Chuyện một anh hàng rượu Bàu Ðá
Khi anh chia sẻ ý tưởng “đặt kệ” ở Sài Gòn bán rượu Bàu Ðá chính gốc lấy từ Bình Ðịnh, ai cũng bảo anh viển vông. Làm sao rượu Bàu Ðá có thể cạnh tranh với các thứ rượu nội, ngoại, mà cả rượu Bàu Ðá chính hiệu trong siêu thị của Sài Gòn Co.opmart cũng không thiếu. Anh cười bảo, “điều thôi thúc mình làm là vì khó tìm thấy rượu chính gốc Bàu Ðá ở Sài Gòn mà thôi”.
Bằng các mối quan hệ có được từ hồi còn làm nghề báo, Đặng Văn Vỹ nhập rượu Bàu Đá chính gốc vào Sài Gòn rồi đích thân làm shipper - giao hàng luôn. Anh muốn bán những giọt rượu Bàu Đá do mình tham gia sản xuất với một hệ thống bán hàng kiểu khác. Một vài người kín đáo bấm nhỏ nhau rằng “hay là nó bị tưng tưng”. Biết chuyện anh chỉ cười cười…
RƯỢU BÀU ĐÁ ORGANIC
Điều khiến anh dốc sức theo đuổi ý tưởng này là bởi có rất nhiều người hâm mộ rượu Bàu Đá, họ tin anh và ủng hộ dự án của anh. Từ TP Hồ Chí Minh ra Quy Nhơn, anh mang theo 3 tạ gạo hữu cơ của Công ty Gạo Việt (TP Hồ Chí Minh). Trên chuyến xe ”áp tải” gạo về làng Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) giao cho một hộ nấu mẻ rượu 70 lít đầu tiên theo đơn hàng “rượu organic”, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh từ gạo, men ủ, nước cho tới bình đựng rượu… Và tất nhiên cách bán rượu cũng chiếm không ít thời gian.
Bàu Đá là loại rượu ngon, em thử chưa? Rượu Bàu Đá nổi danh lắm chứ, trong Nam, ngoài Bắc ai cũng nghe rồi, thế nhưng mấy ai biết rượu Bàu Đá mặt mũi sao đâu? Rượu ngon mà ít quá, nấu bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, bán quanh vùng thôi, có chăng theo chuyến xe của mấy con cháu vào Nam ra Bắc làm quà. Nức tiếng rượu ngon, vậy mà ít nên dẫu có dán cả đống nhãn hàng lên đó, mấy ai dám tin nó là Bàu Đá thật. Bởi rượu Bàu Đá giả nhiều vô thiên lủng, lấn át rượu thật.
Ðặng Văn Vỹ (51 tuổi), quê ở huyện Hoài Ân (Bình Ðịnh), hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Khi còn theo nghề báo, với bút danh Ðặng Vỹ, anh kinh qua nhiều vị trí từ phóng viên, biên tập viên đến thư ký tòa soạn của một số tờ báo tại TP Hồ Chí Minh.
Ðầu năm 2018, anh quyết định nghỉ viết báo và theo đuổi việc kinh doanh đặc sản, chủ yếu là sản vật Bình Ðịnh tại TP Hồ Chí Minh. Anh đã chọn đưa rượu Bàu Ðá chính gốc từ làng rượu Cù Lâm (Nhơn Lộc, TX An Nhơn) vào bán tại TP Hồ Chí Minh.
Ðặng Văn Vỹ nói: “Tôi muốn đưa rượu Bàu Ðá lên sàn thi đấu với những loại rượu nổi tiếng trên thế giới, tôi nghĩ đó là một cách nâng tầm rượu Bàu Ðá”.
Bắt đầu cuộc rong chơi của một gã bán rượu dạo, thoắt cái anh thành Đặng Văn Vỹ, chủ cơ sở kinh doanh rượu Bàu Đá Vy Đăng (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn). Câu chuyện bán rượu, sản xuất rượu, bình hũ chai lọ của anh cứ hết ngoặc lại rẽ nhưng “đường nào cũng về La Mã”, tức rượu Bàu Đá của quê anh.
Về đến làng, anh bày cuộc gặp, dọn mâm cơm quê, mời bạn, đãi khách uống ly rượu Bàu Đá được nấu từ gạo hữu cơ. Rượu rót đầy chén, bọt sủi tăm không tràn ra mép ly, trong như mắt mèo. Nâng ly rượu đầy, nhấp một ngụm, để rượu loang trên mặt lưỡi, lan lên vòm họng, tỏa khắp các mao mạch, ngấm dần vào trong… Anh trầm ngâm thưa chuyện:
- Thưa các ông, các bà, các cô chú ở làng Bàu Đá, tôi xin phép được hỏi thế này - mọi người có thấy rượu Bàu Đá nhà ông Hưng (ông Lê Mạnh Hưng, chủ cơ sở nấu rượu Bàu Đá thủ công ở làng Cù Lâm nhận nấu rượu cho anh) có khác gì rượu Bàu Đá xưa nay ở làng?
Bà Nguyễn Thị Hữu (75 tuổi, đời thứ 4 trong một gia đình nấu rượu tại làng) thủng thẳng đáp, ly rót từ bình đầu tiên hăng nồng, rượu vẫn thơm và trong, ly của bình thứ 2 ngọt dịu hơn, đằm hơn, một ly khác của bình rượu thứ 3 dậy mùi hơn, song vị của bình thứ 2 thuần hơn cả. Cảm nhận của bà Hữu chính là cảm nhận chung của những người có thâm niên trong nghề nấu rượu tại làng Bàu Đá hôm đó, họ gật gù tán thưởng bà cụ cao niên kỷ mà thưởng rượu còn tinh tế quá.
Ba ly rượu với hương, với vị khác biệt đó được nấu từ 3 loại gạo hữu cơ khác nhau, với men truyền thống, mạch nước ngầm của làng Bàu Đá; chưng rượu trong các nồi đồng thủ công; rượu nấu xong, được ủ vào bình sành Bát Tràng. “Rượu Bàu Đá chưng ra chỉ mỗi một màu như thế thôi, ai cũng biết. Tôi có dùng một mẻ gạo lứt lài tím để nấu, nhưng chưng ra rượu vẫn trong vắt như thế này thôi”, ông Lê Mạnh Hưng kể như một cách khẳng định, rượu Bàu Đá nguyên bản, đúng vị phải trong, hoàn toàn không xanh tím vàng như người ta vẫn bán đâu đó trên đường.
LIVESTREAM BÁN RƯỢU BÀU ĐÁ
Bán rượu Bàu Đá nguyên bản ở đất Sài Gòn không đơn giản. Năm lần, bảy lượt về làng Bàu Đá, tìm người nấu rượu giỏi, xác tín nguyên liệu, nguồn nước, kiểm tra từng viên men, soi cho kỹ cái lò nấu, cái thùng ủ cơm, cái bình chưng rượu. Đặng Văn Vỹ mất nhiều tháng liền đi về giữa làng Bàu Đá và Sài Gòn.
“May mắn cho tôi là gặp được ông chủ nấu rượu nhiệt tình, từ ngay lần đầu tiên, anh Hưng (ông chủ nấu rượu Lê Mạnh Hưng) chỉ cho tôi và hướng tôi xem toàn bộ quá trình ủ men, chưng cất, lấy rượu; vợ anh Hưng là người nếm rượu có nghề, rót thôi là biết rượu bao nhiêu độ, nhìn màu nước là biết men nhiều hay ít… Nhờ vậy, cuộc buôn rượu Bàu Đá của tôi mới có những khởi đầu suôn sẻ”, anh Vỹ cho hay. Trong 70 lít rượu Bàu Đá nấu từ gạo hữu cơ đầu tiên, 20 lít được một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đặt hàng làm quà tặng cho đối tác ở Singapore, 50 lít còn lại đều đã có người đặt mua từ khi nó chưa kịp thành cơm.
Được nấu trong những lò thủ công, với kỹ thuật truyền thống, những giọt rượu Bàu Đá có độ trong và hương thơm đặc trưng.
- Trong ảnh: Lò nấu rượu thủ công của cơ sở Ba Hưng (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn).
Rượu ngon phải có bình đựng đẹp mới thật hoàn hảo. Người ta lại thấy anh tới lui ở làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) gõ từng cái chum sành, săm soi hoa văn trên từng bình đựng rượu. Anh đi hết một vòng trong làng gốm, dạo ra các cửa hàng, nghe người bán nói, hỏi người mua kinh nghiệm. Anh chọn những chậu sành tốt nhất, mang về làng Bàu Đá để ủ rượu. Rồi thì chọn men, chọn gạo, xách nước... toàn bộ quy trình ủ, nấu, chưng cất rượu Bàu Đá. Tất cả đều được livestream lên mạng xã hội như một kiểu ràng buộc mình vào những cam kết nghiêm ngặt. Chọn được mẫu bình, anh cho chuyển về Cù Lâm để sẵn sàng cho việc sang chiết. Nhưng những ai từng quen biết với Đặng Văn Vỹ cũng biết, xưa nay có mấy khi anh lại đâm đầu đi làm chuyện dễ chứ…
Giá rượu Bàu Đá nấu từ gạo organic là 500 ngàn đồng/lít, rượu Bàu Đá nấu từ gạo thông thường 100 ngàn đồng/lít rượu trắng, nấu từ đậu xanh là 120 ngàn đồng/lít. Giá như vậy không hề rẻ, nhưng chưa có ai thắc mắc. Nhiều người còn giới thiệu người quen mua. Anh bảo, bấy nhiêu cũng không ăn thua, mình phải đưa rượu của mình vào thật nhiều nhà hàng, có mặt trên kệ rượu của những gian hàng siêu phẩm… cuộc chơi này sẽ còn rất dài mà mình thì mới chỉ bước mấy bước đầu tiên thôi.
Tôi nói, đây là cuộc chơi đầy dụng tâm của anh, một người luôn nhận mình là gã bán rượu rong, góp nhặt bạc lẻ để sống. Buôn to, bán nhỏ - đều có lời lãi, bên cạnh cái lợi nhuận đó anh muốn mang rượu Bàu Đá đi xa hơn, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với rượu ngoại. Anh chọn Sài Gòn là nơi đặt kệ rượu Bàu Đá Lưu Linh Tửu của Vy Đăng. “Người Sài Gòn không phải chê rượu nội đâu, họ muốn uống rượu Bàu Đá đó chứ. Song, cái họ sợ là không mua được rượu thật mà chỉ là chiếc bình mang danh Bàu Đá mà không có lấy một giọt rượu thật. Mà muốn “sống” được trong thị trường cạnh tranh này, thì rượu Bàu Đá phải khoác chiếc áo đẹp, phù hợp. Những chiếc bình, tem nhãn cho rượu Bàu Đá đang thành hình, Tết này ở Sài Gòn có thêm rượu Bàu Đá chính gốc cho bạn, cho tôi cùng nâng chén mừng xuân”, gã bán rượu Đặng Văn Vỹ nheo mắt cười cười đầy bí hiểm.
THU DỊU