Sách của tôi, Bạn của tôi
Nằm trên chiếc giường nhỏ kê ở phòng làm việc tại nhà, nơi mỗi khi muốn thư giãn, đọc cái gì đó tôi hay ngả lưng, xuôi hay ngược thì trong tầm nhìn của tôi là hai giá sách nhỏ. Chỉ nhìn vào gáy sách thôi mình đã có thể nhớ lại được hầu hết những gì đã đến với mình khi có cuốn sách đó.
ĐẾN VỚI SÁCH
Một buổi tối năm tôi học lớp 3, anh Bốn tôi đặt vào tay tôi một cuốn sách mỏng và bảo “Đọc đi”. Đó là cuốn Ê đi sơn, của NXB Kim Đồng. Đó là lần đầu tiên mình đọc sách - cầm trên tay, thật sự đọc và nhớ - nghĩ và thấy được khai mở. Đâu chừng hai ba năm gì đó sau tối ấy, một tối nọ, tôi và anh Bốn trò chuyện. Anh Bốn tôi hỏi, đại thể: Cuối cùng em có biết mình đọc sách để làm gì không?
Mình ớ người ra, một lúc sau mình trả lời dè dặt: Em cũng không rõ lắm nhưng khi đọc một quyển sách em thấy mình vui, buồn theo nó. Nhưng khi khép sách lại em thấy vui nhiều hơn buồn, thường thì em cũng nhặt ra từ đó một chút gì đó.
Anh tôi cười cười: Thế cũng là được! Nhưng nhớ đây này, nếu đọc sách chỉ để mua vui thì có nhiều thứ có thể mua vui nhiều hơn. Chơi thể thao chẳng hạn. Nếu đọc sách chỉ để nhớ và kể lại, để trò chuyện bao đồng và được người ta khen là đọc nhiều, nhớ nhiều thì lầm to. Nếu em đến thư viện sẽ thấy người ta tóm tắt sách, lưu trong các phích… Thư viện nhớ tốt hơn mình. Nếu em đọc sách để nhặt ra và bắt chước theo những điều hay lẽ phải cũng là tốt nhưng chưa đủ. Mình phải đọc sách để rèn luyện tư duy, để hiểu nhiều hơn từ cuộc sống. Đọc một cuốn sách là em sống trong một cuộc đời khác. Ví dụ khi em đọc Tâm hồn cao thượng là em sống theo cuộc đời của đứa bé viết nhật ký; khi em đọc Không gia đình là em sống theo cuộc đời của Rê - mi…
Anh tôi nói rất nhiều, say sưa và chả hiểu sao tôi cũng nhớ khá tường tận, kể cả những điều không hiểu. Cuối cùng, trước khi thả cho mình đi ngủ, anh tôi chốt hạ: Lâu nay, anh mua sách cho em đọc. Từ nay, anh sẽ vẫn mua nhưng em cũng tập tự đi mua sách cho mình đọc nhé!
Sau cơn choáng váng vì cái sự “tự mình” này, những ngày sau đó tôi vui mừng mua sách và nắn nót ghi lên đó dòng lưu bút ngày - tháng - năm và ký tên.
MỖI CUỐN SÁCH LÀ MỘT TRANG NHẬT KÝ
Tôi có thể nhớ lại hầu hết những gì đã đến với mình khi có cuốn sách mà trên đó có dấu lưu bút. Này là cuốn Cuộc sống sự nghiệp, tập 8 mà tôi mua năm học lớp 6. Dòng đầu sách tôi ghi “Bãi biển QN sáng mùng 2 Tết”. Đó là năm 1982. Đó là một buổi sáng mùa Xuân tuyệt đẹp. Tôi có tiền mừng tuổi và được toàn quyền sử dụng chứ không bị buộc đem đi bỏ vào hũ bùng binh. Cuốn sách giá 2đ5, hình như bằng 3 hay 5 ly chè má tôi vẫn bán.
Này là cuốn Suối Nguồn tôi được tặng ở Hà Nội. Đó là đêm 22.6.2008, chỉ còn vài ngày nữa là mình rời Hà Nội về Quy Nhơn, kết thúc gần 1 năm học chính trị ở thủ đô. Buổi chiều, mình và người bạn gái ngồi uống cà phê nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Trước khi về học viện, tự nhiên bạn như một cô chị lớn, cầm tay mình dắt đến hàng sách. Hàng sách chuẩn bị đóng cửa. Nhưng bạn là khách quen nên bà chủ đứng chờ bạn chọn sách. Cũng khá lâu vì bạn lấy hẳn một ôm cho mình. Hẳn một ôm nhưng mình nhớ cuốn Suối Nguồn vì lúc đó Suối Nguồn đang gây sốt trong dư luận.
Vậy đó, có cuốn sách của tuổi ấu thơ nhịn thèm nhiều thứ để mua. Có cuốn sách đến với tư cách là một món quà. Có cuốn chiếm một chỗ trên kệ sách vì nó là một trang nhật ký. Lại có những cuốn sách mang dấu ấn của tình bằng hữu.
SÁCH & BÈ BẠN
Tôi nói rất nhiều lần, với rất nhiều người về tiểu thuyết Ba người bạn của Erich Maria Remarque. Tôi mua nó trong một buổi trưa ở Đà Lạt. “Ngày 20.9.1988. Năm thứ nhất”. Để mua bộ sách này, tôi đề nghị người bán sách giữ sách chờ về lấy tiền. Rồi từ khu Hòa Bình, tôi lội bộ quay về trường, xuống nhà ăn tập thể, cắt béng nửa tháng phiếu ăn, quay ra phố. Trước đó tôi chưa bao giờ đọc “Rờ mạc”. Nhưng một người bạn vong niên của tôi ở Quy Nhơn - một nhân viên ở kho sách của Công ty Phát hành sách tỉnh Nghĩa Bình bảo rằng, phải đọc Chiến hữu của “Rờ mạc” mới hiểu được câu ngạn ngữ “chết vì một người bạn dễ hơn tìm một người bạn đáng để mình chết vì họ”. Trước năm 1975, người ta dịch là Chiến hữu.
Người bán sách nghiêm nghị xác nhận với tôi rằng - Ba người bạn đúng là Chiến hữu và bản dịch mới của Vũ Hương Giang thật sự hay hơn! Người đàn ông trung niên, chủ một hàng dụng cụ văn phòng, học phẩm - có bán sách, trân trọng gói và hai tay giao bộ sách cho tôi. Cái cách trịnh trọng giao hàng của ông, khiến tôi hết sức xúc động và nhận nó như thể vừa được tặng chứ không phải là trả tiền để sở hữu.
Mình thả cuốn sách xuống, những gương mặt bạn bè thương mến tự nhiên hiển thị trước mắt mình. Lúc đó mình đã thầm nguyện rằng, ta phải cố sống sao để có được những người bạn, những tình bạn đẹp và cao thượng như thế. Năm đó tôi 18 tuổi, tuổi của những bồng bột, nhiệt huyết, đầy ảo tưởng và lầm lỗi. Cũng như biển cạn non mòn, biết bao điều đã đổi thay, quanh tôi và tự trong bản thân chính tôi. Nhưng ấn tượng và lời nguyện Ba người bạn vẫn vẹn nguyên, tươi rói.
* * *
Ngồi điểm lại chuyện sách, không chỉ một quãng đời thơ ấu của mình, mà cả mênh mông thị xã ngày cũ cứ thế ùn ùn đổ về. Hương thơm của trang sách cũ, tiếng chuyển sách, giọng nói tiếng cười của những người kịp mua được bản sách hay, tiếng tặc lưỡi tiếc rẻ của những người bị hụt… Lần theo những trang sách cũ, ba mươi năm hiển hiện lung linh trước tôi theo từng ký tự đổ đều trên bàn phím.
BÁ PHÙNG