Chính phủ hỗ trợ, nhưng tư duy của doanh nghiệp mới là quan trọng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ “Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành công xưởng lớn của thế giới” thì việc các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang từng bước “chen chân” vào các chuỗi sản xuất toàn cầu bằng cách thay đổi tư duy, thay đổi cách làm hoàn toàn có thể hiện thực hoá mong muốn này của Thủ tướng.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “một công xưởng lớn của thế giới” như mong mỏi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bởi, tiềm năng của các DN vừa và nhỏ hoạt động trong ngành phụ trợ trong nước là rất lớn. Điều quan trọng ở đây là câu chuyện tận dụng, phát triển các doanh nghiệp này có chiều sâu cũng như có sự kết nối tốt hơn để tạo sức mạnh cạnh tranh. Vì “tự ái” mới làm được
Ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên. Ảnh: VGP/Phan Trang.
Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên hiện đang là nhà cung cấp cấp 1 của Samsung, chuyên cung cấp linh kiện nhựa kỹ thuật cao, lắp ráp một số module thành phẩm điện tử và điện tử gia dụng cho Samsung Electronics HCMC CE. DN này đã tiếp cận Samsung từ năm 2014, khi mà tổ hợp Samsung tại TPHCM chưa đi vào hoạt động nhưng chỉ 2 năm sau, Minh Nguyên đã trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn này.
Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, ông Châu Bá Long cho biết, khó khăn nhất ở thời kỳ đầu là tìm được đất để phát triển sản xuất, sau đó DN phải chủ động nguồn vốn, nguồn nhân lực.
“Ban đầu tôi không biết thủ tục xin về đất đai, thủ tục thành lập công ty về công nghiệp hỗ trợ như thế nào. Về sau nhờ vào sự hỗ trợ của các sở, ngành mới tìm được địa điểm tại khu công nghệ cao, gần với tổ hợp Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) - chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng, rất thuận lợi bởi 'nhất cự ly, nhì tốc độ',” ông Long chia sẻ.
Về vốn, theo ông Châu Bá Long, để tham gia được vào chuỗi của Samsung hay mở rộng ra là các tập đoàn sản xuất đa quốc gia, doanh nghiệp buộc phải “chơi lớn”.
“DN không đủ vốn rất khó tiếp cận với chuỗi cung ứng vì các tập đoàn sẽ có đơn hàng liên tục. Họ phát triển là mình phải phát triển theo, nếu không đủ vốn sẽ không đi tiếp được. Nhà máy của Minh Nguyên có tổng diện tích 5 ha, đang ở giai đoạn 1 với 2 ha vàgmức đầu tư 800 tỷ đồng. Giai đoạn 2 dự kiến khoảng 1.000 tỷ được đầu tư vào Trung tâm R&D (Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm). Doanh nghiệp phụ trợ nhất định phải phát triển R&D, đó là nòng cốt để cải tiến tất cả mọi thứ trong nhà máy", ông Châu Bá Long nói.
Tương tự các DN khi tham gia vào chuỗi của Samsung, Minh Nguyên cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ tập đoàn này trong việc đào tạo. Dù vậy, việc thay đổi tư duy trong nội bộ DN không dễ.
"Anh em nói rằng thường ngày họ đã làm việc đó rồi, tại sao lại phải đổi khác. Mà đổi rồi thì có gì chắc chắn tốt hơn hay không", ông Long kể lại và cho biết giai đoạn đầu, đích thân ông phải đứng dây chuyền, cùng làm với người lao động. Những xung đột dần dần được gỡ bỏ khi hiệu quả từ những phương pháp của Samsung phát huy tác dụng.
Tư duy cũng chính là một phần lý do được ông Long dẫn ra khi giải thích tại sao dù Samsung tích cực trong việc hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Việt Nam nhưng số lượng DN tham gia vào chuỗi tăng không nhiều. Hiện nay Việt Nam có tổng cộng 29 DN nội địa là nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung so với con số 4 của năm 2014. Đến năm 2020, số lượng này dự kiến tăng thành 50.
"Tư duy của DN, đặc biệt là của người đứng đầu rất quan trọng. Và sau khi thay đổi, điều quan trọng là phải duy trì, tiếp tục cải tiến mới giữ được thế cạnh tranh", Tổng giám đốc của Minh Nguyên chia sẻ.
Một câu nói khá “nổi tiếng” về công nghiệp hỗ trợ hay được nhắc đến là “Việt Nam không thể sản xuất nổi dù chỉ 1 cái đinh vít”, ông Châu Bá Long cho rằng câu nói này hiện nay không còn đúng nữa bởi thời điểm hiện tại đã có nhiều đơn vị cung ứng linh kiện điện tử.
Samsung Việt Nam hiện nay không chỉ là nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử mà còn là nơi trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử quan trọng. Nhờ việc trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử trọng tâm của điện thoại thông minh như kính 3D, camera, khung kim loại, màn hình, pin… mà tỉ lệ nội địa hóa của Samsung đã tăng lên 58%.
DN mong muốn được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn
Ông Châu Bá Long cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ nhất định, khuyến khích DN đầu tư, tuy nhiên, DN cần những cái gạch đầu dòng cụ thể, chi tiết hơn.
Những chính sách này, đơn cử như hỗ trợ lãi suất, giúp DN tiếp cận được vốn vay dễ dàng, hay đơn giản như việc giúp DN kết nối thông tin với các tập đoàn đa quốc gia.
"Chúng tôi cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong vấn đề vay vốn. Ngân hàng nhiều khi không hiểu rằng ngành công nghiệp hỗ trợ thực ra không giống bán một sản phẩm ra thị trường, việc sản xuất của doanh nghiệp đi theo sản lượng của các tập đoàn mà chúng tôi tham gia vào. Ngân hàng giờ có nhiều rào cản, giới hạn quá, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của DN mà một khi DN không đáp ứng được sẽ đi thụt lùi, tạo cơ hội cho người khác nhảy vào chiếm thị phần", ông Long nói.
Có thể thấy, hiện ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đang đứng trước những mục tiêu, tham vọng lớn. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến năm 2020, Việt Nam phải có sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Nền kinh tế phải có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Đây cũng là bài toán không dễ mà Thủ tướng giao cho không chỉ riêng ngành công thương mà còn là yêu cầu đặt ra cho tất cả các cơ quan chức năng, địa phương, DN… nhất là khi đất nước đang được xem là địa điểm ưa thích trong cuộc dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư ngoại.
"Biến thời cơ thành nội công, Việt Nam phải là công xưởng của thế giới, là địa bàn thu hút đầu tư, có môi trường tốt để mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện khát vọng đưa Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Phan Trang (Chinhphu.vn)