Thành phố bên bờ biển biếc
"Quy Nhơn từng được ví là nơi hội tụ của những con người nghĩa hiệp, là chốn tao ngộ của những tài năng thi ca và âm nhạc một thời. Rồi đây, Quy Nhơn sẽ còn được cả nước nhắc đến với mỹ danh “thành phố hoa bên bờ biển biếc” sau những cố gắng không mệt mỏi của những nhà quản lý lẫn người dân để tạo cho thành phố này một sắc diện mới, bằng… hoa".
Những ai lâu rồi không trở lại Quy Nhơn mà nghe nói thành phố này đang được vây bọc bởi… hoa, chắc là người ấy sẽ cười ruồi mà rằng: “Ông/bà có lãng mạn quá không đấy?”. Là bởi, một thành phố mà ba bề giăng mắc núi như Quy Nhơn, với thổ nhưỡng đặc thù toàn là đá và đá như thế thì cơ hội cho hoa sinh sôi nảy nở, hầu như rất ít. Thế nhưng điều khó tin ấy đang thành hình tại Quy Nhơn.
ÐI TÌM MỘT LOÀI HOA THÍCH HỢP
Tôi từng sống ở Quy Nhơn những năm cả nước xếp hàng mua mùn cưa về đun, trong đó tất nhiên có tôi với bạn bè. Không biết có liên hệ nào không mà giờ một ông bạn tôi loay hoay dùng một thứ mùn tương tự là mùn dừa, đem ủ phân để bón các loại cây kiểng và hoa. Cứ vào mỗi mùa nắng nóng, cả thành phố như một lò nung rừng rực than củi. Thời ấy điện như đom đóm ngày hè, ánh sáng của nó chỉ có thể giúp chủ nhân của các căn phòng tập thể khỏi… nhầm giường ngủ chứ điện ngày ấy không phải để xài máy quạt. Mà cũng chả có máy quạt để xài nữa. Vì vậy, các sân thượng nhà lầu đã thành chỗ ngủ của nhiều gia đình nhằm hóng chút gió trời - thứ lộc biển Quy Nhơn luôn hào phóng mỗi đêm. Sân thượng chỗ khu tập thể của tôi có trồng mấy chậu xương rồng và hoa giấy, ông giám đốc bảo để cho các thi sĩ trong cơ quan có hứng mà làm thơ. Thơ đâu chả thấy, chỉ thấy sau vài trận rượu suông, chậu đi đàng chậu, hoa tàn phần hoa. Tôi nhắc chi tiết này để thấy rằng, đất Quy Nhơn cũng từng có hoa, dù là trong chậu nhưng để kéo nó ra khỏi “tù ngục” ấy, biến nó thành… rừng như thành phố đã và đang làm, là cả một cuộc “cách mạng hoa” chứ không hề đơn giản.
Hoa giấy bên hồ. Ảnh: VĂN LƯU
Ở các thành phố khác, nhất là các tỉnh cao nguyên như là Đà Lạt, người trồng hoa không quá nhọc lòng để nghĩ cách trồng hoa gì cho… có hoa, vì thiên nhiên ở đó hầu như mặc định cho đất đai của xứ sở ấy là dành để trồng hoa rồi. Thế nhưng, với đất Quy Nhơn, trồng hoa gì để có… hoa, mà lại đẹp nữa, quả là câu hỏi khó. Đặc biệt, hoa đó phải được mọi người cùng thưởng lãm, nghĩa là nó phải khoe hương bày sắc ra đường chứ không ru rú trong nhà, lâu lâu mời bạn hữu đến uống trà rồi ngắm nghía như các cụ ngày xưa.
“Quy Nhơn đã dần trở thành một thành phố hoa bên bờ biển biếc. Du khách đặt chân lên vùng đất này để chiêm bái những ngọn tháp Chàm “không tuổi” lại có dịp đi trong hương sắc của các loài hoa giờ thành “đặc sản” của miền đất võ"
Như đã nói, Quy Nhơn tam tứ bề giăng mắc đá núi như vậy, việc chọn loài hoa để thích nghi là điều phải cân nhắc. Cuối cùng thì hoa giấy đã được xướng tên. Đây không phải là loài hoa mới mẻ gì với đất Quy Nhơn nhưng biến nó thành “đặc sản” thì mới chỉ dăm ba năm trở lại đây. Dọc tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu hàng chục cây số đã bắt đầu xuất hiện những mảng hoa giấy, dấu ấn của bàn tay con người sắp đặt khá rõ chứ không phải hoa dọc bờ rào hoặc mọc hoang trên núi. Công ty Công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn chừng như nhận ra “tiềm năng” của loài hoa này nên đã đánh thức và xếp đặt nó trên tuyến đường vào cửa ngõ thành phố. Viễn cảnh về một cung đường hoa giấy rực rỡ vào mỗi dịp hè sang, chạy dọc theo bờ biển phải nói là đẹp nhất khu vực Trung bộ này đã bắt đầu hé mở trong mắt du khách.
Hoa giấy đã “điệp trùng” trên những con đường cô tịch dẫn về làng phong Quy Hòa. Loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng” của mùa hè này còn rực rỡ quanh hồ sinh thái Đống Đa, rồi dọc theo tuyến đường ven biển ra tận khu du lịch Trung Lương, Phù Cát. Khi khởi động dự án Khu du lịch sinh thái núi Bà Hỏa người ta cũng lẳng lặng trồng thật nhiều và từ chân núi loài hoa có sức sống mãnh liệt này âm thầm bò lên cao và trổ hoa.
Dễ sống, sinh trưởng nhanh, đa sắc màu, lâu tàn, thích nghi với các loại thổ nhưỡng, thậm chí “sống chung với đá”, đó là đặc thù của loài hoa giấy mà Quy Nhơn đang cổ súy, không chỉ có các đơn vị nhà nước mà toàn dân cùng tham gia trồng loài hoa này. Nhưng Quy Nhơn đâu chỉ có hoa giấy!
“NGÀY MAI RỒI SẼ VÀNG MAI”
Tôi trích câu thơ của một người bạn khi anh chạm phải “rừng mai” dọc quốc lộ 1A đoạn qua Bình Định khi anh xuyên Việt trong một dịp cuối năm cách nay đã lâu. Anh bạn không ghé lại Quy Nhơn nên không biết thành phố biển ấy- nơi có cô bạn gái tên Mai, có “chưng diện” mai nhiều như vùng Tuy Phước, An Nhơn vào mỗi dịp tết đến không? Tôi bảo Quy Nhơn cũng là đất “mai vàng” từ lâu rồi. Mà không cứ gì Quy Nhơn, các vùng phụ cận của thành phố này đều là đất của mai vàng vào mỗi dịp xuân về. Từng có những khu rừng mai giăng mắc khắp các lối vào thành phố này, nhiều đến nỗi người đời lấy tên mai đặt tên cho một ngọn núi: Huỳnh Mai- nơi nhà soạn tuồng, nhà thơ thiên tài Đào Tấn yên nghỉ từ hơn 100 năm trước.
Nếu như hoa giấy làm cho mùa hè ở Quy Nhơn như dịu lại thì hoa mai làm cho mùa xuân nơi đây thêm rỡ ràng và ấm áp hơn. Chủ nhân của các khu nhà vườn ngoại ô Quy Nhơn tỏ ra thích nghi với cơ chế thị trường chả cần định hướng gì ráo trọi, đã nhanh chóng tạo nên những khu vườn mai bắt mắt, vừa làm kế sinh nhai vào mỗi dịp xuân sang, vừa thỏa mãn thú chơi khá kỳ khu tỉ mẩn này. Do điều kiện công tác nên tôi thường xuyên đi dọc các tỉnh miền Trung vào những ngày cận tết hằng năm thì thấy rằng, chưa thấy đâu như ở đất Quy Nhơn - Bình Định, mai vàng lại nhiều đến vậy.
Hoa mai được bày bán trên quốc lộ 1A qua địa bàn TX An Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Dân trồng mai và chơi mai ở vùng đất này như những vị tướng biết cách “ém quân” để chờ thời cơ mà “bung lụa”- như cách nói của giới trẻ chơi facebook bây giờ. Từ trong hẻm hóc xó xỉnh ngỡ như bị vùi trong quên lãng suốt năm, mai vàng chợt tràn ra ngập phố, chật kín hai bên quốc lộ 1A. Những chậu mai vàng được chăm sóc công phu từ miền đất võ lại có dịp theo những chuyến xe ngược Bắc xuôi Nam trên đường thiên lý để có mặt trong những ngôi nhà Việt, đón đợi phút giao thừa.
Quy Nhơn đã dần trở thành một thành phố hoa bên bờ biển biếc. Du khách đặt chân lên vùng đất này để chiêm bái những ngọn tháp Chàm “không tuổi” lại có dịp đi trong hương sắc của các loài hoa giờ thành “đặc sản” của miền đất võ.
Trần Đăng