Chuyện anh trinh sát mê đồ da handmade
“Lấy đam mê để nuôi đam mê” - đó là điều mà Trần Vũ Vương (TP Quy Nhơn) tâm đắc thực hiện trong 3 năm qua. Tự mày mò, tìm hiểu để sản xuất ra những mặt hàng da thủ công khá tinh xảo, nghề làm ngoài giờ này giúp Vương trang trải được phần nào cuộc sống và duy trì thú chơi các loại đồ da “xịn”.
Trần Vũ Vương đang làm các sản phẩm bằng da.
Tình cờ biết Vương qua một người đồng nghiệp, được giới thiệu rằng đây là một người công tác trong lực lượng cảnh sát. Nhưng câu chuyện của chúng tôi bỗng chốc được chàng trai sinh năm 1991 này dẫn dắt sang lĩnh vực khá xa lạ - đồ da handmade. Vương say sưa nói về thú đam mê của mình, xung quanh chủ đề các vật dụng được sản xuất bằng da thật.
“Mê đồ da từ nhiều năm trước, mãi đến khi cách đây chừng 3 năm, nhìn thấy một chiếc túi da rất đẹp nhưng không đủ tiền mua, tôi mới quyết tâm tìm hiểu cách để tự làm cho mình những món đồ theo đúng sở thích. Lên mạng xem cách làm, rồi mua miếng da lẻ, dụng cụ về làm thử, những sản phẩm đầu tiên của tôi cũng ra đời sau nhiều ngày… khổ luyện” - Vương hào hứng nói về cơ duyên đưa mình đến với nghề này.
Tôi chủ động tìm đến nhà Vương. Căn phòng trọ chỉ rộng chưa đến 20 m2 trên đường Nguyễn Du (TP Quy Nhơn), là nơi tá túc của gia đình nhỏ Trần Vũ Vương gồm hai vợ chồng và cô con gái xinh xắn. Khu vực “sản xuất đồ da” của anh chỉ vỏn vẹn chừng 1 m2, với các vật dụng như: búa, đục, chỉ may, keo, kềm…, được bày biện trên một chiếc bàn thấp, giống kiểu bàn của người Nhật ngồi uống trà.
Thời điểm cho “ra lò” những sản phẩm đầu tay, vợ chồng anh lại đón đứa con đầu lòng. Chị Trương Thị Diệu “kể tội” chồng: “Lúc đó tôi phản đối dữ lắm, bởi lúc nào ảnh đi làm về cũng lọ mọ với đồ da. Ảnh đục đẽo cả buổi chiều, đến khuya cũng chưa chịu đi ngủ, nhiều lúc còn ảnh hưởng đến giấc ngủ của con bé. Mãi khi cháu đủ lớn để gửi trẻ thì tôi mới thôi bức xúc. Giờ thì thấy công việc này cũng có cái hay”.
Dành nhiều thời gian nghiên cứu về da, Vương tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất liên quan lĩnh vực này. Theo anh, da có rất nhiều loại, tùy theo công nghệ thuộc da, sản phẩm có giá chênh lệch từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/tấm. Da thật được làm từ da bò, da dê… khi nhìn kỹ bề mặt sẽ thấy những lỗ chân lông li ti. Da thật sau khi dùng một thời gian sẽ sẫm màu và bóng hơn so với ban đầu, đó là vì da thấm hút mồ hôi…
Sau khi tự làm cho mình tất cả những thứ gì có thể làm bằng da như: ví, dây nịt, bao đựng hộp quẹt Zippo…, sản phẩm của Vương bắt đầu được bạn bè anh biết đến. Dùng thấy thích, cứ thế lan truyền, cộng với việc đưa hình ảnh lên trang Facebook, lượng khách đặt hàng ngày càng nhiều. “Đã có người đặt tôi làm chiếc túi với phụ kiện bằng đồng đúc có giá 1,5 triệu đồng. Điều khiến tôi vui là rất nhiều khách sau khi dùng đã liên hệ đặt thêm để làm quà tặng. Nhận được những lời khen về sản phẩm, tôi càng có động lực để theo đuổi đam mê của mình. Qua đó, tôi càng chăm chút cho từng sản phẩm sao cho hoàn hảo nhất để đáp lại niềm tin của mọi người” - Vương chia sẻ.
Xem các sản phẩm do Vương làm, tôi không khỏi ngạc nhiên về độ sắc sảo, sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, nhất là khi được làm ra bởi một người tay ngang mới chỉ 3 năm tiếp cận với công việc này. Cầm chiếc ví da nam trên tay, Vương giải thích thêm: “Để làm bóng các cạnh ví như thế này mất rất nhiều thời gian, sau khi ép các mép lại với nhau, tôi dùng keo dán, rồi lấy giấy nhám mịn chà, xong lại bôi lên lớp keo đặc biệt, chờ khoảng 30 phút keo khô thì chà tiếp. Cứ như vậy vài lần cạnh ví mới bóng được. Đó là công đoạn mất nhiều thời gian nhất để làm ra một chiếc ví”.
Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình, Vương in thương hiệu lên sản phẩm, với hình hoa sen cách điệu, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho đất nước Việt Nam, vừa giống tên viết tắt của anh với hai chữ V lồng vào nhau. Mặc dù khẳng định rằng việc làm đồ da chỉ là đam mê, nhưng Vương cũng thừa nhận công việc này giúp anh có thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.
Hoàng Quân