Bản hùng ca bất tử Quang Trung
Cùng với các nghi thức, hoạt động quen thuộc, năm nay, vào tối mùng 4 Tết, tại quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật chủ đề “Hào khí Quang Trung - bản hùng ca bất tử” được chuẩn bị hết sức chi tiết, dàn dựng công phu, đậm tính sử thi.
Đây là chương trình đặc biệt, là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động của Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa do UBND tỉnh tổ chức. Theo tác giả kịch bản, tổng đạo diễn, ThS. Đặng Minh Hải, Chương trình nghệ thuật “Hào khí Quang Trung - bản hùng ca bất tử” gồm 3 chương đi theo từng giai đoạn: Chương 1: Anh hùng áo vải; Chương 2: Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; Chương 3: Tiếp bước truyền thống - Bình Định tự hào đi lên. Chương trình được dàn dựng theo hướng bán sử thi, hoành tráng.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay sẽ diễn ra hoành tráng, đậm đà.
- Trong ảnh: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tổ chức năm 2018 tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: VĂN LƯU
Tỏa rạng non sông
Chương trình quy tụ trên 400 ca sĩ, diễn viên, võ sư, võ sĩ của tỉnh Bình Định và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Mở đầu chương trình là đại cảnh “Hào khí xuân đất Võ” gợi hình ảnh về Bình Định - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, các danh thắng lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Phần này sử dụng tổng hòa nhiều hình thức của nghệ thuật biểu diễn với trống trận, kết hợp với âm nhạc sử thi, võ thuật... nhằm ngợi ca hào khí miền đất võ, quê hương người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Chương 1 (Anh hùng áo vải) diễn ra với 3 phân cảnh diễn tả nét lịch sử, văn hóa quê hương Bình Định. Phân cảnh 1 tái hiện cảnh 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ học chữ và luyện võ dưới sự chỉ dạy, uốn nắn của thầy giáo Trương Văn Hiến và bối cảnh xã hội đương thời. Phân cảnh 2 là cảnh luyện binh, khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn với 160 diễn viên chia làm 4 đạo quân luyện võ trong trang phục của người Kinh, Bana, H’rê, Chăm H’roi. Phân cảnh 3 sử dụng hoạt cảnh kết hợp với tuồng do Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn tái hiện cảnh Nguyễn Nhạc dùng “khổ nhục kế” chiếm phủ thành Quy Nhơn và trận hỏa công lừng lẫy Rạch Gầm - Xoài Mút.
Nối tiếp hào khí ở Chương 1, Chương 2 (Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa) với 3 phân cảnh: Tái hiện cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế; Hành binh thần tốc giải phóng Thăng Long - vang khúc khải hoàn; Hoàng đế Quang Trung trong chiến bào đỏ thắm cưỡi ngựa cùng các tướng sĩ Tây Sơn tiến vào thành Thăng Long trong niềm hân hoan của trăm họ.
Trên vùng đất giàu truyền thống “thượng võ, tôn văn”, người dân Bình Định không ngừng phát huy truyền thống của ông cha, từng bước phát triển nâng cao đời sống của người dân. Chương 3 (Tiếp bước truyền thống - Bình Định tự hào đi lên) được dàn dựng trẻ trung, sinh động nhưng vẫn đậm đà truyền thống với 400 diễn viên, võ sĩ đồng diễn võ thuật, hợp ca, nhảy, múa... tạo nên phần biểu diễn sôi động, hoành tráng dẫn đến cao trào.
Tự hào và tri ân
Trong Chương trình, NSND Minh Ngọc (Nhà hát tuồng Đào Tấn) sẽ vào vai Hoàng đế Quang Trung và Nhà hát cũng đã tổ chức luyện tập, thu âm. Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, bày tỏ: “Tập thể diễn viên, nhạc công Nhà hát cùng nhau dốc sức luyện tập, nhằm khắc họa thật tốt hình ảnh của Hoàng đế Quang Trung, bởi đây không chỉ là thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, mà còn là cách để chúng tôi thể hiện niềm tự hào về một vị anh hùng dân tộc”.
Theo ThS. Đặng Minh Hải, đến nay biên đạo, diễn viên đã cùng nhau tập được 3 tuần, tập tại Tây Sơn và Quy Nhơn. Một ê kíp có nhiều kinh nghiệm làm lễ hội đã đến trực tiếp ăn ở, luyện tập tại địa phương để cảm nhận rõ hơn tinh thần, bản sắc tại đây. Ngoài ra, chương trình còn có sáng tác mới là Nam Đế Ca của nhạc sĩ Xuân Phương ở cuối Chương 1 với ca từ gợi hình, giàu chất sử thi “Nước sông Giang biết bao lần sâu cạn. Người Việt Nam điêu linh biết bao lần. Xương máu âm vang hồn tử sĩ. Máu như sông tức tưởi chốn tuyền đài. Đất Tây Sơn xuất hiện anh hùng...”. Riêng ca sĩ trình bày Nam Đế Ca sẽ là bí mật đến phút cuối của Chương trình.
“Vì đây là lễ hội lịch sử, nói về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, khác rất nhiều với lễ hội hoa đào, lễ hội du lịch biển nên trước khi làm kịch bản tôi đã đọc rất nhiều về lịch sử Tây Sơn - Bình Định. Đồng thời tôi nhờ nhiều nhà sử học tư vấn để có được kịch bản chân thực, sâu sắc, đậm đà bản sắc để tỏ lòng thành kính đối với Hoàng đế Quang Trung nói riêng, anh em nhà Tây Sơn Tam kiệt nói chung và tri ân đến người dân Bình Định”, ThS. Đặng Minh Hải chia sẻ.
THẢO KHUY