Hồn của những người đi mở cõi
Nghe chuyện ở Phù Cát có ngôi từ đường chung của 24 dòng họ, chúng tôi dò tìm, hỏi thăm. May thay, mọi chuyện đơn giản đến không ngờ bởi người dân nơi đây không ai là không biết ngôi từ đường này!
Khi hỏi đường, chúng tôi còn nhận được thêm nhiều thông tin từ sự hồ hởi của người dân nơi đây, để một lần nữa xác tín điều chúng tôi đã được nghe trước đó là đúng. Ngôi từ đường 24 dòng họ hiện ở thôn Hưng Mỹ 2, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát. Nơi đây thờ những người đi mở cõi ở đất này từ thế kỷ XVII.
VUI BUỒN BIẾN THIÊN
Ghi chép của dòng họ Nguyễn An (một trong 24 dòng họ), từ thế kỷ XVII, có 24 dòng họ theo chỉ dụ của Vua Lê Thần Tông vào lập làng, lập ấp sinh sống, cai quản vùng đất ngày nay là xã Cát Hưng. Chỉ dụ của Vua căn dặn “ghi lòng tạc dạ sắt son một lòng yêu thương, đoàn kết nhau trung thành với dân tộc, tổ quốc không sai lòng”.
Ngôi từ đường 24 dòng họ chỉ còn là phế tích.
Thời gian trôi qua, nhiều họ có công trạng đỗ đạt như Nguyễn Phước, Nguyễn An, Bùi Văn... giữ nhiều chức vụ quan trọng từ xã, huyện trở lên. Đến khi ấy, dòng họ nào cũng có từ đường riêng, nhưng vẫn còn một ngôi từ đường chung 24 dòng họ tại làng Hưng Định (ngày nay thuộc thôn Hưng Mỹ 2, xã Cát Hưng). Đại diện 24 dòng họ cũng thống nhất, hàng năm lấy ngày Đông Chí để giỗ thủy tổ và lấy ngày Lập Xuân giỗ tiên tổ. Những giỗ chung diễn ra đầm ấm, trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức lễ, nhạc...
Nói về ngôi từ đường, ông Nguyễn An Bình (60 tuổi, hậu duệ đời thứ 16 họ Nguyễn An) cho biết: Ngày trước, từ đường có cả trăm mẫu ruộng để dùng vào việc cúng giỗ, phòng khi người trong họ đau yếu hay gặp lúc hạn hán mất mùa. Rồi khi chiến tranh xảy ra, ngôi từ đường bị trúng bom đổ sập, cả bài vị cũng không còn. Con cháu dựng một phòng nhỏ thờ cúng, nhưng rồi nhiều dòng họ lưu lạc, thất tán. Sau 1975, tại đây chỉ còn lại 9 họ lo cho từ đường, gọi là cửu tộc hậu hữu công (gồm: Nguyễn An, Trần Viết, Phùng Thiết, Châu Văn, Võ Văn, Nguyễn Bá, Nguyễn Văn (2), Nguyễn Hữu), nhưng số ruộng còn lại không đủ tế lễ. 9 họ chia làm 3 ban, mỗi ban có 3 họ luân phiên giữ nhiệm vụ khác nhau. Có 3 nhiệm vụ: Chủ sự (quản lý chung), tư hóa (mua sắm nấu nướng), tư thơ (giúp việc) để coi nom, lo lắng cho ngày giỗ.
TÂM THỨC NHỮNG NGƯỜI ĐI MỞ CÕI
Theo các cụ cao niên, ngày xưa, linh vị của 24 dòng họ được chia thành 8 hàng sắp xếp theo trình tự, đứng đầu là họ Nguyễn Phước (dòng họ Nguyễn Phúc Ánh). Khi Vua Gia Long lên ngôi, ông cho tìm dòng họ Nguyễn Phước để khôi phục và ban phát ruộng đất. Tuy nhiên, thông tin ấy không về đến với họ Nguyễn Phước ở Bình Định, bởi dưới thời Tây Sơn, để an toàn phần lớn những người thuộc Nguyễn Phước đều đổi thành họ Nguyễn Đức. Mãi đến sau này họ mới lấy lại họ cũ.
Theo ghi chép của dòng họ Nguyễn An (một trong 24 dòng họ), từ thế kỷ XVII, có 24 dòng họ gồm: Nguyễn Phước, Nguyễn An, Bùi Văn, Châu Văn, Võ Văn, Nguyễn Văn (1), Trần Viết, Phùng Thiết, Nguyễn Kế, Phạm Sỹ, Nguyễn Văn (2), Lê Công, Trần Vĩnh, Nguyễn Bá, Nguyễn Xuân, Nguyễn Hữu, Võ Ðặng, Nguyễn Văn (3), Lê Quang, Nguyễn Văn (4), Nguyễn Hội, Lê Vĩnh, Trảo An, Quách Ðình (riêng Nguyễn Văn có 4 dòng họ) theo chỉ dụ của Vua Lê Thần Tông vào lập làng, lập ấp sinh sống, cai quản vùng đất ngày nay là xã Cát Hưng.
Theo thời gian, nhiều thứ đổi thay, 24 dòng họ không còn chung nhau giỗ tổ, vì nhiều họ chuyển nơi ở, thất tán rồi mất liên lạc. May mắn thay, dòng họ Nguyễn An vẫn ở lại nơi cố thổ, để đến hôm nay chúng tôi có dịp được nghe những câu chuyện, mới mường tượng, cảm nhận tâm thức gắn kết của người xưa. Theo ông Nguyễn An Bình, trước kia, ông tổ của họ Nguyễn An tại Phù Cát là dòng Nguyễn Lưu. Theo mệnh Vua phải làm lưu dân mở đất nhưng với nỗi nhớ quê nhà ở Nghệ An xa xôi, trưởng tộc Nguyễn Lưu quyết định đổi thành Nguyễn An để những thế hệ sau của dòng họ còn biết đến nơi cố thổ xa xưa.
Sau khi vào định cư ở huyện Phù Cát, dòng họ Nguyễn An có nhiều người học giỏi, đỗ đạt. Đời thứ 9, họ Nguyễn An có người đỗ đạt cao ra làm quan ở Huế. Rồi chẳng biết vì sao mất dần liên lạc với quê nhà Bình Định. Khoảng mười năm trước, có người con gái Huế nghe lời cha vào Bình Định tìm lại gốc tích tông tổ. Cuối cùng bà cũng đã tìm được cội nguồn tộc họ mình nhờ chiếc neo là ngôi từ đường kể trên. Kể từ đó dòng họ Nguyễn An ở xã Cát Hưng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và Nguyễn An (làng Tiên Nộn, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) nối lại tình cảm họ mạc, qua lại thăm hỏi nhau. Trong tất cả những cuộc trò chuyện với chúng tôi, những người đại diện cho cửu tộc hậu hữu công đều thiết tha mong ước, hy vọng tới ngày nào đó cả 24 dòng họ lại tề tựu bên nhau, sát bên nhau cùng dâng nén hương thơm lên tiên tổ để chứng minh rằng 24 dòng họ vâng mệnh Vua đi mở đất vẫn luôn ghi lòng tạc dạ sắt son một lòng yêu thương, đoàn kết nhau không dám sai lòng; ước mong có một ngày lại có đủ 24 dòng họ cùng sum họp để ấm lòng tiền nhân.
Thảo Khuy – Thu Dịu