Huỳnh Thị Vân: Duyên nghiệp với trái bóng tròn
Tình cờ đến với bóng đá, tưởng chừng đã nhiều lần “đoạn tuyệt”, nhưng cô gái Huỳnh Thị Vân vẫn không thể dứt hẳn với môn thể thao vua. Sau nhiều vinh quang cùng đồng đội, giờ đây cô còn lập dự án phát triển bóng đá cộng đồng kết hợp dạy ngoại ngữ cho trẻ em ngay tại quê nhà.
VĐV ĐIỀN KINH VÔ ĐỊCH... BÓNG ĐÁ SEA GAMES
Ngay từ nhỏ, Huỳnh Thị Vân đã được người anh dẫn đi đá bóng với đám con trai trong xóm. Có lẽ nhờ vậy mà cô gái sinh năm 1983, quê ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân này trở nên nhanh nhẹn, mạnh mẽ hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Nổi bật trong các hoạt động thể thao ở Trường THCS Ân Tín, Vân được chọn đi thi đấu giải việt dã cấp tỉnh năm 1998. Lọt vào top 5 VĐV về đích đầu tiên, cô được tuyển vào đội năng khiếu điền kinh Bình Định, chuyên về cự ly trung bình.
Huỳnh Thị Vân (bìa phải) hướng dẫn các em nhỏ lớp bóng đá cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh.
Bước ngoặt quan trọng đến với Vân vào đầu năm 2000, khi cô được gọi vào đội tuyển… bóng đá trẻ miền Trung. Chỉ một năm sau Huỳnh Thị Vân được gọi tập trung đội tuyển bóng đá nữ quốc gia, chuẩn bị cho SEA Games 21. Và việc lần đầu tiên giành tấm HCV bóng đá nữ tại SEA Games là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của nữ tuyển thủ trẻ.
Phải trải qua đợt tiểu phẫu do vỡ sụn chêm trong lúc tập, cộng với lời hứa với cha “chỉ chơi bóng một mùa giải duy nhất rồi đi học”, Huỳnh Thị Vân chia tay bóng đá. Tấm HCV giành được ở SEA Games 21 giúp cô được tuyển thẳng vào Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh.
HẾT BÓNG LẠI... BANH!
Tưởng đã yên tâm lo chuyện đèn sách, nhưng biết được “lý lịch thể thao” của cô, Ban huấn luyện đội tuyển bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh lại “nài nỉ” Vân đầu quân. Niềm đam mê được khơi lại, cô xiêu lòng. Nhưng để đảm bảo việc học hành, Vân ra điều kiện với đội: “Giờ tập luyện và thi đấu trùng với giờ học thì phải ưu tiên cho việc lên lớp”. Gắn bó với đội tuyển TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Thị Vân được tham gia giải vô địch quốc gia từ năm 2002 đến 2007, và lại được nếm hương vị chiến thắng, ngất ngây với những chiếc cúp vô địch.
Năm 2007, một lần nữa cô lại khoác áo đội tuyển quốc gia, khi cùng đội tuyển futsal Việt Nam tham gia Đại hội Thể thao trong nhà châu Á (Asian Indoor Games) tại Macau (Trung Quốc). Không giành được huy chương, nhưng thành tích lọt vào đến bán kết ở lần đầu tiên dự giải cũng là một thành công lớn của đội tuyển futsal nữ Việt Nam vào thời điểm đó. Hai năm sau, Vân tiếp tục được chọn tham gia thi đấu ở Asian Indoor Games (tổ chức tại Việt Nam). Đó cũng là lần cuối cùng cô được khoác trên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia. Nghỉ chơi bóng, Vân quay lại trường học để trang bị thêm cho mình tấm bằng thạc sĩ.
LAN TỎA ĐAM MÊ
Bằng kinh nghiệm trên sân bóng và kiến thức đã học, năm 2013, Vân xin vào Học viện Thể thao Sài Gòn (SSA, cũng là nơi hình thành đội bóng rổ Sai Gon Heat), tham gia vào việc tổ chức sự kiện thể thao, hướng dẫn học sinh kỹ năng chơi bóng.
Bắt nhịp được với công việc sau khi đã cải thiện đáng kể vốn tiếng Anh, Vân được đảm nhiệm vai trò giám đốc dự án của Học viện. Điều thuận lợi là khi SSA chuyển hướng tập trung vào nhóm đối tượng học sinh người nước ngoài, cô tiếp quản luôn lớp bóng đá cộng đồng ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), với khoảng 200 em thường xuyên tập luyện.
Hào hứng với bóng đá cộng đồng, cuối năm 2017, Huỳnh Thị Vân về Quy Nhơn khảo sát và quyết định sẽ mở lớp ngay tại quê hương mình. “Đây có thể là một quyết định mạo hiểm, nhưng tự tôi muốn tạo ra thêm những sân chơi cho trẻ em. Chúng tôi dự kiến mở lớp bóng đá, bóng rổ và bơi lội, kết hợp vừa dạy thể thao, vừa dạy ngoại ngữ cho các em. Chúng tôi không kỳ vọng đào tạo ra những VĐV chuyên nghiệp, mà chỉ lấy thể thao làm sân chơi, giúp các em thoải mái sau giờ học, gắn kết các em, rèn luyện tinh thần đồng đội”, Huỳnh Thị Vân chia sẻ về dự án của mình.
Với sự đồng hành của một số đồng nghiệp cũ đến từ các nước châu Âu, Trung tâm Anh ngữ và Thể thao Ốc Đảo của Huỳnh Thị Vân (trụ sở chính ở đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) là một mô hình mới, giúp trẻ em Quy Nhơn có cơ hội rèn luyện sự năng động, tự tin và khả năng ngoại ngữ.
LÊ CƯỜNG