Mẹ ơi, nón lá trên tay mẹ…
Không ai bắt họ phải ăn đời ở kiếp với nón , nhưng bằng cả lòng mình, họ vẫn đang từng ngày gắn bó, neo giữ bao vui buồn đời mình với từng thếp lá, đường chằm để làm nên làng nghề truyền thống nón lá Gò Găng nức tiếng.
Về làng nón Gò Găng lần này, tôi cố nhờ người sắp xếp để gặp cho được người cao niên nhất trong nghề nón, một người yêu tha thiết nón lá quê hương mình. Sở dĩ phải nhờ người sắp xếp vì cụ bà nay đã 104 tuổi, sống cùng người con gái cũng đã ngoài 70 tuổi. Đó là cụ Lê Thị Sót, ở khu vực Vĩnh Phú (Nhơn Thành, TX An Nhơn).
Trăm năm đời nón đời người
Khi tôi đến, bà Sót đang ngồi cặm cụi chằm nón cùng người con gái. Tôi thực sự ngạc nhiên khi tiếp xúc với bà. Hình như dấu vết trăm năm không làm trầy xước chút nào đến ký ức của bà. Bà thật sự còn rất minh mẫn. Bà kể say sưa về nghề nón, cái nghề nhọc nhằn đã đan quyện bao vui buồn đời bà và gắn bó mãi đến giờ.
“Gọi là nón Gò Găng, nhưng thực chất là nón được làm từ nhiều vùng như Kiều An, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành… của phường Nhơn Thành bây giờ. Nhưng mọi người bán buôn nón đều tập kết tại chợ nón Gò Găng” - cụ Sót kể.
Cụ Lê Thị Sót
Cụ Sót bần thần nhớ, ngày xưa không có cước chỉ phải lội vào rừng tìm loại tàu thơm, đập giã, nạo hết lớp vỏ, lấy những sợi gân của tàu thơm se lại mới thành chỉ để chằm nón. Làm được một chiếc nón công phu lắm. Vót nan, vành, kéo lá, dấn sườn, xòe lá… rồi tỉ mẩn chằm từng đường kim mũi chỉ. Hết thảy các khâu làm nón đều hoàn toàn làm bằng tay.
Tôi nhìn cụ bà Nguyễn Thị Tâm - con gái bà Sót thoăn thoắt đôi tay dấn sườn, chằm nón mà mường tượng hình ảnh cụ Sót thời trẻ. “Cái nghề này, cũng một tay má tui chỉ dạy mà nên. Rồi cứ vậy mà hai mẹ con túc tắc làm, gắn bó đến giờ”, bà Tâm bộc bạch. Vừa trò chuyện với tôi, hai mẹ con vừa làm, thỉnh thoảng bà Tâm lại dừng tay… ngắm mẹ mình. Còn tôi, tôi ngắm đôi bàn tay của hai người phụ nữ đan trên nón, xuyên qua bóng nắng đáp lên nan lên lá lên những nếp đồi mồi trên lưng tay, rồi một câu thơ cũ chợt bật lên: Mẹ ơi, nón lá trên tay mẹ… rồi lòng thấy thương gì đâu.
Tha thiết với nón lá Gò Găng
Nhiều khi sức khỏe không còn tốt, nhưng thấy con gái cùng mấy người hàng xóm ngồi tụm năm tụm ba là bà Sót xít lại ngồi, chằm nón cho bằng được. Cứ nhìn người phụ nữ hơn trăm tuổi ấy điệu nghệ từng đường chỉ, tuy không nhanh bằng lớp trẻ nhưng đều, đẹp thì đủ hình dung ngày trẻ bà là một người làm nón điêu luyện đến cỡ nào. Anh Nguyễn Lập Danh, khu vực trưởng khu vực Vĩnh Phú chia sẻ: “Bà con ở đây đã quen với hình ảnh cụ Sót làm nón. Cụ bà vui tính lại hay lam hay làm nên ai gặp cũng thấy quý mến. Không chỉ giỏi làm nón, bà còn thuộc rất nhiều ca dao, dân ca, hò đối đáp nữa”.
Chợ nón đêm Gò Găng.
“Có câu ca nào về nón lá Gò Găng mình mà bà hay hát không?”. Tôi quay sang hỏi cụ Sót. Bà nhoẻn miệng cười, rồi cất giọng: “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi”. Trời đất ơi, ở đây không còn là minh mẫn như ta vẫn hình dung nữa, giọng điệu của cụ vừa quyến luyến chân thành, da diết vừa giản dị, mộc mạc đến mức đó như là lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Con gái bà Sót kể lại, mấy năm trước còn khỏe, đi lại linh hoạt, bà cứ nằng nặc theo con gái xuống chợ nón Gò Găng ngày phiên, để ngồi bán nón, để ngồi rủ rỉ trò chuyện với những bạn hàng. Bà nói, những bạn bè một thuở của bà rủ nhau đi về thế giới bên kia cả rồi, chỉ còn bà ở lại. Tôi nhìn căn nhà cấp bốn của bà cụ, nhiều mảng tường gạch đỏ sẫm lộ ra bên ngoài. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài những chồng nón lá mà hai mẹ con chăm chỉ làm, tích lũy mấy hôm nay chuẩn bị cho phiên chợ sắp tới và những tấm giấy mừng thọ dành cho cả… hai mẹ con của Hội Người cao tuổi.
Anh Bùi Thái Sơn, Phó chủ tịch UBND phường Nhơn Thành tâm sự: “Hiện phường Nhơn Thành có khoảng hơn 600 hộ làm nón, cụ Sót là thợ làm nón lớn tuổi nhất hiện nay ở Nhơn Thành. Nhờ những người có tấm lòng tha thiết với nghề truyền thống nón lá như cụ mà làng nghề nón lá Gò Găng qua năm tháng vẫn được lưu giữ, nối dài sức sống…”.
ĐỨC LINH