“Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”
Trong hành trình tiến hóa của nhân loại, con heo (còn có tên phổ biến khác là lợn) góp mặt khá sớm, nếu có đến sau, có lẽ chỉ đến sau chó - mèo. Không có mối quan hệ “bạn bè” với người như chó - mèo, nhưng dấu ấn của heo trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của nhân loại vẫn khá đậm đà.
Tranh chúc tết của họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Ca dao xưa có câu: Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi. Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng. Chừng đó cũng đủ hé ra quan hệ mật thiết của các con vật chó - gà - lợn trong đời sống con người, đặc biệt ở góc độ ẩm thực.
BÊN BẾP LỬA TIẾN HÓA
Người ta đo mức độ quan trọng, gần gũi của những động vật đã được thuần hóa với con người theo độ gần với bếp lửa. Nếu lấy bếp lửa làm trung tâm các hoạt động của con người thì chó và mèo ở gần bếp hơn cả. Heo ở xa bếp lửa hơn, nhưng vẫn gần nếu so với trâu - bò, và có lẽ tương đương với gà. Ở nước ta, con người bắt đầu nuôi heo cách đây khoảng 3.000 năm, trước khi nuôi trâu - bò. Các di chỉ khảo cổ học có niên đại sớm nhất thuộc giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn cách nay hàng ngàn năm đã phát hiện có xương và sọ heo, chứng tỏ tổ tiên ta đã nuôi heo rất sớm.
Tranh Lợn của họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam.
Hình dung về con heo người ta hay liên tưởng đến thói phàm ăn, sự bẩn thỉu, dơ dáy, ô uế nhưng thật ra heo không đến nỗi xấu xí như thế. Heo là biểu trưng cho sự phồn thực, tính dục và sự nhàn nhã sung túc. Người ta còn dùng hình ảnh “con heo đất” như là một biểu tượng về …tài chính. Thật vậy, không phải tự nhiên mà thứ đồ chơi làm bằng đất nung để trẻ con cất giữ tiền tiết kiệm được gọi là “heo đất”. Hoặc trong cuộc cúng tế, lễ nghi quan trọng người ta vẫn cúng thủ dĩ heo (đầu đuôi heo).
CON HEO TRONG TRANH DÂN GIAN
Trong sáng tạo nghệ thuật, hình tượng con heo không nhiều và điều này phổ biến từ Đông sang Tây, từ Á - Phi sang Âu - Mỹ. Ở Việt Nam, địa vị trang trọng của con heo, có chăng chỉ xuất hiện ở tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) và Kim Hoàng (Hà Nội).
Lợn nái- Tranh dân gian Đông Hồ.
Lợn ăn cây ráy - Tranh dân gian Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ có 2 bức vẽ Lợn ăn cây ráy và Lợn nái. Trên hai bức tranh này, trên mình con heo đều có vòng khoáy Âm - Dương ngụ ý phát triển, sinh sôi nảy nở. Bức Lợn nái thể hiện lợn mẹ trắng hồng, mắt lờ đờ, miệng hé, năm con lợn con - năm màu khác nhau lúc nhúc dưới chân, con nào cũng khỏe mạnh căng tràn sức sống. Tương tự, ở bức Lợn ăn cây ráy, con lợn trong tranh phô diễn sức sung mãn, dáng rất khỏe, phàm ăn, đang sục mõm vào cả cây ráy, cành lá ráy rất sống động. Hiếm vật nuôi nào lại được tạo hình với nhiều ước vọng gần gũi và trực diện như heo; điều con người mong muốn nhất - ấm no, sung túc - được trải ra hết lên mặt tranh.
Lợn - Tranh dân gian Kim Hoàng.
Nếu kỹ thuật làm tranh Đông Hồ là thuần in theo khuôn in bằng ván khắc, tranh Hàng Trống là in và tô màu thì tranh Kim Hoàng kết hợp giữa in - tô màu - vẽ. Chính sự phong phú trong kỹ thuật khiến tranh dân gian Kim Hoàng uyển chuyển về nét và phong phú về mảng. Làng nghề tranh dân gian Kim Hoàng nay không còn nữa, nhưng những bức tranh đẹp vẫn được nhiều người nhắc nhớ, trong đó có tranh vẽ lợn. Trên nền đỏ của giấy điều, con lợn được in bằng mảng đen với các nét vẽ thêm vào bằng màu trắng. Sự khỏe khoắn của con lợn trong tranh Kim Hoàng thể hiện qua nét vẽ đơn giản, mạnh mẽ khiến tinh thần bức tranh vừa ước lệ, phóng khoáng vừa cô đọng, đặc tả.
CON HEO TRONG ẤN ĐỘ GIÁO
Quãng những năm 70 của thế kỷ XX trở về trước, ở Quy Nhơn có khá nhiều người Ấn Độ, mà nhiều người quen gọi là Chà Và. Họ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, mua bán tạp hóa, vải vóc… Nhà ở và cửa hàng của họ chủ yếu ở dọc đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu và Lê Hồng Phong. Thời tôi còn học cấp 1, một số bạn rủ tôi đi trêu con cháu của người Ấn Độ. Cũng chẳng có gì nhiều, tôi được bày túm một góc vạt áo thành hình tai heo, tay kia búng lên vạt áo. Chỉ như vậy các bạn người Ấn Độ đỏ mặt tía tai. Những lúc bên may mắn gọi thêm được trợ thủ, bên kia đông hơn, các bạn ấy rượt chúng tôi chạy trối chết.
Chúng tôi trêu chọc như thế nhưng tuyệt không biết vì sao các bạn ấy tức giận đến vậy. Sau này một số người là hàng xóm của người Ấn Độ giải thích tôi mới biết, bằng cách búng lên vạt áo giống hình tai heo tức là chúng tôi đã xúc phạm đến một trong ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo Vishnu (hai vị còn lại là Brahma và Shiva). Thần Vishnu là đấng bảo hộ, vị thần đảm bảo sự chiến thắng của điều thiện đối với cái ác. Có một điểm đáng chú ý là kiếp thứ 3 trong 10 kiếp của thần Vishnu là một con heo rừng khổng lồ, nó là hóa thân của vị thần này. Vậy là chúng tôi đã hiểu vì sao trò trêu ghẹo của chúng tôi khiến các bạn nhỏ người Ấn Độ tức giận như vậy. Đó là lần đầu tiên tôi biết con heo cũng chiếm một vị trí quan trọng trong tôn giáo (tuy nhiên cũng có người cho rằng, trò trêu chọc của chúng tôi đã xúc phạm đến loài bò - con vật thiêng của người Ấn, được người Ấn tôn thờ như những vị thần).
***
Khi con người bắt đầu chú ý đến việc gầy nguồn thực phẩm dự trữ, con heo được thuần hóa đầu tiên. Rồi cùng với sự phát triển, nhân loại thuần hóa thêm nhiều loài gia súc khác như trâu - bò, gà - vịt, thỏ, dê - cừu… Nhưng ở góc độ thực phẩm, đến nay chưa loài gia súc nào qua mặt được heo. Xét ở góc độ nào đó, có thể thấy nhãn quan tuyệt vời của người nguyên thủy khi đã đúng ngay ở lần lựa chọn đầu tiên. Chuyện về sự lựa chọn này là một câu chuyện dài xin hẹn một dịp khác sẽ kể hầu các bạn!
Đông A