh.
Thị xã có tới mấy nhà sách quốc doanh: Hiệu sách trung tâm, lớn nhất nằm ở góc Lê Lợi - Phan Bội Châu, sát rạp chiếu phim Lê Lợi (bây giờ là cửa hàng Thế Giới di động). Các hiệu sách “vệ tinh” là: Hiệu sách công viên biển (gần Tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn), hiệu sách nằm trong công viên Quang Trung (bây giờ là Hoa viên Quang Trung). Hai hiệu sách này đều là xây kiểu nhà bát giác, mấy khung cửa mở là những kệ kính trưng bày sách. Một hiệu sách ở bến xe Trung tâm (giờ là công viên gần cây xăng đường Trần Hưng Đạo). Ngoài ra, còn có hiệu sách và trang thiết bị trường học trên đường Nguyễn Thái Học, gần trường Đồng Tiến. Những hiệu sách này là nơi gặp gỡ của dân yêu sách, mê sách Quy Nhơn.
Ngày đó sách truyện rất hiếm hoi, giấy đen xì, chữ in lem nhem, sau có cải thiện dần. Nhưng sách hồi đó được chọn lọc kỹ, dịch và biên tập rất cẩn thận, nhất là sách của nhà xuất bản Văn học, toàn là những tác phẩm văn học kinh điển, in theo từng chủ đề, dòng văn học. Mỗi quyển đều có lời tựa giới thiệu, “review” nội dung do những dịch giả, nhà phê bình văn học viết rất hay.
Mỗi lần ra đầu sách mới là một lần các nhà sách xôn xao. Nhà sách Lê Lợi là nơi sách về nhiều và sớm nhất. Người đến xếp hàng rất đông, do số lượng sách in ra ít. Thế nên các cô đứng quầy bán sách rất được người mê sách o bế, làm quen để được ưu tiên cho mua những quyển sách hiếm. Nhất là sách bộ thì mỗi lần ra chỉ một tập, mua được tập 1 thì phải ráng tập 2, 3 cho tới khi đủ bộ. Những bộ sách “trường thiên” từ 5 - 10 tập/bộ như kiểu Sông Đông êm đềm, Tam Quốc chí, Tây Du ký… hay truyện cổ Nghìn lẻ một đêm, đều là những thử thách tinh thần kiên nhẫn xếp hàng, chờ đợi của người mê sách. Nếu không mua được ở hiệu sách Lê Lợi, chịu khó đi tìm ở các nhà sách nhỏ ở công viên Quang Trung hay ở biển, may mắn cũng có thể tìm được quyển sách mình mong chờ.
Ba tôi nhờ có những mối quen biết, bạn bè trong hệ thống phát hành sách nên ông sưu tầm được nhiều bộ sách hiếm. Tôi đọc hết sách của mình thì thường lấn sân sang tủ sách của ba. Tình yêu văn chương chắc cũng bắt nguồn từ những quyển sách giấy hẩm ấy. Những bộ sách được mua từ thời đó đến giờ vẫn còn được lưu giữ cẩn thận trong tủ sách của gia đình tôi. Nó vừa có giá trị kỷ niệm và cũng vừa có giá trị sử dụng, một số bản dịch văn học tôi đọc lại vẫn thấy hay hơn sách mới in bây giờ.
Bây giờ, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều, Quy Nhơn đã là một thành phố du lịch xinh đẹp và bình yên. Nhưng những nhà sách ngày xưa chỉ còn trong ký ức. Tôi vẫn còn giữ thói quen đi nhà sách, mua sách để đọc, nhưng không gian các nhà sách hiện đại, nhôm kính sáng choang lại không tạo cảm giác thoải mái, nó gần giống như tiệm tạp hóa hơn là nhà sách.
Mỗi lần ra Hà Nội hay vào Sài Gòn, đứng trong các không gian sách ở đó tôi hay ước có ai đó, làm lại cho Quy Nhơn một nhà sách đúng nghĩa, có không gian thu hút, khơi gợi lại tình yêu sách vở của thế hệ mới, khi thế hệ thị dân yêu sách xưa chỉ còn là “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”.
Tố Trân