BRICS lên kế hoạch thành lập ngân hàng phát triển
Ngày 26.3, nhóm 5 nước đang phát triển gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) nhóm họp tại Nam Phi. Dự kiến, tại cuộc họp cấp cao này, BRICS sẽ công bố kế hoạch thành lập một ngân hàng phát triển mới, trực tiếp thách thức vị thế thống trị của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 5 khai mạc ngày 26.3.2013 tại Durban (Nam Phi) với chủ đề “BRICS và châu Phi: Đối tác vì phát triển, hội nhập và công nghiệp hóa”.
Các nhà lãnh đạo của BRICS đã nhất trí thành lập một ngân hàng tập trung vào cơ sở hạ tầng và phát triển tại các thị trường đang nổi. 5 nước BRICS cũng đang lên kế hoạch xây dựng quỹ dự trữ ngoại hối chung để ứng phó khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ - một nỗ lực ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển trong việc xây dựng thể chế và diễn đàn thay thế cho những thể chế và diễn đàn do phương Tây thống trị.
Tuy nhiên, liên minh BRICS cũng đối mặt với nhiều câu hỏi nghiêm túc về việc liệu các quốc gia thành viên có chia sẻ lợi ích và mục tiêu chung đủ để hoạt động hiệu quả trong vai trò đối trọng với phương Tây hay không.
Kể từ lần họp đầy đủ đầu tiên tại Nga năm 2009, BRICS chỉ mới đạt được vài thành tựu vững chắc. Nguyên nhân một phần do các nước thành viên bất đồng trong một số vấn đề cơ bản, thậm chí là đối thủ cạnh tranh thay vì là đồng minh của nhau theo nhiều phương diện trong nền kinh tế quốc tế.
Theo báo cáo ra ngày 25.3 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, các nước thành viên trong nhóm BRICS ít đầu tư lẫn nhau. Thay vào đó, họ thích đầu tư sang các nước láng giềng và những nền kinh tế phát triển chủ chốt của thế giới.
Chỉ 2,5% đầu tư nước ngoài của các nước BRICS chảy sang các nước khác trong nhóm trong khi hơn 40% số đó đổ vào các nền kinh tế phát triển lớn như Mỹ, Nhật, Liên minh châu Âu (EU).
Châu Phi thu hút chưa đầy 5% tổng đầu tư của các nước BRICS trong khi Mỹ và Pháp vẫn có tỉ lệ đầu tư nước ngoài cao nhất nhì châu Phi. Mặc dù Trung Quốc có tiếng là đầu tư mạnh vào châu Phi nhưng Malaysia vẫn có số tiền đầu tư vào lục địa đen cao hơn Trung Quốc 2 tỉ USD. Châu Phi đang thận trọng hơn với làn sóng đầu tư đến từ Trung Quốc vì lo ngại về thương mại không bền vững trong dài hạn.
Tố Uyên (Theo New York Times)