Davos 2019: Nhiều lãnh đạo thế giới kêu gọi siết chặt quản lý dữ liệu
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, chủ đề quản lý dữ liệu đã được đưa ra thảo luận ngày 23.1, trong đó các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Nam Phi, Đức và Trung Quốc đồng loạt kêu gọi các nước trên thế giới giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ho biết quản lý dữ liệu sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh G20. (Nguồn: Reuters)
Phát biểu tại WEF, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ho biết quản lý dữ liệu sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Nhật Bản đăng cai vào tháng 6 tới. Tại đây, chính quyền của ông sẽ thúc đẩy một hệ thống quốc tế mới nhằm giám sát việc sử dụng dữ liệu.
Phát biểu của ông Abe đã được nhiều lãnh đạo khác tại WEF ủng hộ. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết nội dung giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực công nghệ cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) khi hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra vào tháng tới tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ông Ramaphosa nhấn mạnh an ninh mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu, đồng thời bày tỏ ủng hộ thành lập một cơ quan phụ trách đặt ra các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ. Tương tự, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát việc sử dụng dữ liệu trên thế giới, đồng thời kêu gọi thiết lập một “thị trường số hóa chung” tại Liên minh châu Âu. Thủ tướng Merkel nêu rõ 3 lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm bao gồm các tiêu chuẩn đạo đức trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ gien, cũng như xử lý và sở hữu dữ liệu. Về phần mình, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng khẳng định các nước trên thế giới cần phối hợp trong việc giám sát lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, ông Vương Kỳ Sơn cho rằng “cần tôn trọng sự lựa chọn độc lập mô hình quản lý công nghệ và chính sách công của mỗi nước, cũng như quyền bình đẳng tham gia vào hệ thống quản trị công nghệ toàn cầu." Những tuyên bố trên cho thấy ngày càng có nhiều nước nhận ra những lợi ích của hoạt động giám sát dữ liệu trong lĩnh vực công nghệ. Tháng 5.2018, Liên minh châu Âu (EU) ban hành Quy chế Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) nhằm siết chặt chính sách bảo mật. Theo quy chế có hiệu lực từ ngày 25.5.2018, các công ty phải thận trọng hơn khi xử lý dữ liệu khách hàng, nếu không sẽ đối diện với các hình thức xử phạt nghiêm ngặt khi vi phạm các quyền bảo mật. Tại Đức, Luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG) đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2018 nhằm quản lý các hoạt động của mạng xã hội, đảm bảo môi trường lành mạnh nhất có thể cho người dùng. Theo luật này, những dịch vụ mạng xã hội tại Đức nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt rất nặng, có thể lên đến 50 triệu euro./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)