Những gương mặt vàng của võ cổ truyền
Tại Ðại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, nhờ đoạt được 6 HCV ở cả hai nội dung đối kháng và quyền, lần đầu tiên Bình Ðịnh vươn lên giữ vị trí nhất toàn đoàn môn võ cổ truyền. Ðể có được thành tích đó, các VÐV đã phải vượt hành trình dài gian nan.
HAI CÔ GÁI VÀNG ĐỐI KHÁNG
Sau khi đều đoạt HCV nội dung đối kháng tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014, hai VĐV nữ xuất sắc của võ cổ truyền Bình Định là Từ Thị Bé Hiền, Nguyễn Thị Hằng Nga tiếp tục giữ vững phong độ để một lần nữa đoạt HCV Đại hội Thể thao toàn quốc 2018.
VĐV Từ Thị Bé Hiền nhận HCV đối kháng hạng cân 45 kg nữ.
Sau 2 kỳ đại hội, trong khi nhiều VĐV nữ khác cùng thời đã giải nghệ để tìm công việc khác ổn định hơn hoặc lập gia đình, thì Từ Thị Bé Hiền ở độ tuổi 30 vẫn bền bỉ cống hiến đến kỳ đại hội thứ 3. Việc tập luyện với cường độ nặng là những thử thách cực lớn chỉ có thể vượt qua với quyết tâm rất cao, bởi dù tố chất có tốt đến mấy, không ai có thể cưỡng lại sự bào mòn của sức khỏe theo thời gian. Ấy vậy mà nhiều hôm, tập xong cữ chiều tối cùng đội tuyển, chị lại vội vàng chạy đi TX An Nhơn để dạy lớp võ phong trào. Xong đâu đó lại tất tả quay về Quy Nhơn trong đêm để sáng sớm kịp tập cùng đồng đội. Không chỉ đồng đội mà nhiều VĐV, HLV của các đoàn bạn cũng lộ rõ vẻ nể phục từ lúc thấy tên chị trong danh sách cho đến lúc chị thượng đài, thể hiện qua nhiều tràng vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng trong tinh thần thượng võ.
Võ sư Trần Đình Đô, HLV nội dung đối kháng đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, nhận xét: “Bé Hiền là tấm gương sáng tập luyện và thi đấu hết mình. Em là VĐV thông minh, biết cách phát huy tối đa lợi thế kinh nghiệm, đồng thời vẫn giữ được khả năng di chuyển nhanh nhẹn, sự chính xác và tốc độ ra đòn... Nhờ vậy em đã hạn chế được nhược điểm thể lực khi đấu với các VĐV trẻ, khỏe hơn”.
VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga đoạt HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII.
Những năm qua, VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga (25 tuổi, quê ở Tuy Phước) không ngừng tiến bộ về chuyên môn và đoạt được rất nhiều thành tích, trong đó có ngôi quán quân hạng cân 56 kg nữ ở Giải võ cổ truyền tranh đai vô địch Let’s Việt năm 2015. Trước khi bước vào thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, Hằng Nga cũng đã kịp bổ sung vào bộ sưu tập của mình tấm HCV đối kháng hạng cân 52 kg tại Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II. Tại Đại hội 2018, Hằng Nga được các HLV đánh giá đã hội đủ bản lĩnh, trình độ kỹ thuật để chiến thắng áp đảo đối thủ.
Trò chuyện với tôi, Hằng Nga bẽn lẽn: “Sau nhiều ngày đi Đại hội trở về nhà, do em phải ép cân thi đấu, tập luyện nhiều nên đen và ốm hơn nữa, mẹ và anh trai không thèm khen lấy một lời vì thương con, xót em; anh trai còn bảo em nghỉ ở nhà để còn tính chuyện lấy chồng. Nhưng mà, nghỉ sao được khi em vẫn còn rất hăng thi đấu”.
CÂY KIẾM ĐOẠT 4 HCV CỦA PHẠM ÐÌNH KHIÊM
Chúng tôi gặp Phạm Đình Khiêm (28 tuổi) đang “sướng tê người” khi đoạt HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII, nâng niu trên tay cây kiếm thi đấu đã gắn bó với mình gần 10 năm. Riêng năm 2018, anh đã dùng cây kiếm cũ này trình diễn bài Thanh Long độc kiếm đoạt
Phạm Đình Khiêm đang tập luyện Lôi Long đao
4 HCV, trước giải Đại hội là HCV tại Liên hoan tinh hoa võ Việt quốc tế lần thứ nhất, Giải Cúp vô địch võ cổ truyền toàn quốc lần thứ VII, Giải vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II - năm 2018.
Đình Khiêm chia sẻ: “Tôi khổ luyện bài kiếm Thanh Long đã nhiều năm, riêng với thanh kiếm này cũng đã 10 năm. Mới nhìn VĐV biểu diễn kiếm sẽ nghĩ nhẹ nhàng, đơn giản. Nhưng để người xem cảm nhận đó là nhẹ nhàng, tinh tế, VĐV phải luyện rất nhiều năm để đạt đến độ dẻo của tay, luôn tập trung cao độ mới thể hiện được uy lực và thần thái ở từng động tác. Tôi thường được thầy cho sử dụng hai cây kiếm nặng khi tập luyện, đến gần giai đoạn dự giải mới tập một cây kiếm khác nhẹ hơn dùng để thi đấu, góp phần tăng sức mạnh,độ dẻo, linh hoạt”.
Tấm HCV Đại hội lần đầu tiên còn thêm khắc sâu kỷ niệm, khi kết thúc nội dung hội thi thì Đình Khiêm bằng điểm với VĐV tài năng Lê Nghiệp Quân của TP Hồ Chí Minh. Nhưng xét tiếp đến bài tự chọn, Đình Khiêm được xếp trên nhờ bài Lôi Long đao của anh đạt 9,8 điểm, trong khi Nghiệp Quân ít hơn, được 9,6 điểm.
“Lôi Long đao tương truyền do Thái phó Trần Quang Diệu sáng tạo nên, là một trong những bài võ đặc sắc được phái võ chùa Long Phước (ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) dày công bảo tồn. Tôi rất cảm ơn các thầy, đặc biệt là thầy Nguyễn Văn Cảnh, là những người trước đó có nền tảng trưởng thành từ phái võ chùa Long Phước, đã tận tâm kèm cặp thêm và truyền lại cả những chiêu “bí truyền”, giúp tôi có thể lĩnh hội những điểm tinh yếu”, Đình Khiêm cho biết thêm.
“LÃO MAI” NGUYỄN QUỐC SỸ QUA 4 KỲ ÐẠI HỘI
Trong giới võ cổ truyền từ lâu đã truyền tụng “Nhất Lão Mai, nhì Ngọc Trản” để tôn vinh bài quyền khó nhất, hội tụ đầy đủ nhất những tinh hoa võ cổ truyền, đòi hỏi phải hết sức khổ luyện theo những yêu cầu rất cao, được tuyển chọn đưa vào 10 bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Khi nhắc đến Lão Mai, những năm gần đây, giới mộ võ thường luôn nhắc đến VĐV Nguyễn Quốc Sỹ (30 tuổi) của Bình Định. Cũng không khó giải thích lắm bởi kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII là lần thứ tư anh tham gia thi đấu. Và Lão Mai quyền là bài võ gắn bó với anh xuyên suốt 4 kỳ Đại hội.
VĐV Nguyễn Quốc Sỹ đoạt HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII.
Bắt đầu tập luyện Lão Mai cách đây gần 15 năm, được đánh giá cao nhưng lần đầu tiên thi giải quốc gia, điểm của Quốc Sỹ rất thấp. Không nản lòng, anh dồn sức khổ luyện với sự kèm cặp tận tình của HLV Trần Duy Linh. Ở kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2006, Quốc Sỹ đã gặt hái thành quả với bài Lão Mai khi đoạt HCB. Đây là động lực để anh phấn đấu đổi màu huy chương. Quả nhiên bài quyền Lão Mai đồng hành anh đến đỉnh cao thành công với tấm HCV Đại hội năm 2010, HCB Đại hội 2014, HCV Đại hội 2018.
“Lão Mai là bài quyền rất khó. Thầy tận tâm truyền dạy, trò cũng phải nỗ lực không ngừng, vừa khổ luyện, vừa phải suy ngẫm, đúc kết mới mong tiến bộ. Sau mười mấy năm không ngừng khổ luyện, tôi ngày càng suy ngẫm được nhiều về nội dung ý nghĩa lời thiệu để hiểu sâu hơn từng động tác, tạo được cái hồn, thần thái khi trình diễn, làm sao chỉ trong tích tắc một giây phải thể hiện được đồng bộ về tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp... Thế nên, tự tôi, tôi thấy mình còn phải học hỏi nhiều khi được xem các bậc thầy của mình biểu diễn, tôi chưa đạt đến sự tinh tế, ung dung mà vững vàng, nhẹ nhàng mà trầm ổn trong thần thái, tôi muốn mình cũng thấu triệt nét tinh tế ấy”, Quốc Sỹ chân thành bày tỏ.
Hoài Thu