Về việc cựu quân nhân mong được giám định thương tật: Chậm giải quyết do hồ sơ thiếu sót
Liên quan đến việc cựu quân nhân Nguyễn Văn Lân, 53 tuổi, ở số nhà 49/24/6 Lê Văn Hưng, phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) mong được giám định thương tật để hưởng chế độ chính sách (Báo Bình Ðịnh số ra ngày 27.12.2018 thông tin), ngày 17.1, Bộ CHQS tỉnh đã có văn bản phúc đáp tới Báo Bình Ðịnh về sự việc này.
Theo Bộ CHQS tỉnh, qua kiểm tra, xem xét, đơn vị nhận thấy hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ chính sách của ông Lân tồn đọng đã 18 năm. Theo đó, tháng 4.2001, Bộ CHQS tỉnh có tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ chính sách của ông Lân, đã ban hành công văn số 13/ĐN ngày 10.4.2001 về việc đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) đối với ông theo quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời gửi hồ sơ về Phòng Chính sách Quân khu 5.
Về yêu cầu bổ sung giấy tờ, ông Nguyễn Văn Lân (ảnh) chia sẻ mong muốn được Bộ CHQS tỉnh hướng dẫn, giúp đỡ giải quyết. Ông tâm tư: “Sự việc xảy ra đã hơn 30 năm rồi, cá nhân tôi cũng khó tìm lại được các giấy tờ này. Do vậy, tôi mong Bộ CHQS tỉnh có văn bản đề nghị đơn vị có liên quan cung cấp các giấy tờ có liên quan về giải quyết chế độ TNLÐ cho tôi. Tôi cũng lớn tuổi, vả lại, gia cảnh hiện rất khó khăn với 2 người con mắc bệnh bại liệt tay, chân”.
Đơn vị này đã tiếp nhận, thẩm định và thông báo hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ cho ông. Song, vì ông Lân chưa cung cấp đủ hồ sơ theo quy định về giải quyết chế độ TNLĐ (thiếu hồ sơ quân nhân xuất ngũ, biên bản điều tra hiện trường khi xảy ra TNLĐ do đơn vị trực tiếp quản lý ông lập tại thời điểm ông bị tai nạn, bản sao hồ sơ bệnh án và giấy tờ ra viện các lần ông đã điều trị tại Bệnh xá Vùng 4 Hải quân và Bệnh viện 87 Nha Trang), nên Phòng Chính sách Quân khu 5 không có cơ sở giới thiệu ông đến Hội đồng Giám định y khoa của Quân đội để giám định thương tật nhằm xác định mức suy giảm khả năng lao động, làm cơ sở đề nghị BHXH Quân đội giải quyết cho ông hưởng chế độ TNLĐ; từ đó gửi hồ sơ về lại Bộ CHQS tỉnh.
Sau khi nhận lại hồ sơ, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban Quân lực mời ông Lân vào làm việc, gửi lại hồ sơ, giải thích, hướng dẫn và yêu cầu ông bổ sung đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Tuy nhiên, từ khi nhận lại hồ sơ vào tháng 4.2001, ông Lân không vào Bộ CHQS tỉnh cung cấp các giấy tờ theo quy định. Do đó, Bộ CHQS tỉnh không có cơ sở đề nghị Quân khu.
Qua sự việc này, Bộ CHQS tỉnh nhận thấy, hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ đối với ông Lân tồn đọng đến nay là thiếu sót một phần của các đơn vị và một phần của cá nhân ông Lân. Cụ thể, đơn vị khi giải quyết chế độ cho ông Lân xuất ngũ (Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân) chưa cung cấp thủ tục hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách cho quân nhân bị TNLĐ trước khi xuất ngũ. Còn với Ban Quân lực, Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh làm tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh về thủ tục chưa chặt chẽ khi mời ông Lân vào trả hồ sơ và hướng dẫn ông bổ sung các giấy tờ còn thiếu nhưng không có văn bản làm việc và quy định thời gian ông Lân bổ sung hồ sơ. Còn ông Lân thì chưa chủ động liên hệ với đơn vị trước khi xuất ngũ và các cơ sở điều trị khi ông bị TNLĐ để làm bổ sung các giấy tờ còn thiếu theo quy định.
Theo Bộ CHQS tỉnh, để đảm bảo đầy đủ, trình tự thủ tục hồ sơ đề nghị giám định thương tật và giải quyết chế độ TNLĐ, ông Lân phải cung cấp các giấy tờ sau: Đơn đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ có xác nhận của chính quyền địa phương; hồ sơ quân nhân xuất ngũ (quyết định xuất ngũ, phiếu khám sức khỏe quân nhân trước khi xuất ngũ, phiếu quân nhân, lý lịch nghĩa vụ quân sự); biên bản hiện trường khi xảy ra TNLĐ tại thời điểm ông bị tai nạn ở Tiểu đoàn 454, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân; bản sao hồ sơ bệnh án và giấy ra viện các lần ông đã điều trị tại Bệnh xá Vùng 4 Hải quân và Bệnh viện 87 Nha Trang do bị TNLĐ.
TRỌNG LỢI