Dấu ấn những “đêm võ đài vượt khó”
Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng nhiều đêm võ đài vẫn được duy trì tổ chức ở tỉnh ta theo hình thức xã hội hóa. Có thể nói những “đêm võ đài vượt khó” như vậy đã góp phần gìn giữ truyền thống thượng võ, một nét bản sắc văn hóa Bình Ðịnh, kích thích thế hệ trẻ tích cực hơn trong luyện tập võ thuật.
Từ nỗ lực của cá nhân…
Khi nói đến việc tổ chức võ đài ở Bình Định, hai võ sư Phi Long Vinh (Tuy Phước) và Hồng Kha (TP Quy Nhơn) luôn được giới võ thuật nhắc đến với sự trân trọng. Hằng năm, mỗi võ sư đều lặn lội liên hệ, vận động khắp nơi để duy trì tổ chức từ 8 - 10 đợt võ đài ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Đêm võ đài Bình Định năm 2018 đã được Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh tổ chức thành công nhờ nguồn kinh phí tài trợ của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (TP Hồ Chí Minh).
“Đáp ứng nhu cầu vui xuân và cũng là dịp tốt quảng bá võ cổ truyền đến với đông đảo mọi người, tôi đều tổ chức từ 3 - 4 đợt võ đài trong dịp Tết Nguyên đán ở nhiều địa phương. Thường mùng 4 Tết đã bắt đầu tổ chức võ đài ở xa, khi ấy dù có mướn người làm với tiền công cao hơn gấp bội ngày thường họ cũng không làm, nên tôi không chỉ huy động vợ, con, rể, em, mà còn nhờ thêm học trò và cả phụ huynh cùng xúm vào lo dựng võ đài và các khâu hậu cần phục vụ” - võ sư Phi Long Vinh chia sẻ.
“Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, tôi sẽ phối hợp tổ chức võ đài tại xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn (3 đêm, từ mùng 4 đến mùng 6 Tết); xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (3 đêm, từ mùng 7 đến mùng 9 Tết). Bên cạnh đó, Hội Võ thuật huyện Tuy Phước sẽ vận động, khuyến khích các võ sư, HLV chung tay đẩy mạnh tổ chức võ đài ở các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước An, Phước Thắng... trong thời gian sau Tết.”
Võ sư PHI LONG VINH, Phó Chủ tịch thường trực Hội Võ thuật huyện Tuy Phước.
Để tổ chức được mỗi đợt võ đài có 3 đêm thi đấu “coi được” giữa nhiều võ sĩ đến từ các võ đường có tên tuổi trong và ngoài tỉnh, tổng chi phí dù có tiết kiệm hết cỡ cũng vào khoảng 40 triệu đồng. Do võ sư Hồng Kha, Phi Long Vinh thường tổ chức võ đài ở những vùng nông thôn, có những nơi người dân chưa từng được xem đánh đài, nên giá vé chỉ 30.000 đồng/vé. Những năm gần đây, ngay cả ở vùng nông thôn, lượng người xem võ đài cũng sụt giảm dần, dẫn đến có đợt người tổ chức phải bù lỗ nên họ càng phải nỗ lực vận động “xã hội hóa”.
Võ sư Hồng Kha chân thành: “Tôi cũng như võ sư Phi Long Vinh luôn nhờ những mối quan hệ, uy tín trong công tác tổ chức võ đài của mình để vận động thêm các cá nhân, doanh nghiệp, hay học trò cũ thành đạt ủng hộ ít nhiều kinh phí duy trì tổ chức võ đài để khuyến khích các cháu tập luyện võ cổ truyền. Cũng nhờ sự hỗ trợ này mà cách đây nửa năm, lần đầu tiên tôi đã mời 28 võ đường trong và ngoài tỉnh về tổ chức thi đấu được 3 đêm võ đài không bán vé, phục vụ người dân nơi tôi đang sống ở phường Trần Quang Diệu,TP Quy Nhơn”.
Đến sự chung tay hỗ trợ
Đêm võ đài Bình Định năm 2018 có sự tham gia của VĐV đến từ 9 đội tuyển võ cổ truyền các tỉnh, thành, ngành, cùng 22 võ đường trong và ngoài tỉnh, cống hiến 16 lượt trận chất lượng cao, thu hút đông đảo người dân và du khách. Tiếp nối thành công, Đêm võ đài Bình Định năm 2019 sẽ tiếp tục diễn ra. Để tổ chức được chương trình võ đài quy mô lớn, duy trì tiếp nối qua hai năm là nhờ sự tài trợ lên đến 1 tỉ đồng của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh (TP Hồ Chí Minh).
Đại võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh, chia sẻ: “Sự ủng hộ của doanh nghiệp càng khiến chúng tôi nâng cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng tiết kiệm chi phí tổ chức võ đài nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cao. Trung tâm đã mua dụng cụ lập “công xưởng” để các HLV, VĐV mày mò tự đảm nhiệm một số khâu đóng, lắp ráp sàn đài, khán đài…”.
Nhiều người dân ở xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn đã đến xem đêm võ đài do võ sư Hồng Kha tổ chức vào tháng 4.2018.
Đồng hành cùng “Đêm võ đài Bình Định” còn có phần tài trợ của Sàn giao dịch bất động sản Anh Quân, Công ty Vận tải Sơn Tùng (TP Quy Nhơn). Nhiều người chứng kiến Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Anh Quân Trần Quang Thùy lên tặng thưởng cho võ sĩ, nhưng mấy ai biết rằng anh cũng là “con nhà võ”. “Cha của Quang Thùy là võ sư Anh Quân, bậc đàn anh tài năng mà tôi nể phục. Càng thêm trân trọng hơn khi con trai anh quan tâm tài trợ tổ chức võ đài và nhiệt tình đến xem nhiều trận đấu để cổ vũ cho võ sĩ...”, võ sư Hồng Kha bộc bạch.
Những năm gần đây, võ đài đã được tổ chức nhiều hơn ở các địa phương trong tỉnh, nhất là vào dịp tết cổ truyền, có sự góp phần quan trọng từ các Mạnh Thường Quân. Nổi bật là ở huyện Tây Sơn, khi mỗi năm có gần chục đợt thi đấu võ đài được tổ chức ở nhiều xã, thị trấn. Ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Tây Sơn, cho biết: “Tiêu biểu nhất trong hai năm qua là xã Tây Thuận, khi lãnh đạo địa phương rất quan tâm vận động được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, người dân ủng hộ tổ chức võ đài. Số tiền tài trợ và tiền bán vé thu được ở mỗi đợt võ đài trong dịp tết cổ truyền ở xã này lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau khi trừ chi phí tổ chức, còn lại đóng góp cho quỹ khuyến học, mua bò tặng cho người nghèo ở xã...”.
Được biết, sau khi nhiều võ sĩ đến từ các võ đường tên tuổi ở trong và ngoài tỉnh tham gia thi đấu võ đài liên tỉnh (từ mùng 4 - 6 Tết cổ truyền) trong chương trình Lễ hội Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Trung tâm VH-TT-TT, Hội Võ thuật huyện Tây Sơn đã vận động, hỗ trợ công tác tổ chức để đưa lực lượng võ sĩ này tiếp tục về thi đấu võ đài ở Tây Thuận.
MAI THƯ