Mở hướng cho diêm dân
Sản xuất muối sạch, muối tinh theo công nghệ trải bạt, không chỉ dùng làm thực phẩm mà còn sử dụng trong lĩnh vực dược phẩm đang là hướng đi mới với diêm dân trong tỉnh.
Dự án “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ và thiết bị sản xuất muối sạch, muối tinh và hình thành liên kết theo chuỗi giá trị giữa Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Ðịnh với diêm dân tại tỉnh Bình Ðịnh” được Bộ KH&CN hỗ trợ Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Ðịnh thực hiện năm 2017-2019, tổng kinh phí 25,1 tỉ đồng (vốn đối ứng từ DN là 7 tỉ đồng).
Lợi kép
Thay vì phải Rằm tháng Giêng mới khởi động vụ muối 2019, chiều 22.1, Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định họp với tổ sản xuất muối thôn Hưng Lạc (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) thống nhất công tác cải tạo đồng muối cuối tháng Chạp này. Vùng sản xuất rộng 6 ha được tổ chức sản xuất theo phương thức muối trải bạt để làm muối sạch cung cấp cho sản xuất dược phẩm và thực phẩm của Công ty. Diêm dân được hỗ trợ bạt, máy bơm, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dũng, tổ trưởng tổ sản xuất muối thôn Hưng Lạc, cho hay: “Từ vụ muối năm 2018, các hộ dân trong tổ được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất muối theo phương pháp trải bạt thay cho làm muối trên nền đất, năng suất cao hơn hẳn, từ 120-130 tấn/ha, lợi nhuận đạt 35 triệu đồng/ha - cao hơn 1,5 lần so với cách làm muối truyền thống”.
Diêm dân sản xuất muối theo công nghệ trải bạt trên đồng muối của xã Mỹ Cát.
Còn diêm dân Nguyễn Văn Minh (xã Mỹ Cát, Phù Mỹ), khoe: “Chi phí làm đất đầu mùa cho một ruộng muối đất rộng 700 m2 khoảng 3 triệu đồng, nếu làm muối trải bạt thì chi phí này giảm còn một nửa. Chưa kể, làm muối trải bạt năng suất tăng, giá muối tăng 20% - 30% so với muối đất. Hồi đầu, tui cũng bán tín bán nghi nên chỉ làm 2 ha muối trải bạt, còn 1,5 ha làm muối đất. Sau một mùa muối, lợi thấy rõ nên giờ chuyển hoàn toàn sang làm muối trải bạt. Bà con tụi tui giờ khoái làm muối trải bạt lắm!”.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát Trần Phụng Chánh khẳng định, muối trải bạt được diêm dân vùng muối quanh đầm Đề Gi triển khai từ nhiều năm trước nhưng nhỏ lẻ. Năm 2017, việc triển khai sản xuất muối sạch bằng trải bạt được tổ chức bài bản theo vùng, diêm dân ngày càng “hít” với muối trải bạt. “Cái được” lớn nhất là diêm dân thay đổi dần thói quen sản xuất muối trên nền đất bằng ứng dụng công nghệ sản xuất muối trải bạt; đồng thời, giải quyết được nỗi lo đầu ra, tạo tiền đề để thúc đẩy sản xuất tại các vùng muối.
Kỳ vọng từ sự đổi mới
Theo ông Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Công ty Muối và Thực phẩm Bình Định, Công ty phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân quy hoạch lại ruộng muối theo hướng ghép nhóm, ghép hộ, dồn điền để đảm bảo diện tích của vùng sản xuất. Tùy theo hiện trạng đồng muối sản xuất thực tế của diêm dân đã hình thành các vùng muối trên diện tích 45 ha. “Chúng tôi tính toán từng phương án tổ chức vùng liên kết: xã Mỹ Thành có 3 vùng muối khoảng 13,5 ha, xã Mỹ Cát có vùng muối 16,5 ha và xã Cát Minh có 2 vùng muối gần 20 ha. Với công suất nhà máy 10.000 tấn/năm, diêm dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm”, ông Thông cho hay.
Việc hình thành liên kết vùng sản xuất muối còn hướng đến mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu sạch đảm bảo cho sản xuất muối tinh dùng trong dược phẩm, thực phẩm và sản xuất công nghiệp. Ông Mai Tòng Ba, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) cho hay, riêng hai nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất muối sạch quy mô tối thiểu 50 ha và sản xuất muối tinh công suất 2,5 tấn - 3 tấn/giờ đã được Bidiphar phối hợp Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định triển khai sản xuất thành công.
Theo ông Trần Đình Khải, Trưởng phòng Kiểm nghiệm Bidiphar, nhu cầu muối tinh dùng trong sản xuất dược phẩm rất lớn. Chỉ riêng 2 nhà máy dược tại Bình Định mỗi năm dùng 1.000 tấn muối tinh, nhưng hiện phải nhập khẩu. Đến cuối năm 2018, mô hình sản xuất đã được nghiệm thu với 2 dòng sản phẩm muối sạch dùng để sản xuất muối tinh trong thực phẩm và 1 sản phẩm muối sạch để sản xuất muối tinh dùng trong dược phẩm đạt yêu cầu tiêu chuẩn.
MAI HOÀNG